Thứ năm 23/01/2025 10:57

Hà Nội: Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo chợ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, chính quyền các cấp của TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chợ trên địa bàn, chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân…
Chợ dân sinh không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân Thủ đô. Ảnh: L. Bảo
Chợ dân sinh không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân Thủ đô. Ảnh: L. Bảo

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP Hà Nội có quy hoạch 595 chợ, trong đó có 7 chợ đầu mối, còn lại là các chợ hạng 1, 2, 3, với lượng hàng hóa lưu chuyển chiếm khoảng 60% lưu lượng hàng hóa trên địa bàn, góp phần tích cực phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, hệ thống chợ của Hà Nội do nhiều yếu tố tác động, dẫn đến xuống cấp, thậm chí nhiều chợ lụp xụp, cảnh quan nhếch nhác, quá tải, rất khó bảo đảm được các yêu cầu về an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra. Nhưng, do nhiều khó khăn, nhất là về vốn, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, tiểu thương không chấp nhận giá thuê mặt bằng cao... là lý do khiến chợ dân sinh vẫn chưa được “lột xác”.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, về công tác đầu tư xây mới, cải tạo và sửa chữa các chợ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong năm 2023, UBND TP đã ban hành Kế hoạch dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.

Chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chợ trên địa bàn, chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng tại nhiều quận, huyện chưa kịp thời làm nảy sinh nhiều bất cập.

Ngoài ra, do ngân sách địa phương có hạn, doanh nghiệp thờ ơ vì quy mô dự án nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, đặc biệt, trong quá trình triển khai thường gặp phản ứng không đồng thuận của tiểu thương. Đối với các chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, trong quá trình kinh doanh, khai thác chợ với mục tiêu bảo đảm dân sinh, các đơn vị gặp khó khăn trong việc tăng giá sử dụng diện tích bán hàng để bảo đảm các chi phí, đặc biệt là mức giá thuê đất cao, dẫn đến phải bù lỗ và nợ tiền thuê đất.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có Công văn số 3206/UBND-KTN về tăng cường thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn.

Nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn TP Hà Nội, bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ trên địa bàn, bảo đảm quy định về phân cấp quản lý; chịu trách nhiệm trước Thành ủy và UBND TP Hà Nội về tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo chợ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, báo cáo UBND TP tiến độ thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo các chợ đã đăng ký trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy và danh mục chợ đầu tư, cải tạo nằm trong Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 2/2/2023 của UBND TP Hà Nội.

Báo cáo cần nêu rõ thời gian hoàn thành, lý do dự án chợ chậm triển khai thực hiện, giải pháp đẩy nhanh tiến độ và đề xuất, kiến nghị. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện lập danh mục đầu tư xây mới, cải tạo các chợ trên địa bàn để xây dựng kế hoạch triển khai năm 2024 theo quy định, bảo đảm tiến độ tại Chương trình số 03-CTr/TU, các kế hoạch của TP Hà Nội.

UBND TP Hà Nội cũng giao các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện tốt những nội dung về công tác đầu tư xây dựng, cải tạo chợ. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục thu hồi đất để đầu tư xây dựng các dự án chợ bảo đảm các điều kiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiến độ dự án và các nội dung liên quan theo quy định.

Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Sở Công Thương tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị; tham mưu các giải pháp khắc phục đối với các đơn vị không bảo đảm tiến độ đã đăng ký theo kế hoạch…

Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư đối với các dự án chợ (đủ điều kiện) đã đăng ký trong Chương trình số 03-CTr/TU và các dự án chợ nằm trong các kế hoạch đã được phê duyệt của UBND TP.

Cải tạo chợ Châu Long theo mô hình chợ truyền thống
Bài toán cho mô hình cải tạo chợ truyền thống
Cải tạo chợ truyền thống: Chú trọng lợi ích của người dân
Đào Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động