Thứ năm 23/01/2025 20:09
Về việc tố cáo liên quan đến quyên góp từ thiện

Đưa vấn đề ra pháp luật là cách hành xử văn minh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật sư cho rằng, những lời qua tiếng lại, xúc phạm nhau trên mạng xã hội của nữ doanh nhân với một số nghệ sĩ sẽ làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị nhiều nghệ sĩ gửi đơn tố cáo tới CQCA
Bà Nguyễn Phương Hằng bị nhiều nghệ sĩ gửi đơn tố cáo tới CQCA

Quy trình giải quyết tố giác

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) cho biết, thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin về việc có các cá nhân đứng ra làm đơn gửi đến CQCA để tố cáo một số người có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động từ thiện. Trước thực trạng đó, Cục Cảnh sát hình sự đã cho lực lượng rà soát tại các địa phương xem có nhận được các đơn từ, thông tin phản ánh nêu trên hay không.

Theo đó, ngày 26-3-2020, Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2020/TT-BCA quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2020.

Thông tư nêu rõ, sau khi nhận đơn tố giác, tin báo tố giác tội phạm qua các nguồn, lực lượng chức năng sẽ tiến hành phân loại và xử lý tin báo. Việc chuyển tin báo để giải quyết theo thẩm quyền phải có Phiếu chuyển tin báo theo mẫu theo Thông tư 61/2017 của Bộ Công an và phải thực hiện trong hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ.

Trong quá trình giải quyết tin báo, CQĐT được phép triệu tập và lấy lời khai những người tham gia tố tụng có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh... Chậm nhất 7 ngày trước khi hết hạn kiểm tra, xác minh tin báo, Điều tra viên phải có báo cáo kết thúc việc xác minh bằng văn bản và đề xuất cụ thể theo hướng: khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự; tạm đình chỉ hoặc gia hạn thời hạn xác minh.

CQĐT phải thông báo kết quả giải quyết tin báo trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết (nếu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự) cho Viện kiểm sát cùng cấp và người đã tố giác. Trường hợp tạm đình chỉ thì thời hạn này là 24 giờ kể từ khi ra quyết định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc khởi kiện là phù hợp

Liên quan đến những ồn ào của của một số nghệ sĩ với nữ doanh nhân xảy ra trong thời gian vừa qua, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc một số nghệ sĩ gửi đơn tố cáo và đề nghị CQĐT vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý các sai phạm là hoàn toàn có cơ sở và cần thiết. Việc tố cáo ra CQCA, khởi kiện ra TAND, đưa vấn đề ra pháp luật là cách hành xử văn minh, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Bởi, nếu sự việc không được giải quyết bằng pháp luật mà những tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột xã hội chỉ lời qua tiếng lại, chửi bới xúc phạm nhau trên mạng xã hội sẽ làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và có thể tiếp tục sẽ xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

“Với những thông tin của nữ doanh nhân này đưa ra trong các buổi livestream trong thời gian qua và phản hồi trở lại, phủ nhận của các nghệ sĩ, dư luận không thể biết ai đúng, ai sai. Chỉ có kết luận của cơ quan chức năng thì mới là cơ sở để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật”, luật sư Nguyên nêu ý kiến.

Luật sư Nguyên cho rằng, khi quan điểm, thông tin của hai bên đưa ra mâu thuẫn nhau, thậm chí tố cáo nhau sẽ có bên đúng, bên sai hoặc cả hai đều sai. CQĐT sẽ vào cuộc để làm rõ có hay không hành vi ăn chặn tiền từ thiện. Nếu kết luận của CQĐT là có việc ăn chặn tiền từ thiện, có thể xử lý các nghệ sĩ về hành vi lừa đảo hoặc “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.

Ngược lại, nếu kết quả điều tra xác minh của CQĐT cho thấy hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ hoàn toàn trong sạch, minh bạch, không có dấu hiệu thất thoát. Đồng thời nếu có chứng cứ cho thấy nữ doanh nhân này đã đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm, CQĐT cũng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “Vu khống”, tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" hoặc tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định của BLHS năm 2015.

Trước đó, bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an chia sẻ với báo chí về việc đảm bảo minh bạch trong hoạt động từ thiện. Với những trường hợp có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài” sản hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, nếu cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng CA nhận được các chứng cứ, tài liệu liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động từ thiện thì chắc chắn sẽ vào cuộc xử lý theo quy định.

Ở diễn biến liên quan, lãnh đạo CATP HCM xác nhận đã tiếp nhận đơn của một số ca sĩ tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng GĐ Cty Đại Nam về các hành vi vu khống, làm nhục người khác, đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động