Thứ năm 23/01/2025 08:22

Đồng bộ các giải pháp để thị trường bất động sản phát triển bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động môi giới, kinh doanh bất động sản tại các địa phương theo hướng chặt chẽ hơn. Đồng thời, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế; có quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở…
Đồng bộ các giải pháp để thị trường bất động sản phát triển bền vững
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải. Ảnh: Minh Dũng.

Ngày 27/11 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã tổ chức diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản và Lễ trao chứng nhận dự án đáng sống 2024. Phát biểu tại Diễn đàn, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, bất động sản (BĐS) là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính khác như thị trường tiền tệ, thị trường lao động...

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 30.589 giao dịch thành công, gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường cũng ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Tuy vậy, các sản phẩm có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 trở lên chiếm phần áp đảo. Thị trường gần như vắng bóng hoàn toàn căn hộ chung cư thương mại giá bình dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp BĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Hoàng Hải cho biết, thị trường BĐS trong năm 2024 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng càng về cuối năm đã cho thấy sự phục hồi tích cực nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Đặc biệt là việc Luật Nhà ở 2023, Luật kinh doanh bất động sản 2024 và Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đó, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường BĐS và mở ra chu kỳ mới cho thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.

Tuy nhiên, thị trường vẫn xảy ra tình trạng biến động giá cục bộ tại một số phân khúc và một số khu vực. Hiện tượng tăng giá có tính cục bộ, xảy ra ở một số khu vực, một số loại hình, một số phân khúc BĐS dẫn đến tác động làm tăng giá chung.

Ông Hoàng Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân tác động làm tăng giá BĐS nhà ở. Cụ thể như giá bán BĐS tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.

Mặt khác, nguồn cung BĐS còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm; có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời.

Hơn nữa, hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới BĐS; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi… làm giảm tính minh bạch của thị trường BĐS.

Trước thực trạng nêu trên, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng đã và sẽ thực hiện một số giải pháp cụ thể: Trong đó, tổ chức triển khai tập huấn, phổ biến để thực hiện có hiệu quả các quy định Luật và các văn bản quy định chi tiết mới được ban hành đến các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Bên cạnh đó, xem xét thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch và đăng ký BĐS do Nhà nước quản lý như các mô hình tương tự đã thực hiện hiện hiệu quả tại một số quốc gia theo hướng đơn giản, ngắn gọn, chính xác nhất.

Thực hiện tốt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong điều kiện chính sách về nhà ở xã hội đã mở ra.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động môi giới, kinh doanh BĐS tại các địa phương theo hướng chặt chẽ hơn; Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế; có quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với nhiều nội dung mới trong các luật hiện hành, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất.

Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất, thời hạn cho vay tăng lên; tiếp tục lấy ý kiến các địa phương về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội…Cùng với đó, chủ động tổ chức rà soát danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp, tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực tài chính, khả năng quản trị của doanh nghiệp, tránh đầu tư dàn trải.

Không gian sống đánh thức mọi giác quan tại The Komorebi
VIETBUILD Hà Nội 2024: kết nối giao thương, cung cầu, công nghệ trên nền tảng kỹ thuật số
Giới đầu tư hướng về khu Đông TP Hồ Chí Minh nơi “ngôi sao” The Beverly đang tỏa sáng
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động