Thứ sáu 24/01/2025 00:39

Hà Nội: cần khắc phục việc “sống chung với lũ”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tính đến tối 4/8, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP Hà Nội cho biết, do hồ thủy điện xả lũ nên mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống tiếp tục lên, nhưng thấp hơn nhiều so với mức báo động lũ cấp I. Lũ trên các sông nội địa TP, như: Tích, Bùi, Cầu tiếp tục xuống.
Hà Nội: cần khắc phục việc “sống chung với lũ”

Nước lũ khiến đời sống người dân tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng,

mọi sinh hoạt bị đảo lộn.

Dồn lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Thời điểm ngày 4/8, mực nước trên sông Bùi, đoạn ở huyện Chương Mỹ, dao động mức báo động lũ cấp I. Trên sông Tích, đoạn huyện Thạch Thất, dao động mức báo động lũ cấp II; đoạn huyện Quốc Oai, dao động mức báo động lũ cấp II. Sông Cầu, đoạn huyện Sóc Sơn đã xuống dưới mức báo động lũ cấp I. Do lũ xuống nên mức độ ngập lụt tại nhiều thôn, xóm thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai đã giảm. Huyện Chương Mỹ còn 11 xóm, thôn bị lũ cô lập, ảnh hưởng 546 hộ dân, 3.337 người cần cứu trợ và 1.367 người đang phải sơ tán; giảm 1 khu dân cư, 182 hộ dân và 917 người cần hỗ trợ so với ngày 3/8. Còn huyện Quốc Oai, hiện chỉ còn một thôn bị nước lũ cô lập, ảnh hưởng 145 hộ dân. Về sản xuất nông nghiệp, huyện Chương Mỹ còn 576ha bị úng ngập, huyện Quốc Oai 145ha, huyện Thạch Thất 34ha, huyện Phúc Thọ 7ha… Hiện, các tổ chức thủy lợi TP Hà Nội đang vận hành 34 trạm bơm tiêu với 108 tổ máy, tổng lưu lượng bơm tiêu khoảng 308.000m3/h.

Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Chương Mỹ, toàn huyện có 721m kênh, mương bị hư hỏng; 200m đê bị rò rỉ, 30m đê bị sạt lở. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập và sạt lở, nhiều diện tích rau màu, cây trồng, thuỷ sản, gia súc, gia cầm… bị ảnh hưởng. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn lắp dựng biển cảnh báo, rào chắn tại những tuyến đường và khu vực ngập sâu; phân công lực lượng công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân. Các phòng, ban, ngành huyện chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho Nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu...

Trong những ngày qua, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia (trong đó, các đơn vị quân đội 450 người, 13 xe các loại, 44 xuồng máy)… hỗ trợ các địa bàn bị ngập. Để khắc phục những khó khăn trên, giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, ổn định đời sống dân sinh, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Chương Mỹ kiến nghị Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Ban quản lý dự án hạ tầng nông nghiệp Hà Nội rà soát các công trình đê điều, thủy lợi do TP quản lý để có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp. Ban quản lý dự án hạ tầng nông nghiệp Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các dự án trên địa bàn huyện…

Giải pháp nào cho người dân vùng lũ?

Hà Nội: cần khắc phục việc “sống chung với lũ”

UBND, MTTQ huyện Quốc Oai và các đoàn thể đã hỗ trợ 121 suất quà cho các hộ dân bị ngập úng.

Chương trình hỗ trợ bà con được triển khai tại các xã Cấn Hữu, Đông Yên, Phú Cát,

Đông Xuân, Phú Mãn, Tuyết Nghĩa, Hòa Thạch.

Ảnh: Phạm Hùng

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, đã có 4 lần nước tràn qua đê hữu sông Bùi gây ngập lụt nhiều xã của huyện Chương Mỹ, Hà Nội (lụt các năm 2008, 2017, 2018 và 2024). Nguyên nhân được cho là do tình trạng “lũ lùi” từ sông Hồng, sông Đáy... Ngày 31/7, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo xử lý, khắc phục lũ lụt tại 3 huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất, do Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm trưởng ban.

Ðại diện Sở NN&PTNT Hà Nội lý giải, nước sông Tích chảy qua các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai (TP Hà Nội), hợp lưu với sông Bùi từ Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chảy về tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ), sau đó nhập vào sông Ðáy tại ngã ba Ba Thá (huyện Chương Mỹ), chảy theo sông Ðáy xuôi về địa bàn tỉnh Hà Nam. Ðối với những trận mưa nhỏ, cục bộ, nước sông tự chảy dựa vào điều kiện địa hình từ cao xuống thấp. Tuy nhiên, khi có mưa lớn kéo dài xảy ra trên diện rộng, lũ rừng ngang dồn về các sông của Hà Nội trong thời gian ngắn, trong khi mực nước đệm trên các sông đều ở mức cao thì việc tiêu thoát sẽ rất chậm, gây ngập úng kéo dài. Khu vực bị ngập lụt sẽ càng nguy hiểm hơn nếu lũ rừng ngang tiếp tục tràn về.

Ðể bảo đảm ổn định cuộc sống người dân vùng chậm lũ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Ðại cho biết, thời gian tới TP tập trung khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Ðáy từ Hà Nội đến Hà Nam để nâng cao khả năng tiêu thoát dòng nước nhanh nhất; đồng thời tiến hành giải tỏa vi phạm dọc hành lang các sông và tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đê. Cùng với đó, TP nghiên cứu giải pháp đầu tư về hạ tầng, công trình đối với khu vực dân cư để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nhằm tăng sinh kế, nâng cao mức sống cho một bộ phận người dân tiếp tục sống chung với lũ.

Ngày 29/7, tại buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả úng ngập tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã chỉ đạo các huyện phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu, nếu cần thiết có thể sơ tán người dân đến nơi ở an toàn. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24h để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống. Về lâu dài, phải tính đến phương án bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chỗ ở, quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật... Ðối với những khu dân cư bị ngập lụt sâu, nhất là ở khu vực ngoài đê cần căn cứ vào quy hoạch khu dân cư nông thôn để xem xét, di dời người dân đến nơi ở mới. Chính quyền cơ sở cần làm tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm ngay khi phát sinh, tránh tình trạng phạt cho tồn tại.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trong chuyến thị sát vừa qua có đề cập đến câu chuyện quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm dọc hành lang sông ảnh hưởng đến việc khơi thông dòng chảy ngay khi phát sinh, tránh tình trạng phạt cho tồn tại. Đây cũng là vấn đề đã tồn tại, trong khi cần tập trung khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Ðáy từ Hà Nội đến Hà Nam để nâng cao khả năng tiêu thoát dòng nước nhanh nhất.

Hà Nội ban hành lệnh rút báo động I trên sông Cầu
Huyện Chương Mỹ vẫn còn 16 thôn, xóm đang bị ngập
Người dân phải sơ tán do lũ lụt ở huyện Chương Mỹ đã trở về nhà vệ sinh nhà cửa
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động