Hà Nội: Giữ nhịp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội nghị trực tuyến phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai thực hiện nhiệm vụ công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật |
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL nâng cao ý thức tự giác cho cán bộ và Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời chủ động thực hiện “bình thường mới”, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thành phố đến cơ sở đặc biệt quan tâm, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Tại Hội nghị Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương đã báo cáo đánh giá kết quả đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội quý I/2022.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, chế tài xử phạt các hành vi, nhóm hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống dịch; chủ trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố, phản ánh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn thành phố.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền về phòng, chống dịch được đẩy mạnh, nhất là qua phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội. Trong đó, một số đơn vị triển khai kịp thời, tích cực các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 như: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Sở Công Thương, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Luật sư thành phố; các quận, huyện, thị xã: Hoàng Mai, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Sơn Tây, Quốc Oai, Mê Linh, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng…
Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội bắt đầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, một số đơn vị, địa phương, cán bộ có tâm lý chủ quan, lơ là. Một bộ phận người dân còn có tư tưởng chủ động lây nhiễm Covid-19, gây khó khăn cho công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khi không yêu cầu khách quét mã QR, khai báo y tế.
Vì vậy, thời gian tới Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, các nhóm mạng xã hội...; thường xuyên cập nhật thông tin, xây dựng và điều chỉnh các thông điệp, khuyến cáo phù hợp với diễn biến tình hình dịch và phổ biến tình hình dịch bệnh bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp. Song song đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đề nghị, các cơ quan, đơn vị từ TP đến cơ sở vận dụng vào thực tế công tác, tiếp tục thực hiện tuyên truyền sâu rộng pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình phòng, chống dịch và điều kiện cụ thể tại đơn vị, địa phương và triển khai thực hiện nhiệm vụ công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại