Điều chỉnh để “thích ứng” chống ngập cho Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác hồ điều hòa trên địa bàn TP Hà Nội trong tương lai sẽ được sử dụng trong hệ thống tiêu thoát nước đô thị |
Đâu là nguyên nhân?
Nhưng gần đây, đặc biệt là trong tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, TP đã phải hứng chịu nhiều đợt ngập sâu, trên nhiều tuyến phố, khiến nhiều xe máy, ô tô hư hỏng, gây xáo trộn đáng kể đời sống Nhân dân.
Trước tiên, nguyên nhân khách quan là do biến đổi khí hậu phức tạp, gần đây có những trận mưa lớn, bất thường, trái mùa không theo quy luật ập xuống bất ngờ, hàng chục năm qua mới diễn ra một lần.
Một nguyên nhân cơ bản nữa, hiện nay hệ thống thoát nước Hà Nội rất thiếu các hồ điều hòa để phân chia nước, giảm áp lực cho hệ thống đường ống. Bên cạnh đó, mật độ các miệng cống hút nước từ mặt đường xuống cống ngầm còn chưa cao. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là sự quản lý thiếu sâu sát, chưa chặt chẽ của các quận, huyện đối với hệ thống thoát nước. Nhiều nơi được đầu tư đồng bộ, nhưng vẫn để tình trạng xả rác, vật liệu xây dựng bừa bãi. Thậm chí có nơi, người dân lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán, cố tình bịt miệng cống để tránh mùi hôi thối bốc lên.
GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, trong các nguyên nhân khách quan gây ngập úng tại Hà Nội là do địa hình thấp và mực nước các sông lên cao; lượng mưa lớn và phân bổ không đều theo thời gian còn do quá trình đô thị hóa và tăng dân số.
Nghiên cứu các giải pháp để chống ngập
Liên quan đến giải pháp chống ngập tại nội thành, ông Mạc Đình Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết hệ thống thoát nước của thành phố đã được đầu tư hoàn chỉnh như sông Tô Lịch, sông Sét, sông Kim Ngưu, mạng lưới mương kết nối cho đến hồ điều hoà.
Trong năm 2020 - 2021, Hà Nội đã xoá được 5 điểm úng ngập và giảm mức độ ngập của 5 điểm khác. Sở Xây dựng đã báo cáo thành phố triển khai cải tạo thoát nước, bể điều tiết ngầm tại các khu vực bất khả kháng, thoát nước đô thị tại những điểm trũng và hầm chui dân sinh.
Riêng 1 điểm úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa qua theo dõi các trận mưa năm 2021 cho thấy sau khi đưa công trình bể điều tiết Nguyễn Khuyến vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, mức độ úng ngập và thời gian úng ngập đã giảm đáng kể (khoảng 70%) so với năm 2020.
Như vậy, tính đến năm 2022, Hà Nội đã giải quyết 5/16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại thành phố đã có giải pháp thực hiện dần theo các dự án đã và đang xin chủ trương triển khai thực hiện. Các điểm ngập nhỏ lẻ khác, thời gian rút nước nhanh cũng đã bố trí ứng trực, giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập.
“Về lâu dài cần xây dựng hệ thống thoát nước đô thị, hầm chứa nước tại khu vực trũng thấp để giảm ứng ngập cục bộ, nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực Tả Nhuệ, thoát nước mưa khu vực Hữu Nhuệ, trạm bơm Liên Mạc, trạm bơm Cự Khối, Long Biên…”, ông Minh nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, TP đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch thoát nước của Hà Nội. Ngoài ra, TP sẽ rà soát các hồ điều hòa; nghiên cứu khai thác, sử dụng các hồ hiện có trong các công viên, khu đô thị mới để điều hòa thoát nước đô thị hoặc đầu tư xây dựng mới các hồ theo quy hoạch.
Cũng cần nhìn nhận, dù ngập lớn, nhưng thường chỉ sau 2 giờ đồng hồ sau mưa, nước đã rút, giao thông trở lại hoạt động. Để được như vậy, các đơn vị thoát nước đã huy động 100% nhân lực, thiết bị ứng trực mở ga, bơm tiêu thoát nước; tổ chức ứng trực thực hiện tua vớt rác, mở miệng cống thu nước vào hệ thống; sử dụng bơm di động, hệ thống phản lực tạo áp tăng cường thoát nước; mở cửa trữ nước hồ điều hòa; vận hành bơm 100% công suất để rút ngắn thời gian và mức độ úng ngập trên địa bàn.
Trước tầm quan trọng trong việc tiêu thoát nước, nhất là mùa mưa bão đang đến rất gần. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch Đảm bảo thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2022. TP chỉ đạo các cấp ngành, địa phương đôn đốc các đơn vị thoát nước xây dựng kế hoạch đảm bảo thoát nước và tổ chức kiểm tra, quán triệt việc thực hiện.
UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực các dòng sông; khảo sát và đề xuất phương án thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh đại lộ Thăng Long (xem xét phương án xã hội hóa đầu tư). Nghiên cứu, đề xuất xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ bằng nguồn vốn đầu tư công của quận, huyện hoặc các nguồn vốn huy động khác.
Để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giao thông trong trường hợp mưa lớn gây ngập, Cty Thoát nước Hà Nội đã xây dựng phần mềm HSDC Maps (cho hệ điều hành IOS và Android) cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh để chia sẻ tình hình úng ngập trên địa bàn để người dân có phương án di chuyển phù hợp. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại