Thứ năm 23/01/2025 20:12
Thanh Hóa:

Dòng người đổ về khai hội Lễ hội Lam Kinh 2022

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 17/9 (tức ngày 22/8 năm Nhâm Dần), tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2022, kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 589 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi và kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.
Rất đông người dân và du khách đến tham dự lễ hội
Rất đông người dân và du khách đến tham dự lễ hội

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Lam Kinh 2022 nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; đồng thời giới thiệu, quảng bá nét đẹp về vùng đất, con người xứ Thanh, giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, các tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Thanh Hóa tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trong 3 ngày, từ 16/9 đến 18/9 (tức ngày 21, 22, 23-8 âm lịch). Trong đó, lễ dâng hương và tế lễ tại đền thờ vua Lê Thái Tổ, khu lăng mộ, các tòa thái miếu (huyện Thọ Xuân), đền thờ Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), thái miếu Nhà hậu Lê và tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa) sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/9 (tức ngày 21, 22/8 âm lịch); lễ dâng hương làm giỗ Bà hàng dầu trên đỉnh núi Lam Sơn (núi Dầu) vào ngày 18-9 (tức ngày 23/8 âm lịch) theo nghi thức truyền thống.

Trong khuôn khổ Lễ hội Lam Kinh 2022 và Kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt sẽ có các sự kiện như trưng bày tư liệu, hình ảnh kỷ niệm 10 năm (từ ngày 10/9 đến 20/9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh và khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội).

Ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Sầm Sơn, suối cá thần…

Với những giá trị nổi bật, ngày 27/9/2012 di tích Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Trong 10 năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, khu di tích đã được đầu tư nguồn lực lớn để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Nhờ đó, nhiều hạng mục công trình quan trọng của khu di tích đã được phục dựng. Đồng thời có 5 bia ký được công nhận bảo vật quốc gia; 18 cây được công nhận cây di sản; phân loại và vào sổ đăng ký 7 bộ sưu tập gồm: gốm, sành, gạch, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, kim loại; sưu tầm được 1.031 hiện vật gốc…

Với bề dày lịch sử - văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên, Lam Kinh đang trở thành một trong những điểm đến văn hóa, tâm linh hấp dẫn bậc nhất của xứ Thanh hiện nay...

Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh trống khai hội.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh trống khai hội.

Sau màn đánh trống khai hội của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nghi lễ đọc chúc văn tấu cáo, tưởng nhớ công lao của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê, công thần và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn đã diễn ra trang trọng tại sân rồng trước Chính điện Lam Kinh. Sau nghi lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn”.

Các tiết mục được dàn dựng cung phu
Các tiết mục được dàn dựng công phu

Chương trình được dàn dựng công phu, giàu tính biểu tượng và tính nghệ thuật, với các phần: “Hào khí Lam Sơn - Anh hùng tụ nghĩa”; “Bình Định Vương đăng quang Hoàng đế”; “Tiếp bước cha ông, Thanh Hóa trên đường đổi mới”. Qua đó, tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc cùng công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các tướng sĩ và Nhân dân ta trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh.

Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách
Các tiết mục hay, đặc sắc khiến người xem thích thú và chăm chú xem

Ngoài ra, phần hội còn có sự kết hợp của các trò diễn đặc sắc như trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường, múa bát dân tộc Dao… tạo nên một không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, để lại nhiều dư âm cùng ấn tượng đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội Lam Kinh năm 2022, kỷ niệm 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (2012-2022) nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và Nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Đồng thời, là dịp để giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người xứ Thanh cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế du lịch đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Lễ hội Trung thu Tuyên Quang
Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022
Những gam màu lễ hội Tây Nguyên khuấy động mùa hè VinWonders Nam Hội An
Đánh thức du lịch xứ Thanh bằng bốn mùa lễ hội
Hải Phòng: Khởi động lại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sau 2 năm tạm ngừng do COVID-19
Huy Hoàng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động