Thứ sáu 24/01/2025 00:42

Hà Nội xử lý 79 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hà Nội hiện có 205 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trong đó có 169 bãi đang hoạt động và có tới 135 bãi không có giấy phép. Thời gian qua, đã có 79 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều được xử lý-ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết.

Chiều 26-5, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, trả lời câu hỏi của PV về số lượng các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông trên địa bàn; số vụ vi phạm pháp luật về đê điều đã được xử lý trong thời gian qua, ông Trần Thanh Mẫn cho biết: Hà Nội có tổng số 205 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng dọc các tuyến đê sông tả Hồng, sông Cầu, sông Đuống, Cà Lồ… Hiện có 169/205 bãi đang hoạt động; có 36 bãi đang tạm dừng hoạt động, trong đó có 135 bãi hoạt động không có giấy phép. Có 3 trạm trộn bê tông không phép.

Thời gian qua, Chi cục đã xử 79 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó năm 2019 xử lý 34 vụ; 5 tháng đầu năm 2020 xử lý 1 vụ; vi phạm các năm trước 44 vụ.

Thông tin thêm về tình hình xử lý vi phạm đê điều, ông Nguyễn Ngọc Sơn, PGĐ Sở NN&PTNN chia sẻ, Hà Nội có số lượng đê điều lớn nên công tác quản lý rất khó khăn. Hà Nội 626,184km đê và 8 tỉnh liên quan đến Hà Nội có số đê chính cũng chỉ bằng 625km. Đê đi qua 26 quận huyện và 224 xã, phường có các vị trí liên quan đến 11 đơn vị cấp xã có địa giới hành chính. Cùng với tốc độ đô thị hóa và hiện tượng hồ ao bị lấp để xây dựng công trình xây dựng dân dụng, công trình công nghiệp khiến công tác ứng cứu gặp khó khăn thì thời gian qua Sở đã công tác chỉ đạo nhiều, tồn tại đã được xử lý.

ha noi xu ly 79 vu vi pham phap luat bao ve de dieu
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão, Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin tại hội nghị. Ảnh: P.C

“Năm 2019 trên địa bàn TP xảy ra có 96 vụ vi phạm đê điều, các cấp chính quyền xử lý xử lý 34 vụ. Hiện còn tồn đọng 62 vụ. Trong 4 tháng đầu năm 2020 phát sinh 26 vụ và xử lý được 44 vụ tồn đọng trong năm trước”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Để ngăn chặn và xử lý vi phạm, cơ quan chuyên môn tiếp tục tập trung triển khai Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ về xác định khu vực công trình nhà ở phải di dời, khu vực dân cư tập trung còn tồn tại, bảo vệ; khu vực bãi sông không đủ điều kiện xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khai thác sử dụng nguồn bãi phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn.

Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ có phân loại công trình nhà ở, công trình xây dựng đã tồn tại không được xây mới, không phát sinh thêm; các vị trí chưa có công trình xây dựng liên quan Quyết định 257 thì đã báo cáo Bộ NN&PTNT xin ý kiến Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời, tăng cường đầu tư các công trình quản lý phục vụ hành lang chân đê, nâng cấp gia cố mặt đê, đảm bảo an toàn đê điều. Hành lang chân đê vừa có tác dụng đảm bảo đi lại cho bà con vừa liên quan bảo vệ đê, phòng chống lấn chiếm và tái lấn chiếm. Các ngành có kế hoạch bảo vệ đê, đã có quy chế phân cho các ngành, cấp… Có 17 hạt quản lý đê phối hợp bảo vệ đê; các bãi bồi ven sông được quản lý để tránh sử dụng sai mục đích.

PGĐ Sở NN&PTNT nhấn mạnh, các điểm xung yếu về công tác bảo vệ và cần bảo vệ liên quan đến công tác đê điều rất quan trọng. Công tác phòng chống thiên tai làm sao tránh bị ngập úng.

Các điểm cần báo vệ liên quan đến ngập úng nội thành và ngoại thành, nội thành không ảnh hưởng tính mạng mà thoát nước các điểm để khi mưa không ngập úng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe; ngoại thành thì ảnh hưởng đến lượng nước ở các sông hồ nên ảnh hưởng tính mạng, mùa màng.

Năm 2020 qua rà soát các tuyến đê còn 4 trọng điểm: Đê kè Xuân Canh-Long Tửu, huyện Đông Anh; cống Liên Mạc-Hữu Hồng, quận Bắc Từ Liêm; cống Cẩm Đình-Vân Cốc, huyện Phúc Thọ; đê kè cống Cẩm Hà-Tân Hưng (Bắc Phú Hữu, huyện Sóc Sơn). Và có 12 vị trí xung yếu cần bảo vệ, Sở NN&PTNT đã trình UBND TP xây dựng phương án hộ đê năm 2020 và thành lập Ban chỉ huy phân công cán bộ quản lý.

Trên cơ sở các phương án UBND TP phê duyệt, Sở đã phân công nhiệm vụ, các điều kiện về con người, cơ sở vật chất đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ, nhân lực tại chỗ). Đồng thời, xây dựng phương án huy động các đơn vị sẵn sàng ứng phó. Các lực lượng ứng trực tổ chức xử lý tình huống cụ thể, tuần trả, xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng về đê điều và ứng cứu kịp thời ngay từ thời điểm đầu.

Liên quan công tác ngập úng nội thành, có 2 vấn đề là vị trí điểm đen và cây xanh. Giai đoạn 2016-2019 UBND TP đã phấn đấu trồng 1 triệu và 1,6 triệu cây xanh có tác dụng môi trường, cải thiện khí hậu. Về cây xanh, thoát nước chức năng thuộc Sở Xây dựng. Hệ thống cây to, nhỏ, vừa đều có biện pháp chống đỡ.

Các điểm có nguy cơ ngập úng: Ngã 4 phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt; Ngã 5 Đường Thành-Bát Đàn-Nhà Hỏa; Cao Bá Quát trước cửa Cty MT đô thị; Đội Cấn trước cửa số nhà 209-Chùa Bát Tháp; ngã 3 La Pho-Thụy Khuê; phố Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy); đường Giải Phóng (trước cửa bến xe phía Nam); phố Nguyễn Chính (ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai); phố Thanh Đàm; phố Nguyễn Khuyến trước cổng trường Lý Thường Kiệt; phố Trường Chinh; phố Hoa Bằng; đường Phạm Văn Đồng; đường Ngọc Lâm; phố Hoàng Như Tiếp; đường gom Đại lộ Thăng Long hầm chui.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động