Hà Nội triển khai phương án cải tạo môi trường 4 sông nội đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Công trình đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch đã thành hình rõ nét sau khoảng hai tháng thi công. Ảnh: Khánh Huy |
Theo Quyết định số 3865/QĐ-UBND do UBND TP Hà Nội ban hành, Đề án sẽ tập trung triển khai đồng bộ 32 chương trình, dự án trong 5 nhóm nội dung trọng tâm: kiểm soát – phòng ngừa ô nhiễm; xây dựng hệ thống sông nội đô cân bằng – sinh thái; thiết kế, quy hoạch, cải tạo cảnh quan – kiến trúc; tăng cường năng lực quản lý và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Đặc biệt, các dự án xử lý nước thải quy mô lớn như Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 về Nhà máy Yên Sở hay Dự án tổng thể cải tạo chỉnh trang sông Tô Lịch là những điểm nhấn đáng chú ý trong lộ trình triển khai.
Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức triển khai, theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm. Kinh phí thực hiện các chương trình sẽ được huy động từ nhiều nguồn: ngân sách thành phố, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.
Trong số bốn con sông, sông Tô Lịch luôn là tâm điểm chú ý do mức độ ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ đầu tháng 7/2025, những chuyển biến đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện. Việc bổ cập nước từ hồ Tây giúp cải thiện rõ rệt màu nước trên sông; tình trạng bốc mùi nồng nặc đã giảm đáng kể. Đây là kết quả ban đầu từ các giải pháp đồng bộ được triển khai từ đầu năm.
Bên cạnh đó, hệ thống kè hai bên sông đang được gia cố, chỉnh trang. Các công trình cải tạo cảnh quan không chỉ giúp phòng chống sạt lở mà còn mang lại diện mạo mới cho không gian đô thị khu vực xung quanh. Đồng thời, công tác nạo vét lòng sông được triển khai khẩn trương, khơi thông dòng chảy và góp phần nâng cao hiệu quả cải tạo môi trường.
Hệ thống cống bao dọc sông Tô Lịch nằm trong Dự án xử lý nước thải Yên Xá đang được đẩy nhanh tiến độ. Khi hoàn thành vào đầu năm 2026, toàn bộ nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý sẽ được gom về nhà máy, thay vì chảy thẳng ra sông như hiện nay. Điều này được kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải đô thị từ dưới 30% hiện tại lên khoảng 50%.
Dự kiến, đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025. Giải pháp đập dâng giúp duy trì mực nước ổn định trong lòng sông, hỗ trợ công tác điều tiết dòng chảy và cải thiện cảnh quan.
Đề án còn hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái đô thị cân bằng – sinh thái. Nghiên cứu phương án bổ cập nước từ sông Hồng và các hồ điều hòa nhằm duy trì dòng chảy liên tục, ngăn chặn hiện tượng dòng sông khô cạn vào mùa khô. Nhiều giải pháp kỹ thuật như lắp đặt bể lắng, tách rác đầu nguồn và điều tiết thông minh đang được đề xuất bổ sung.
Ngoài ra, các sông khác như Kim Ngưu, Lừ và Sét cũng được đưa vào kế hoạch phục hồi toàn diện. Các giải pháp bao gồm: xử lý nước thải cục bộ, cải tạo bờ kè, tạo dựng các tuyến đi bộ, công viên ven sông và phát triển cảnh quan xanh.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại