Thứ sáu 24/01/2025 07:36
Kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955/27-2-2021):

Gác lại những nỗi niềm riêng vì cuộc chiến chung với đại dịch

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong lá thư gửi cán bộ nhân viên y tế nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Trong ngày truyền thống thiêng liêng và cao quý của ngành y tế, nhiều đồng chí vẫn đang lặng lẽ, âm thầm miệt mài không ngại gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để bảo vệ sức khỏe và bình an của người dân… Những giọt mồ hôi, nước mắt của các đồng chí, những đêm thức trắng ở các điểm dịch, bên giường bệnh luôn được nhân dân ghi nhận.

Những lời chia sẻ đó của vị tư lệnh ngành y xuất phát từ thực tế chống dịch trong thời gian qua, nhiều cán bộ nhân viên y tế đã lao vào vùng dịch với tinh thần làm việc không mệt mỏi, quên thời gian, quên đi những nỗi niềm rất riêng. Đặc biệt, đợt dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh lần này xảy ra vào đúng thời điểm giáp Tết Nguyên đán-dịp mà mọi gia đình đều đoàn tụ, sum vầy nên sự hi sinh/cống hiến của cán bộ, nhân viên y tế càng được khắc họa rõ nét.

Những giọt mồ hôi, nước mắt và quyết tâm đẩy lùi Covid-19

Họ-những cán bộ y tế nơi tuyến đầu chống dịch khi được phân công nhiệm vụ ở các vị trí công việc khác nhau nhưng đều mang trong mình quyết tâm cao nhất: Cống hiến, làm việc hết sức mình để đẩy lùi dịch bệnh, để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.

Họ, khi vào trong tâm dịch, mang trong mình bộ đồ bảo hộ thì chỉ có cách phân biệt được từng người qua những dòng chữ sau lưng. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong từng con người đó lại là những nỗi niềm rất riêng tư.

Chị Phan Thị Hương, kỹ thuật viên của Khoa Xét nghiệm, TTYT Chí Linh, Hải Dương đã trải qua thời khắc đón giao thừa trong tâm dịch cùng đồng nghiệp. Điều khiến chị rưng rưng không chỉ vì chị xa gia đình, xa con nhỏ mà bởi chứng kiến nữ đồng nghiệp có người khóc thút thít vì nhớ chồng, con; nam đồng nghiệp thì cố giấu đi cảm xúc bằng trong ánh mắt xa xăm. “Hồi trước khi thấy các bác sĩ ở Trung Quốc gồng mình trong cuộc chiến mình đã thấy xót xa. Bây giờ, nhìn thấy những hình ảnh đó ngay trước mắt là không thể cầm lòng nổi... Mặc bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, nóng bức này, nụ cười, mồ hôi và nước mắt cứ thế đan xen...”, chị Hương tâm sự.

Với bác sỹ Trần Thị Dung, cán bộ của BV Bạch Mai tăng cường, phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn tại BV Dã chiến số 2 Hải Dương thì “Tết năm nay thật đặc biệt và tôi sẽ không bao giờ quên”! Chị không quên bởi khi nhận nhiệm vụ chi viện cho Hải Dương chị chuẩn bị đồ đạc đi gấp rút, không kịp tạm biệt gia đình do chồng bận làm nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng. Chị không quên bởi đây là cái Tết mà chị không tự tay sắm sửa đồ lễ cho 2 bên nội ngoại; không quên sinh nhật cô con gái 4 tuổi không có cả bố lẫn mẹ ở bên. Rồi những lần nói chuyện với con qua video, cháu luôn miệng rủ “tối mẹ về ngủ với con”, “mẹ kể chuyện cho con nghe đi”…; thi thoảng đang gọi, con gái lại khóc nhớ mẹ, thế rồi mẹ khóc, con khóc, không thể kìm nén được cảm xúc...

Thế nhưng, khi được lựa chọn rút về hay tiếp tục ở lại, chị lại phân vân và quyết định ở lại để hỗ trợ cho đồng nghiệp bởi chị nhận thấy nhân lực ở đây trong thời điểm ấy còn mỏng… Mọi người ở nhà hay hỏi khi nào thì về, mỗi lần như vậy chị chi biết nhắn rằng: “Em sẽ về sớm nhất có thể”.

Gác lại những nỗi niềm riêng vì cuộc chiến chung với đại dịch
Những cuộc trò chuyện qua video giúp bác sỹ Trần Thị Dung vơi đi nỗi nhớ gia đình (ảnh BYT).

Cặp vợ chồng bác sỹ Vũ Quy Bắc, khoa Khám bệnh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Ánh, Kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế TP Chí Linh-Hải Dương đã đón cái Tết đặc biệt tại nơi làm việc.

Họ đã cùng nhau thực hiện nhiệm vụ ngay từ ngày đầu Chí Linh có ca bệnh đầu tiên. Để lại 2 con nhỏ là diện tiếp xúc F2 ở nhà với bà, họ đã cùng vượt qua những vất vả trong công việc cũng như những cảm xúc riêng. Đó là trong những ngày này, họ nhận tin anh rể qua đời, tiếp đó lại là tin cháu ruột qua đời dù đau buồn nhưng vẫn phải cố gắng vững vàng động viên người ở nhà, còn mình phải gác lại để đảm bảo tiến độ công việc chung.

Cùng làm một nơi nhưng họ lại không được gặp mặt nhau trực tiếp nên chỉ biết gửi nhớ thương qua Zalo. “Dù chồng có mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít đi nữa thì tôi cũng nhận ra. Nhiều lúc, phải quay vào trong thật nhanh để không chạy ào tới ôm chồng. Giây phút đó mình bỗng “ghét” Covid-19 đến lạ lùng”, chị Ánh tâm sự.

Và đêm 30 Tết, họ cùng đón giao thừa với nhau theo cách cũng rất đặc biệt: Chị vẫn trong bộ đồ bảo hộ gọi anh từ xa chỉ để được nhìn nhau một chút rồi họ lại trở về với công việc đang còn dang dở.

Mong sự bình an lớn đến với tất cả mọi người

Trong đợt dịch lần này, còn có sự xông pha của những bác sỹ trẻ cũng nhưng các sinh viên tình nguyện. Đó là bác sỹ Vương Xuân Toàn, khoa Hồi sức tích cực-BV Bạch Mai, người đã 2 lần chi viện cho điểm nóng là Đà Nẵng và Hải Dương. Lần này, dù nhà chỉ cách BV Dã chiến số 2 quãng đường 15km nhưng Toàn vẫn ngăn bố mẹ đến thăm để tránh nguy cơ lây nhiễm. Toàn an ủi “bố mẹ an tâm, con đi chống dịch, để quê hương sớm trở lại yên bình”.

Hay như bác sỹ Đỗ Thị Băng Ngân, BV Phổi Quảng Ninh dù đã trải qua 2 lần hoãn cưới do mải mê chống dịch nhưng ở lần thứ 3 dù đã dự định ngày cưới nhưng bác sỹ Ngân vẫn gác lại để xung phong vào khu cách ly điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.

Nhớ lại những lần hoãn cưới, bác sỹ Ngân chia sẻ: Đầu năm 2020, dù có kế hoạch tổ chức đám cưới cùng chồng đang công tác tại BV Đa khoa Quảng Ninh nhưng dịch bệnh bất ngờ bùng phát, cô đã tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Ninh từ tháng 2-2020. Đến khi bệnh nhân khỏi bệnh, cô hết thời gian cách ly thì đã sang tháng 5-2020.

Chưa kịp lo tiếp chuyện cưới xin thì trong đợt dịch tại Hải Dương (tháng 8-2020), dù tham gia công tác chống dịch không phải cách ly nhưng chồng chưa cưới của cô quê ở Hải Dương nên cũng không thể tổ chức đám cưới. Và lần này, khi dịch xảy ra ở Hải Dương, Quảng Ninh, nơi bác sỹ Ngân công tác trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 thì cả 2 người lại gác lại chuyện cưới xin để cùng nhau tham gia công tác chống dịch. Bác sỹ Ngân chia sẻ, “chuyện cá nhân có thể gác lại sau cũng được. Chỉ mong sao góp chút sức lực nhỏ bé cùng Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi được đại dịch”.

Gác lại những nỗi niềm riêng vì cuộc chiến chung với đại dịch
Dù mỗi người một nỗi niềm riêng nhưng mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều chung quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh (ảnh N.Th)

Trước khi tạm biệt người vợ đang mang bầu hơn 8 tháng để lên đường nhận nhiệm vụ cắm chốt tại các khu cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao, anh Lưu Văn Khanh-nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thủ thỉ với con: Con đừng trách, khi chào đời không thấy bố bên cạnh. Hãy thật ngoan để mẹ an lòng. Bố lên đường làm nhiệm vụ Tổ quốc giao!”, đó là những lời dặn con xúc động của anh Lưu Hoàng Khanh dành cho đứa con hơn 8 tháng ở trong bụng vợ.

Mỗi lần nghĩ đến câu nói của vợ “Anh đi rồi, ai đưa em đi sinh?”, anh lại không khỏi day dứt bởi là đàn ông lại đi vắng trong những lúc vợ cần mình nhất, dễ tủi thân nhất thì cũng buồn lắm, thương lắm. “Nhưng một khi đã chọn lấy nghề y là chọn những gian lao rồi nên chúng tôi đều xác định phải vượt qua những khó khăn cá nhân”, anh bày tỏ.

Gác lại những tâm tư ấy, anh Khanh cắm chốt tại Trường Tiểu học Lai Cách, huyện Cẩm Giàng. Điểm cách ly tại trường tiểu học Lai Cách có đến 100 người được cách ly y tế gồm 62 học sinh, 41 phụ huynh, 7 thầy cô giáo. Mọi việc từ theo dõi sức khỏe đến đảm bảo giãn cách, tất cả đều được thực hiện một cách đầy đủ, rõ ràng với tâm thế khẩn trương nên anh vô cùng bận rộn. Thế nhưng, trong từng khoảnh khắc, anh vẫn thấy thương các cháu nhỏ khi đi cách ly không có bố mẹ đi cùng đã lén đứng vào một góc để khóc…

Mặc bộ đồ bảo hộ dù không hề dễ chịu nhưng anh cho biết: Có phải mặc thêm một bộ đồ bảo hộ nữa mà Covid-19 đi qua thì chúng tôi vẫn sẵn sàng. Nhiều lúc trong khu cách ly, nhìn các con còn nhỏ, bố mẹ công tác xa không thể đi cách ly cùng đứng khóc một góc, tôi là đàn ông nhưng cũng cầm lòng nổi. Các em cũng là chiến binh của cuộc chiến này. Đã là cuộc chiến thì chẳng ai có thể nói trước điều gì…

Với mong muốn điều bình an lớn đến với tất cả những y bác sỹ, người dân, anh và vợ đã thống nhất đặt cho đứa con sắp chào đời của mình là Đại An. “Có đi vào tâm dịch, có đứng giữa sào huyệt của cuộc chiến Covid-19, mới thấm thía cái giá trị đích thực của sự bình an. Đại An cũng là điều tôi và tất cả những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, người dân cả nước mong muốn lúc này. Tôi muốn đặt tên con như thế để sau này, mỗi lần con được gọi, con sẽ biết trân quý khi là một huyết cầu của Tổ quốc trong cuộc chiến chống Covid-19”.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động