WHO kêu gọi tăng giá thuốc lá, rượu và nước ngọt ít nhất 50%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
WHO kêu gọi tăng giá và thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc là và nước ngọt. |
Động thái này nằm trong khuôn khổ sáng kiến mang tên “3 by 35”, được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về tài trợ cho phát triển toàn cầu lần thứ tư diễn ra tại Seville, Tây Ban Nha.
Theo WHO, việc tăng giá và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm trên không chỉ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh mãn tính, mà còn tăng đáng kể nguồn thu ngân sách cho các quốc gia – đặc biệt là trong bối cảnh viện trợ quốc tế sụt giảm và nợ công gia tăng.
Cơ quan này nhấn mạnh, các bệnh không lây nhiễm (NCDs) như tim mạch, ung thư, tiểu đường hiện chiếm hơn 75% số ca tử vong toàn cầu. Riêng thuốc lá đã cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm. Nếu được thực hiện đúng lộ trình, sáng kiến “3 by 35” có thể ngăn ngừa 50 triệu ca tử vong sớm trong 50 năm tới và giúp các nước thu về 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Tăng thuế là một trong những công cụ hiệu quả nhất để các chính phủ điều chỉnh hành vi tiêu dùng và tạo ra nguồn lực vững chắc cho hệ thống y tế.”
Ông Tedros đặc biệt nhấn mạnh tính khả thi của sáng kiến này, khi trong giai đoạn 2012–2022 đã có gần 140 quốc gia tăng thuế thuốc lá, khiến giá mặt hàng này tăng trung bình 50%.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên WHO đặt ra mục tiêu tăng giá đồng thời cho cả 3 nhóm sản phẩm: thuốc lá, rượu và đồ uống có đường – những mặt hàng đang bị tiêu thụ ồ ạt, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
WHO cũng tiết lộ đang xem xét khả năng áp thuế với nhóm thực phẩm siêu chế biến như snack, xúc xích, mì ăn liền… sau khi hoàn tất định nghĩa chính thức trong vài tháng tới. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lường trước khả năng vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các tập đoàn thực phẩm và đồ uống toàn cầu.
Sáng kiến “3 by 35” của WHO nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ Quỹ Bloomberg Philanthropies, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Các quốc gia tham gia cũng sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, chính sách và tài chính để triển khai biện pháp tăng giá các sản phẩm gây hại cho sức khỏe.
Việc tăng giá thuốc lá, rượu và nước ngọt không chỉ là công cụ kinh tế mà còn là chiến lược y tế công cộng hiệu quả để giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm. Chính sách này hứa hẹn tạo bước ngoặt trong cuộc chiến chống bệnh không lây nhiễm, đồng thời giúp các quốc gia củng cố năng lực tài chính, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Chỉ 7 quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn không khí sạch của WHO: báo động ô nhiễm toàn cầu | |
WHO vẫn chưa thể xác định chính xác nguồn gốc đại dịch COVID-19 |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại