Thứ bảy 05/04/2025 19:45

EU đa dạng hóa thương mại, tìm đối tác mới sau khi Mỹ áp thuế đối ứng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau động thái áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa các đối tác thương mại, trong đó nổi bật là kế hoạch thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận thương mại với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).
EU đa dạng hóa thương mại, tìm đối tác mới sau khi Mỹ áp thuế đối ứng
EU đang tìm ra các giải pháp sau khi Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng cao với khu vực này. (Ảnh: DW)

Theo người phát ngôn của EU ngày 4/4, quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp mức thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu của EU đã gây ra nhiều lo ngại, buộc khối này phải tìm hướng đi mới để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Trong bối cảnh này, Mercosur – khối gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay – được đánh giá là đối tác tiềm năng giúp EU mở rộng thị trường và cân bằng ảnh hưởng thương mại toàn cầu. Người phát ngôn nhấn mạnh, việc hoàn tất hiệp định với Mercosur sẽ “mở ra cơ hội lớn” và giúp EU “ứng phó hiệu quả trước các bất ổn thương mại từ phía Mỹ”.

Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Pháp đã tổ chức cuộc họp khẩn với 10 quốc gia thành viên EU, nhằm thảo luận các điều khoản của hiệp định thương mại với Mercosur. Trong đó, các nước nhấn mạnh cần có cơ chế bảo vệ nông dân châu Âu trước nguy cơ bị cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nông sản Nam Mỹ.

Cuộc họp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa đối tác kinh tế, tránh phụ thuộc quá mức vào một quốc gia hay khu vực duy nhất, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang leo thang.

EU đa dạng hóa thương mại, tìm đối tác mới sau khi Mỹ áp thuế đối ứng
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU sẽ tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu. (Ảnh: NHF)

Bên cạnh Mercosur, Liên minh châu Âu cũng đẩy nhanh các tiến trình hợp tác với các khu vực khác. Cụ thể, khối này đã công bố thỏa thuận thương mại mới với Mexico, đồng thời tuyên bố nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do với Malaysia, như một phần trong chiến lược mở rộng mạng lưới kinh tế toàn cầu.

Đáng chú ý, người phát ngôn EU cũng cho biết khối này đang xem xét sử dụng Công cụ chống ép buộc (ACI) – một cơ chế cho phép áp đặt các biện pháp đáp trả có mục tiêu đối với các hành vi ép buộc kinh tế từ các quốc gia thứ ba. Đây được xem là bước đi cứng rắn để bảo vệ lợi ích của khối trong môi trường thương mại quốc tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Theo các nhà phân tích, ngoài việc mở rộng mạng lưới thương mại, EU vẫn để ngỏ khả năng nối lại đàm phán trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump, nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa hoãn, tránh đẩy căng thẳng thương mại lên cao trào. Dù vậy, khối này vẫn đang tính toán kỹ lưỡng các công cụ pháp lý và chiến lược ứng phó cần thiết, đảm bảo cân bằng giữa đối thoại và bảo vệ quyền lợi của châu Âu.

Rủi ro kinh tế toàn cầu do chính sách thuế quan mới của Mỹ Rủi ro kinh tế toàn cầu do chính sách thuế quan mới của Mỹ

Các thể chế tài chính hàng đầu thế giới, bao gồm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ...

Vũ Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động