Thứ hai 14/07/2025 15:50

Luật Thủ đô 2024: phát triển đường sắt đô thị và phát triển đô thị khu vực TOD

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội đang lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định về quản lý, phát triển đường sắt đô thị và phát triển đô thị khu vực TOD (phát triển theo hệ thống giao thông công cộng).
Luật Thủ đô 2024: phát triển đường sắt đô thị và phát triển đô thị khu vực TOD
Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông

Đầu tư phát triển đồng bộ các dự án đô thị trong khu vực TOD

Theo quy định, việc phát triển đô thị theo mô hình TOD của TP nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu vực TOD thông qua việc ưu tiên quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp với mật độ dân số và việc làm cao hơn xung quanh; thiết kế đô thị ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ và đi xe đạp; đầu tư phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị và các dự án phát triển đô thị trong khu vực TOD bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm xây dựng đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại.

Tích hợp phát triển đô thị đồng bộ với đường sắt đô thị nhằm gia tăng nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và góp phần cân đối chi phí vận hành đường sắt đô thị. Tạo cơ sở cho việc ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực xung quanh các nhà ga, đề-pô đường sắt đô thị góp phần phát triển mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị, tránh tình trạng đầu tư phát triển đô thị dàn trải, thiếu tập trung.

Để đạt được các mục tiêu phát triển đô thị theo mô hình TOD, quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai quy hoạch khu vực TOD cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc như: xm xét khu vực TOD như một khu vực đặc biệt, cho phép quy hoạch, phát triển với mật độ dân số, việc làm cao so với xung quanh; tăng lưu lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng; phát triển đô thị xanh, đáng sống, có bản sắc văn hóa, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát phát triển đô thị bên ngoài khu vực TOD; tăng cường kết nối chặng đầu - chặng cuối, bảo đảm tiếp cận thuận tiện, an toàn cho người đi bộ, đi xe đạp.

Mạng lưới đường sắt đô thị cần được quy hoạch và thiết kế theo định hướng chiến lược

Để phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị và các dự án phát triển đô thị trong khu vực TOD cần đảm bảo các nguyên tắc quy hoạch và thiết kế khu vực TOD. Theo đó, mạng lưới đường sắt đô thị cần được quy hoạch và thiết kế theo định hướng chiến lược, bảo đảm các nguyên tắc nhằm nâng cao khả năng kết nối, tiếp cận và tích hợp đa phương thức, đồng thời thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững: tối ưu hóa phạm vi phục vụ của nhà ga tại các khu vực có mật độ dân cư, việc làm cao, nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác và khả năng tiếp cận của người dân.

Hạn chế xung đột với hệ thống giao thông đường bộ hiện hữu; hành lang tuyến đường sắt đô thị phải được xác định hợp lý, tránh hoặc giảm thiểu chồng lấn với đường cao tốc, quốc lộ hoặc các tuyến đường trục chính cấp đô thị; thúc đẩy phát triển giao thông công cộng và hình thức di chuyển chủ động thông qua việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng đa phương thức, có tính phân cấp và tích hợp đồng bộ giữa đường sắt đô thị với các loại hình như: BRT, xe buýt, xe đạp và hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ; bảo đảm kết nối hiệu quả chặng đầu - chặng cuối và từng bước giảm phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân.

Thứ tự ưu tiên các phương thức di chuyển là đi bộ, xe đạp, xe buýt, xe máy, taxi, ô tô cá nhân. Mật độ tuyến đường giao thông nội bộ, với chức năng chính phục vụ phương tiện cơ giới từ 6-8 km/km². Mật độ đường dành cho người đi bộ bao gồm vỉa hè, lối đi bộ vào các nhà ga trung chuyển, cầu vượt, hầm chui, đường cho người đi bộ: lớn hơn hoặc bằng 14km/km2 ở các đô thị trung tâm; lớn hơn hoặc bằng 8km/km2 ở các đô thị vệ tinh.

Chiều dài ô phố lý tưởng không vượt quá 250m, giúp tăng cường đáng kể khả năng đi bộ của khu vực và phân tán luồng giao thông cơ giới. Mật độ mạng lưới đường dành cho xe đạp lớn hơn hoặc bằng 10km/km2 ở các đô thị trung tâm; lớn hơn hoặc bằng 8km/km2 ở các đô thị vệ tinh.

Cùng với đó, cần bố trí kết nối giữa các đầu mối giao thông công cộng bên trong các tòa nhà và nhà ga phải được ưu tiên để đảm bảo việc trung chuyển thông suốt, hiệu quả và che chắn khỏi thời tiết. Đồng thời, cần bố trí chỗ đỗ xe đối với các bất động sản thương mại trong khu vực TOD được quy định không vượt quá 80% so với tỷ lệ chỗ đỗ xe tiêu chuẩn áp dụng chung trên địa bàn TP. Khuyến khích việc chuyển đổi một phần chỗ đỗ xe ô tô thành chỗ đỗ xe đạp nhằm thúc đẩy sử dụng các phương thức di chuyển bền vững.

Cần thiết kế cơ sở hạ tầng và không gian dành cho người đi bộ và xe đạp như bố trí đường đi bộ ngầm trong các nhà ga, có thể được bố trí với chức năng là hành lang kết nối thuần túy hoặc kết hợp chức năng thương mại với các dịch vụ bán lẻ. Chiều rộng đường đi bộ ngầm được xác định theo chức năng sử dụng và yêu cầu về an toàn, bảo đảm luồng người đi bộ thông suốt, thuận tiện và thoải mái.

Đồng thời, thiết lập mạng lưới giao thông dành cho người đi bộ trong các khu vực TOD theo hướng dễ tiếp cận, kết nối tốt và không có rào cản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển liên tục, liền mạch giữa nhà ga đường sắt với các công trình dân cư, công trình công cộng và các tiện ích xung quanh. Mạng lưới này phải ưu tiên bảo đảm an toàn và thuận tiện cho người đi bộ, thông qua việc bố trí lối đi có mái che, hệ thống chiếu sáng đầy đủ, biển báo rõ ràng và hạ tầng bảo vệ khỏi ảnh hưởng của thời tiết.

Tại khu vực lõi xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị, vỉa hè được bố trí với bề rộng tối thiểu 2 m để đáp ứng lưu lượng lớn người đi bộ. Khu vực vỉa hè phải được thiết kế thông thoáng, không bố trí các vật cản gây cản trở việc di chuyển, bảo đảm khả năng tiếp cận an toàn và thuận tiện cho người đi bộ.

Các bãi đỗ xe máy và xe đạp phải được bố trí phân tán, nhằm cung cấp các lựa chọn tiếp cận thuận tiện theo nhiều hướng. Vị trí bãi đỗ xe phải nằm cách lối vào nhà ga đường sắt đô thị từ 20m đến tối đa 100m, đồng thời không được gây cản trở các lối đi bộ hoặc các tuyến kết nối trực tiếp đến nhà ga.

Khi đã có chỗ đỗ xe tốt thì cần quan tâm đến lối đi bộ vào nhà ga đường sắt. Lối đi này phải được bố trí tối đa hóa về số lượng, đặc biệt tại khu vực lõi, nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận thuận tiện từ mọi hướng. Vị trí các lối vào cần được phối hợp hợp lý với mạng lưới giao thông đi bộ và xe đạp kết nối với nhà ga.

Cùng với quy hoạch khu vực TOD, yếu tố không gian công cộng, không gian xanh là điều không thể thiếu được. Do đó, ưu tiên bố trí và phân bổ chiến lược các không gian công cộng và tiện ích đô thị xung quanh mạng lưới đường sắt đô thị, bảo đảm thân thiện với người đi bộ và môi trường. Quảng trường tại khu vực xung quanh nhà ga đường sắt cần có diện tích tối thiểu 50 m², kết nối trực tiếp với lối vào nhà ga và hệ thống đường đi bộ, nhằm tạo điều kiện phân tán hành khách thuận tiện, an toàn và thoải mái, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Tối thiểu 80% số nhóm nhà ở trong khu vực TOD phải nằm trong phạm vi khoảng cách đi bộ hợp lý đến không gian công cộng mở, bao gồm công viên, quảng trường hoặc khu vui chơi giải trí; tối thiểu 10% diện tích đất có thể phát triển trong Khu vực lõi phải được dành để bố trí không gian công cộng mở, không gian xanh và hạ tầng sinh thái phục vụ cộng đồng.

Ưu tiên phát triển các hành lang xanh trong khu vực TOD, nhằm tăng cường đa dạng sinh học, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và nâng cao chất lượng môi trường sống. Hành lang xanh phải cung cấp các tuyến đường có bóng mát, cảnh quan hấp dẫn, khuyến khích người dân đi bộ và sử dụng xe đạp.

Luật Thủ đô 2024 đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô. Đây sẽ là giải pháp then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện cho các công trình trọng điểm, nhất là đường sắt đô thị. Luật Thủ đô 2024 cũng cho phép HĐND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị...

Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Lê Trung Hiếu

Luật Thủ đô 2024: ưu tiên nhà đầu tư chiến lược
Danh mục, lộ trình di dời các cơ sở ra khỏi nội đô
HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét 41 nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 25
Mai Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động