Hà Nội tập trung chống lãng phí trong đầu tư công, quản lý đất đai và tài sản công
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Hà Nội tập trung hoàn thành dứt điểm dự án chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc; rút ngắn thời gian thực hiện đối với dự án mới phê duyệt, tránh sự dàn trải. Ảnh minh họa: SGGP |
Theo đó, kế hoạch nhằm tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".
Với mục tiêu phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong toàn hệ thống chính trị của Thủ đô để khơi thông nguồn lực, tạo dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí của UBND TP. Xác định nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí tập trung những giải pháp căn cơ để thực hiện đối với 3 lĩnh vực: đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai và quản lý tài sản công. Các nhiệm vụ phải được phân công đến từng cơ quan, rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ với quyết tâm chính trị cao nhất.
Kế hoạch gồm 2 nhóm nhiệm vụ: thực hiện thường xuyên và trọng tâm.
Đối với nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, TP sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 16/8/2024 của UBND TP về triển khai thực hiện Kế hoạch số 223-KH/TU ngày 12/3/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TƯ ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trên địa bàn TP; đồng thời tập trung thực hiện Quyết định số 1042/QĐ-UBND ngày 25/2/2025 của UBND TP về ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của TP Hà Nội và chương trình các năm tiếp theo, đặc biệt tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chỉ đạo mới của Trung ương, Chính phủ về các biện pháp giải tỏa khó khăn, thực hiện tốt công tác phòng, chống lãng phí.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm gồm 4 nhóm nhiệm vụ: tài chính công, đầu tư công; quản lý đất đai và các dự án có sử dụng đất; quản lý tài sản công; các nhiệm vụ khác.
Trong đó, về tài chính công, đầu tư công, Sở Tài chính tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc đối với 109 dự án đầu tư công khó khăn, chậm tiến độ, đặc biệt tập trung đối với các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài, thực hiện năm 2025; rà soát, xử lý tháo gỡ thực hiện dứt điểm đối với Dự án BT đang triển khai dở dang, bảo đảm chặt chẽ thủ tục, sớm kết thúc dự án thực hiện năm 2025; thực hiện đánh giá tổng thể về đầu tư công giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 theo tinh thần phải tập trung hoàn thành dứt điểm dự án chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc; rút ngắn thời gian thực hiện đối với dự án mới phê duyệt, tránh sự dàn trải; chỉ đầu tư mới các dự án thực sự cấp bách để ưu tiên dự án trọng điểm, tạo không gian kết nối phát triển, như: Đường sắt đô thị; các cầu qua sông; đường Vành đai 4; các tuyến đường vành đai, trục đường xuyên tâm, các dự án về xử lý môi trường...
Cùng với đó, cân đối sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Rà soát, hoàn thiện về chính sách khuyến khích đầu tư bằng xã hội hóa, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao để đẩy mạnh đầu tư nguồn lực xã hội, giảm đầu tư công thực hiện quý I, II/2025.
Về quản lý đất đai và các dự án có sử dụng đất: Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổng hợp, cập nhật dự án có sử dụng đất chậm triển khai theo Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND TP về thực hiện Nghị quyết số 04/NQHĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP, thực hiện trong quý I, II/2025.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành phân loại về quá trình hình thành, triển khai thực hiện đối với từng dự án; thực hiện đánh giá tổng thể về dự án đầu tư có sử dụng đất trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Trên cơ sở đó, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo từng nhóm đã phân loại, trước mắt tập trung vào 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị xử lý, thực hiện trong quý II, III/2025.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung triển khai, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP, thực hiện trong năm 2025...
UBND TP giao các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch này bao gồm cả nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện năm 2025.
Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác chỉ đạo, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về UBND TP qua sở Tài chính theo quy định.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và UBND các quận, huyện, thị xã liên quan: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị.
![]() | Hà Nội: thí điểm cơ chế "làn xanh", hỗ trợ doanh nghiệp để tăng trưởng GRDP trên 8% |
![]() | Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, tránh trùng lặp, chồng chéo, lãng phí |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại