Thứ năm 23/01/2025 16:37

Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch phát triển nghề và làng nghề TP Hà Nội; ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; các chương trình đề án, kế hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, phát triển sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm OCOP Hà Nội…
Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương
Các làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương.

Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện, TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, đã mai một 544 làng còn 806 làng đang hoạt động (số liệu điều tra 2020).

Trong 806 làng có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã trong đó có 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống.

Ông Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã, một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè,…).

Theo ông Trần Sỹ Tiến, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ (đặc biệt là hoạt động xuất khẩu hàng hóa và du lịch làng nghề). Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân lực, nguồn vốn cho đến đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, số lao động nghỉ việc nhiều, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề giảm mạnh, tuy nhiên vẫn cao hơn so với lao động thuần nông.

“Mặc dù, đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn TP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cùng với đó là một số khó khăn như: Thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc”, ông Trần Sỹ Tiến cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn phát triển nghề, làng nghề, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai công tác công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống Hà Nội. Đồng thời xét đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Hà Nội.

Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch phát triển nghề và làng nghề TP Hà Nội; ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; các chương trình đề án, kế hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, phát triển sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm OCOP Hà Nội…

Theo đó, Chi cục Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các đơn vị, làng nghề cần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực cho lao động nông thôn như dạy nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao năng lực các làng nghề.

Triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, Đề án bảo vệ môi trường làng nghề, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất khác thuộc lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định.

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền. Tổ chức các cuộc thi tay nghề thợ giỏi phong tặng danh hiệu nghệ nhân, hội thi sản phẩm làng nghề.

Mới đây, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thảo về một số giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Hội thảo được tổ chức với mong muốn khôi phục và chấn hưng làng nghề không để các làng nghề truyền thống bị mai một, nghề quý bị "thất truyền", tạo sự bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch làng nghề. Đồng thời đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng, làm cho mô hình phát triển sản xuất hộ gia đình, doanh nghiệp làng nghề mà hạt nhân là các nghệ nhân ngày càng phát triển. Từ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao và thực hiện có hiệu quả chương trình 04 của Thành ủy về Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021- 2025.
Tuyết Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động