Thứ hai 14/04/2025 03:36

Điều trị thành công ca ngừng tim phức tạp cho NSND Thanh Tuấn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa chia sẻ thông tin về ca điều trị thành công cho NSND Thanh Tuấn, bệnh nhân 75 tuổi bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp với ba nhánh mạch vành bị tắc nghẽn kèm vôi hóa mạch máu nặng.
Điều trị thành công ca ngừng tim phức tạp cho NSND Thanh Tuấn
NSND Thanh Tuấn và các y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

Theo BSCK2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, đây là trường hợp bệnh đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 90% và nguy cơ để lại di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây cũng được ghi nhận là ca đầu tiên ở khu vực phía Nam được điều trị thành công với tình trạng phức tạp như vậy.

Cụ thể, NSND Thanh Tuấn có tiền sử hẹp mạch vành và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ngày 24/3, ông bắt đầu có triệu chứng ho, nặng ngực và khó thở tăng dần. Đến 21h35 ngày 25/3, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê và ngưng tim. Bệnh viện ngay lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và đặt nội khí quản. Sau 15 phút hồi sức, tim bệnh nhân bắt đầu đập trở lại và được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu.

Tại khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, phù phổi cấp, phải thở máy và duy trì thuốc nâng huyết áp. Sau khi tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, thiếu oxy não sau ngưng tim và suy đa cơ quan. Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp đa chuyên khoa và quyết định thiết lập ECMO (tim phổi nhân tạo) cấp cứu kết hợp với can thiệp mạch vành ngay trong ngày.

BSCK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, việc thiết lập ECMO ngay tại phòng thông tim là một thách thức lớn vì tính rủi ro cao. Đội ngũ y bác sĩ phải vừa chạy đua với thời gian để tái thông mạch vành, vừa phải phòng ngừa các biến chứng có thể gây ngừng tim lần thứ hai.

Trong quá trình can thiệp, ekip gặp khó khăn khi phát hiện động mạch LAD bị tắc từ lỗ xuất phát trên nền mạch máu vôi hóa nặng. BSCK2 Lý Ích Trung, Phó khoa Tim mạch can thiệp cho biết, ê kíp đã phải sử dụng kỹ thuật khoan cắt Rotablator để bào mòn mảng vôi hóa, nong bóng và đặt thành công ba stent. Kỹ thuật này đòi hỏi độ chính xác cao vì đầu khoan mảnh di chuyển rất nhanh trong lòng mạch máu có cấu trúc hiểm trở.

Sau hai giờ can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được duy trì ECMO, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị kiểm soát nhiệt độ. Đến ngày 28/3, bệnh nhân đã tỉnh và có thể rút nội khí quản. Ngày 31/3, khi các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân được cai ECMO và chuyển đến khoa Điều trị theo yêu cầu để tiếp tục theo dõi.

TS Trương Phi Hùng, Phó khoa Nội Tim mạch mô tả, quá trình điều trị như một cuộc "đấu trí" và chạy đua với thời gian. TS Trương Phi Hùng cũng cho biết, từ 2019-2024, bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị khoảng 500 bệnh nhân mắc bệnh lý tương tự với tỷ lệ sống đạt 44,2% và tỷ lệ hồi phục hoàn toàn không di chứng là 25,6%.

Tại sự kiện, NSND Thanh Tuấn đã xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ban lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã giúp ông vượt qua lằn ranh sinh tử và phục hồi sức khỏe để trở về với cuộc sống bình thường.

Cứu sống thợ xây dựng đột ngột ngừng tim do đột biến gene
Cứu sống bé trai 8 tuổi ngừng tim, ngừng thở do uống nhầm thuốc trừ sâu
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động