Thứ sáu 24/01/2025 04:05

Họ vẫn luôn ở đây, “chiến đấu” kiên cường với Covid-19 cùng các bệnh nhân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hơn hai năm qua, đất nước ta trải qua muôn vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Các cán bộ, nhân viên ngành Y - những chiến sĩ áo trắng vẫn luôn kiên cường nắm chắc “tay súng”, sẵn sàng kề vai sát cánh, đồng hành cùng các bệnh nhân trong cuộc chiến cam go này.
Họ vẫn luôn ở đây, “chiến đấu” với Covid-19 cùng các bệnh nhân
Chị Bành Thị Hà Huệ - Điều dưỡng Khoa A4B - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - BV Trung ương Quân đội 108 đang làm nhiệm vụ

Bệnh nhân là gia đình

Hơn 1 tháng trước, chị Bành Thị Hà Huệ (SN 1992, Điều dưỡng Khoa A4B - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - BV Trung ương Quân đội 108) nhận nhiệm vụ tham gia công tác phòng, chống dịch tại BV. Đây cũng là lần công tác đặc biệt của chị do thời gian trải dài trước, trong và sau Tết.

Với mọi người, Tết là thời điểm gia đình sum họp bên nhau nên ai cũng mong muốn được trở về nhà trong thời khắc thiêng liêng ấy. Thế nhưng, khi nhận nhiệm vụ, chị Huệ và các đồng nghiệp tạm gác niềm vui riêng tư sang một bên để tập trung cho công việc.

Chị nhớ lại những kỷ niệm khi chăm sóc các bệnh nhân cao tuổi. Ngày nào các bác cũng đến hỏi “Tôi âm tính chưa?”; “Tôi được về chưa?”,... bởi ai cũng mong được về nhà quay quần bên con cháu.

Thấu hiểu niềm mong mỏi của bệnh nhân, chị Huệ và đồng nghiệp càng nỗ lực, cố gắng hơn nữa để điều trị thật tốt cho họ. Với bệnh nhân nào, các y, bác sĩ, điều dưỡng cũng động viên họ yên tâm chữa bệnh. Nhiều bệnh nhân khi vào viện lo lắng, mất ăn, mất ngủ đã lạc quan hơn, kết quả điều trị vì thế cũng có nhiều tiến triển.

Với những bệnh nhân cao tuổi không có người nhà chăm sóc, chị Huệ và các thành viên trong kíp trực chăm sóc họ như người thân của mình. Chị Huệ chia sẻ khi mình coi họ như gia đình thì họ cũng đặt niềm tin ở mình mà yên tâm điều trị. Tinh thần tốt là một chiến thắng trong quá trình chữa bệnh.

“Bệnh nhân cao tuổi mà không có người nhà chăm nom, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết từ việc xúc cho các bác ăn đến vệ sinh cá nhân, thay tã bỉm... Các bác biết mình có con nhỏ, gác lại công việc gia đình để chăm sóc, điều trị cho họ nên họ thương và bảo sẽ điều trị tốt để các y, bác sĩ, điều dưỡng đỡ phần nào vất vả”, chị Huệ cho biết.

Trong số các bệnh nhân cao tuổi, có nhiều cụ bị đãng trí, cả đêm không ngủ, các y tá và điều dưỡng phải trông suốt đêm vì sợ có điều gì không hay xảy ra với các cụ.

“Có bác thấy bóng dáng chúng tôi đi qua là "giả vờ" ngủ nhưng sau đó lại ngồi bật dậy sờ thứ nọ, thứ kia. Giấc ngủ rất quan trọng với các cụ nên chúng tôi phải động viên các cụ muốn khỏi sớm thì phải ăn, ngủ được. Các bác cũng giống như ông bà, bố mẹ của mình ở nhà nên thương vô cùng. Chúng tôi dặn lòng mình càng phải cố gắng nhiều hơn...”, chị Huệ tâm sự.

Họ vẫn luôn ở đây, “chiến đấu” với Covid-19 cùng các bệnh nhân
Ngày bệnh nhân ra viện chính là ngày vui nhất của các y, bác sĩ, điều dưỡng BV Trung ương Quân đội 108

Điều dưỡng Nguyễn Huyền Trang - đồng nghiệp cùng cơ quan của chị Huệ cho biết một tháng chống dịch vừa qua để lại trong chị rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đa phần bệnh nhân đều là người cao tuổi chưa được tiêm vắc xin và có bệnh nền. Chị nhớ nhất là trường hợp bác bệnh nhân tên Song, ở viện thì cứ đòi ra viện nhưng khi được về nhà lại “nằng nặc” ở lại vì không muốn xa bác sĩ, điều dưỡng mà mình gắn bó những ngày nằm viện.

Chị Trang kể lại: “Chúng tôi thường gọi bà là “bà ngoại” Song. Ban ngày khi tiêm truyền bà ngủ rất ngon thỉnh thoảng chỉ ngứa ngứa, vèo cái là kim truyền đã bắt ra khỏi tay. Đến tối, bà hay thức, đi ra khỏi phòng tìm đồ, hỏi bà thì bà bảo là tôi đi lấy xô để rửa cam, dừa... Chúng tôi phải động viên: “Bà cứ vào phòng để chúng cháu lấy xô mang vào”. Mang xô vào, bà mang hết cam, dừa đi rửa rồi mời “Cháu ăn cam không?”

Chăm sóc các cụ tuổi cao nhiều khi tai nghe không rõ lại hay đòi về nhà. Chúng tôi phải nhẹ nhàng: “Bà Song ơi! Cháu mời bà lên giường ngủ nhé. Bà đáp lại: “Không! Tôi không ngủ đâu! Tôi phải về nhà tắm rửa, giường này “mất tiền” không ngủ đâu. Bóc cam quýt đưa bà ăn thì bà chỉ gật với lắc, gật là đồng ý ăn. Cả ca trực mà đi theo bà cũng gần hết ca. Ấy thế mà khi bà chuẩn bị về, ai cũng nhớ bà, bà cũng vậy. Bà bảo: “Không về đâu, ở lại đây cơ, giường mất tiền cũng không về”. Chúng tôi phải động viên bà thay quần áo, rồi mặc chiếc áo màu hường ba lỗ mà bà thích nhất, mãi bà mới chịu theo con cháu về nhà”.

Chị Trang chia sẻ: “Mỗi ngày qua đi nhìn thấy các bệnh nhân khỏe mạnh được ra viện, chúng tôi vui sướng như chính người thân của mình khỏi bệnh được trở về nhà. Đó chính là món quà hạnh phúc nhất đối với các cán bộ, nhân viên ngành y chúng tôi”.

Hậu phương vững chắc

Để yên tâm công tác, chị Bành Thị Hà Huệ phải gửi hai con cho ông bà nội chăm sóc. Ban ngày, bố chồng và ông xã đi làm, chỉ có bà nội ở nhà chăm nom hai cháu. Cháu bé 2 tuổi bám mẹ nên khi mẹ đi vắng, bà phải dỗ dành cháu. Còn con trai lớn của chị đang học lớp 2, phải tự túc học online một mình.

Chị Huệ chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ, ban đầu tôi khá lo lắng vì đó là khoảng thời gian con trai lớn thi cuối học kỳ 1. Chồng tôi ban ngày phải đi làm nên hầu như không có thời gian dạy cháu lớn học. Còn cháu bé trước thì bám mẹ, đến khi xa cháu cả tháng, gọi điện về cháu có vẻ quên mẹ, không hào hứng nói chuyện với mẹ nên đôi khi cảm thấy tủi thân. Tuy nhiên, chồng và ông bà nội cùng hỗ trợ chăm các cháu, động viên tôi yên tâm công tác. Nhờ đó, tôi vơi bớt những lo lắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Mới học lớp 2 nhưng con trai của chị Huệ rất tự lập. Thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ, cháu tự giác học tập, còn biết trông em giúp ông bà. Đặc biệt, thời gian mẹ vắng nhà, cháu nỗ lực học tập và giành huy chương bạc cuộc thi Toán Titan Việt Nam, đồng thời đạt điểm số tối đa trong kỳ thi Trạng nguyên cấp thành phố (Hà Nội) vừa qua. Đó chính là món quà ý nghĩa mà cháu muốn dành tặng mẹ.

Dù xung phong đi chống dịch trong dịp Tết vừa qua nhưng chị Nguyễn Huyền Trang vẫn không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà khi thời khắc giao thừa cận kề. Chị Trang tâm sự: “Những lúc nhớ nhà, tôi thường gọi video để nói chuyện với bà nội, bố mẹ, anh chị em để giảm đi nỗi nhớ nhà. Sự động viên của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân không may bị nhiễm Covid-19”.

Ngôi nhà hạnh phúc

Họ vẫn luôn ở đây, “chiến đấu” với Covid-19 cùng các bệnh nhân
Điều dưỡng Bành Thị Hà Huệ và đồng nghiệp

Với các cán bộ, nhân viên y tế của BV Trung ương Quân đội 108, cơ quan chính là ngôi nhà thứ 2 của họ. Đi chống dịch, các cán bộ, nhân viên đều được trang bị phương tiện phòng hộ đầy đủ, chỗ ăn ở được đảm bảo,...

Nhiều người chống dịch ở cơ quan, xa nhà, xa quê dịp Tết nhưng luôn nhận được sự quan tâm ân cần của lãnh đạo BV, được nhận những lời chúc, món quà ý nghĩa dịp đầu năm mới,... Các thành viên trong kíp trực có thể không cùng khoa làm việc chính nhưng đều hỗ trợ nhau hết mình, gắn bó, đoàn kết, hết lòng vì các bệnh nhân.

Chị Bành Thị Hà Huệ xúc động: “Chúng tôi được làm việc chung, được sống trong môi trường tập thể với nhiều đồng nghiệp ở khoa khác nên mối quan hệ rộng mở hơn. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và chuyên môn. Chúng tôi thực sự đã có một gia đình thứ hai đầy ắp niềm vui, sự yêu thương chân thành. Đó cũng là động lực to lớn để chúng tôi thêm yêu cơ quan, gắn bó với đồng nghiệp, cố gắng hết lòng vì bệnh nhân”.

Với Thượng úy Đỗ Đức Trung (SN 1991), bác sĩ Khoa phẫu thuật thuộc Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Trung ương Quân đội 108, thời gian qua cùng các đồng nghiệp chống dịch đã để lại trong anh những dấu ấn không thể nào quên.

"Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi được tham gia kết nối qua hình ảnh với tất cả lãnh đạo của BV. Chúng tôi được chúc Tết và tặng lì xì đầu xuân,... Dù đón Tết xa nhà nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy không khí ấm áp như một gia đình lớn.

Khoảng thời gian tham gia phòng, chống dịch tại cơ quan, chúng tôi được học hỏi, trau dồi thêm chuyên môn trong từng trường hợp cụ thể. Được làm việc theo nhóm, chúng tôi có cơ hội phát huy những điểm mạnh của mỗi cá nhân, tinh thần hỗ trợ nhau trong công việc cũng tốt hơn. Các anh chị em trong kíp trực đều một lòng đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cơ quan giao phó”, Thượng úy Đỗ Đức Trung bày tỏ.

Điều dưỡng Nguyễn Huyền Trang chia sẻ: “Chúng tôi đã có thêm 2 ngôi nhà mới đó là Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm nơi chúng tôi đang trực tiếp chăm sóc và cố gắng hết sức giành giật sự sống cho bệnh nhân và tập thể anh chị em nhân viên tại khu cách ly luôn coi nhau như anh chị em trong gia đình”.

Họ vẫn luôn ở đây, “chiến đấu” với Covid-19 cùng các bệnh nhân
Thượng úy Đỗ Đức Trung (SN 1991), bác sĩ Khoa phẫu thuật thuộc Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Trung ương Quân đội 108 và bệnh nhân ngày ra viện

Tại Hà Nội, thời gian này, mỗi ngày có hàng ngàn ca bệnh mới. Ở khắp các BV, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng ngày đêm kiên cường, nhiệt tình, xông xáo với công việc đã chạm đến trái tim của hàng triệu người dân.

Có tận mắt chứng kiến các y, bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả và cả nguy hiểm mà họ trải qua. Đó là nhiều tiếng đồng hồ khoác trên mình bộ đồ bảo hộ, mồ hôi vã ra như tắm ngay cả mùa đông; là những tháng ngày "đồng hồ sinh học" cơ thể bị đảo lộn với những phút giây mệt mỏi; là những khoảnh khắc nhớ gia đình, lo lắng việc học hành, sức khỏe cho con cái; là nguy cơ nhiễm bệnh cao vì hàng ngày tiếp xúc gần với các bệnh nhân,...

Thế nhưng họ đều chấp nhận đặt niềm vui, hạnh phúc riêng tư của bản thân sang một bên để tiếp tục cùng đồng đội, đồng chí của mình tận tâm, tận lực, hết lòng vì sứ mệnh của người thầy thuốc, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động