Thứ năm 23/01/2025 02:58

Giả mạo nhân viên điện lực lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt các đối tượng xấu giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo người dân. Những đối tượng này thường sử dụng phương thức gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, SMS để yêu cầu người dân thanh toán tiền điện ngay lập tức, đồng thời đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán...
Giả mạo nhân viên điện lực lừa đảo chiếm đoạt tài sản
App giả mạo sau khi khách hàng truy cập đường dẫn sẽ mở ra trang web có giao diện giống kho ứng dụng CH PLAY của hệ điều hành Android. Ảnh: Cục An toàn thông tin

Cuối tháng 12/2024, một người dân tên N, trú tại tại xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã bị chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 1,1 tỉ đồng khi thực hiện theo lời của một người lạ, gọi điện đến tự xưng là nhân viên điện lực yêu cầu cài đặt một ứng dụng trên điện thoại di động để thanh toán tiền điện. N đã làm theo hướng dẫn, đăng nhập thông tin cá nhân, liên kết tài khoản ngân hàng, chuyển khoản một số tiền để xác nhận danh tính và kích hoạt tài khoản.

Sau khi thực hiện xong theo yêu cầu, phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút sạch, N đã trình báo Công an. Công an thành phố Hồng Ngự đã tiếp nhận vụ việc và đang tiến hành điều tra, xử lý.

Hay như trước đó, N.T.N, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang trình báo bị đối tượng giả danh nhân viên điện lừa đảo và chiếm đoạt hơn 90 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Theo bà N chia sẻ, ngày 10/11/2024, bà nhận được cuộc gọi từ số máy lạ xưng là nhân viên điện lực thành phố Bắc Giang. Người gọi thông báo rằng gia đình bà chưa thanh toán tiền điện, chưa có số liệu hiển thị trên phần mềm quản lý của cơ quan điện lực. Khi bà N khẳng định đã thanh toán đầy đủ thì đầu dây bên kia yêu cầu chụp ảnh giao dịch gửi qua Zalo để tiến hành xác minh thông tin.

Sau đó, đối tượng đã hướng dẫn bà N cài ứng dụng khác trên điện thoại để thanh toán tiền điện tự động. Hoàn thành cài đặt ứng dụng, bà N cũng bấm vào đường link liên kết với tài khoản ngân hàng, thực hiện sinh trắc học. Ngay lúc này, đối tượng đã chiếm quyền điều khiển lấy được toàn bộ số tiền hơn 90 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Giả mạo nhân viên điện lực lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện. Ảnh: Cục An toàn Thông tin

Theo Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT), đối tượng lừa đảo thường giả danh là nhân viên điện lực gọi điện đến khách hàng, thông báo rằng có vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống. Các đối tượng lừa đảo có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) để số điện thoại của chúng hiện lên như là số điện thoại chính thức của công ty điện lực.

Điều này làm tăng độ tin cậy của cuộc gọi và khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng. Tiếp đó, chúng yêu cầu thanh toán ngay lập tức qua các kênh không chính thức như Zalo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Để gây thêm áp lực, chúng có thể đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang và dễ dàng thực hiện theo yêu cầu.

Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện, đồng thời cung cấp các thông tin như số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả để người dân truy cập vào và thực hiện thanh toán.

Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện, kẻ lừa đảo có thể gửi đường dẫn đến website thanh toán giả mạo hoặc ứng dụng giả mạo của công ty điện lực) để khách hàng truy cập vào. Khi người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin cá nhân vào, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền và thông tin của họ. Để làm tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn điều tra tên, địa chỉ, hoá đơn điện,... của khách hàng được đánh cắp từ các nguồn khác.

Trước tình trạng trên, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) và Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) cũng đã khẳng định không thu tiền qua Zalo và tin nhắn SMS, cảnh báo người dân không thanh toán tiền điện qua các kênh này. Đồng thời nhấn mạnh, khi giao tiếp với khách hàng, nhân viên điện lực đều tuân thủ nghiệp vụ chăm sóc khách hàng, tuyệt đối không có thái độ khiếm nhã, không được phép sử dụng lời nói bất lịch sự khi giao tiếp với khách hàng.

Để có thể phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, Zalo, hoặc SMS.

Nếu nhận được yêu cầu thanh toán, hãy kiểm tra lại thông tin qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website, tổng đài hỗ trợ khách hàng.

Trong trường hợp nhận được tin nhắn hoặc Email có chứa đường dẫn yêu cầu thanh toán, hãy thực hiện kiểm tra tính chính thống và tránh truy cập ngay lập tức vào những đường dẫn này.

Cũng theo Cục, người dân tuyệt đối không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc từ những website do đối tượng lạ gửi đến.

Đảm bảo thanh toán qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận như qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền chính thức. Tổng công ty Điện lực EVN đã và đang triển khai thu tiền điện qua ứng dụng EVNHCMC, ví điện tử (Payoo, Airpay, MoMo, Viettel Pay, VNpay, VNPT EPay…), Internet/SMS/Mobile Banking, Website/Ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng).

Nếu cảm thấy nghi ngờ về một cuộc gọi hay tin nhắn, hãy liên hệ ngay với công ty điện lực để xác nhận thông tin. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng tại huyện Hóc Môn Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng tại huyện Hóc Môn
Lý do nam sinh viên ở Hà Nội mất 300 triệu đồng sau cuộc điện thoại Lý do nam sinh viên ở Hà Nội mất 300 triệu đồng sau cuộc điện thoại
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động