Hành động để sống xanh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Các phương tiện di chuyển trên đường quốc lộ 1B cũ ùn tắc khi qua bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Khánh Huy |
Các “thủ phạm” chính
Những buổi sáng mịt mù bụi mịn không còn là điều lạ tại Hà Nội. Các chỉ số ô nhiễm không khí liên tục chạm ngưỡng “rất xấu” và “nguy hại” đã trở thành tiếng chuông báo động về cuộc khủng hoảng môi trường đang lặng lẽ diễn ra trong lòng Thủ đô. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vào mùa đông và đầu xuân, thời điểm thường xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, chỉ số AQI tại Hà Nội nhiều ngày vượt mức 200, có lúc tiệm cận mức nguy hại trên 300. Đáng lo ngại hơn, nồng độ bụi mịn PM2.5 thường xuyên vượt xa tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Chuyên gia môi trường, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường TS Hoàng Dương Tùng nhận định: nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Nổi bật nhất là khí thải từ gần 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó xe máy chiếm phần lớn, cùng với hoạt động công nghiệp ở các làng nghề, nhà máy và tình trạng xây dựng tràn lan, thiếu kiểm soát về môi trường. Các làng nghề như: Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm vẫn sử dụng nhiên liệu rắn như than, củi trong sản xuất mà không có hệ thống xử lý khí thải. Trong khi đó, công trình xây dựng không che chắn, xe chở vật liệu rơi vãi bụi ra đường cùng với tình trạng đốt rác, rơm rạ tự phát ở vùng ngoại thành đang làm không khí thêm đặc quánh khói bụi.
Địa hình cũng là yếu tố bất lợi. Hà Nội nằm trong vùng trũng của Đồng bằng Bắc Bộ, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, vào mùa đông và đầu xuân thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, lớp khí lạnh bị nén bên dưới khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán mà bị giữ lại trong tầng khí thấp. Đứng trước thách thức này, Hà Nội không đứng ngoài cuộc. TP đã ban hành “Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn 2035”, đặt mục tiêu đầy tham vọng: ít nhất 75% số ngày trong năm có chất lượng không khí ở mức tốt hoặc trung bình và giảm 20% lượng phát thải bụi mịn PM2.5, tương đương 6.200 tấn mỗi năm.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, với đặc điểm là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, Hà Nội đang đối mặt nhiều thách thức về môi trường. Đó không chỉ là ô nhiễm không khí, mà còn là áp lực từ chất thải rắn, nước thải, tiếng ồn đô thị và mật độ dân cư quá cao. Trong giai đoạn 2025 – 2030, Hà Nội xác định nhiều nhiệm vụ môi trường cấp bách. Trong đó, trọng tâm là hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển mạnh giao thông công cộng, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường hiện đại, và từng bước chuyển đổi sang mô hình đô thị xanh – thông minh.
Chuyển đổi giao thông từ xe máy sang xe buýt điện
Giao thông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi mịn trong đô thị, chiếm tới 70% lượng phát thải. Vì vậy, kiểm soát khí thải từ phương tiện là nhiệm vụ hàng đầu. Các chuyên gia đề xuất TP cần đẩy nhanh lộ trình loại bỏ xe máy cũ nát, đồng thời thiết lập cơ chế hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện. Song song với đó, phải nâng cấp hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, mở rộng mạng lưới metro và kết nối liên thông giữa các loại hình vận tải. “Chỉ khi người dân thấy giao thông công cộng thuận tiện, an toàn, rẻ hơn, họ mới tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân” - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Ngoài giao thông, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. TP Hà Nội được khuyến nghị rà soát lại toàn bộ các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, bắt buộc di dời hoặc chuyển đổi công nghệ sạch. Hệ thống quan trắc khí thải tự động tại các khu công nghiệp cần được triển khai đồng bộ, kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý để giám sát 24/7. Bên cạnh đó, thành phố cần hỗ trợ làng nghề chuyển đổi năng lượng, thay thế than, củi bằng điện, khí sinh học hoặc công nghệ đốt tuần hoàn. Với các công trình xây dựng, cần siết chặt quy định về che chắn, phun nước chống bụi, xử phạt nghiêm các vi phạm môi trường. Tình trạng đốt rơm rạ ngoài trời cũng cần chấm dứt bằng cả chế tài pháp lý lẫn nâng cao nhận thức người dân.
Các TP lớn như Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Singapore đều từng trải qua giai đoạn ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng họ đã vượt qua nhờ hành động quyết liệt và chiến lược bền vững. Tại Bắc Kinh, nhờ hàng loạt chính sách như cấm đốt than, hạn chế phương tiện theo ngày, hỗ trợ xe điện và đóng cửa nhà máy ô nhiễm, chỉ trong vòng 5 năm (2013 – 2017), nồng độ PM2.5 đã giảm gần 66%, NO₂ giảm 57%, SO₂ giảm gần 89%. Singapore thì nổi tiếng với chiến lược “Zero Waste Masterplan”, kiểm tra khí thải cực kỳ nghiêm ngặt và hệ thống phân loại – thu gom rác hiệu quả. Quan trọng hơn cả, là sự đồng thuận xã hội cao và hệ thống dữ liệu môi trường minh bạch, thời gian thực.
Chuyên gia môi trường, TS Vũ Minh Đức cho rằng, để thành công, Hà Nội cần xác lập một “Hiệp ước không khí sạch”, một cam kết chính trị ở cấp cao nhất, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng DN, nhà khoa học và người dân. Không khí sạch không thể đạt được chỉ bằng công nghệ. Đó là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, tính kỷ luật trong thực thi chính sách, sự đầu tư đủ lớn và dài hạn và quan trọng nhất là thay đổi tư duy: môi trường không phải là “rào cản” mà là nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Những bước đi của Hà Nội hôm nay, từ việc hạn chế xe máy, phát triển xe buýt điện, kiểm soát làng nghề, đến nâng cao ý thức cộng đồng sẽ là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho một tương lai xanh, đáng sống hơn. Bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà là trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô. Chỉ khi cùng hành động, Hà Nội mới có thể xứng đáng là trái tim xanh của cả nước.
Từ kinh nghiệm của TP Kitakyushu cho thấy, sự hợp tác giữa người dân, DN, chính quyền và nhà khoa học là chìa khóa để giải quyết các vấn đề môi trường. Việc kiểm soát ô nhiễm thông qua đổi mới công nghệ có thể song hành với phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, điều quan trọng là truyền lại kinh nghiệm, công nghệ và tri thức đã đạt được cho các thế hệ tiếp theo. GS.TS Kiwao Kadokami, khoa Kỹ thuật hóa học và môi trường, Trường Đại học Kitakyushu (Nhật Bản) |
![]() | Kế hoạch tổ chức Chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường năm 2025 tại Hà Nội |
![]() | Nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa |
![]() | Kiểm định khí thải xe máy: vì sao cần giãn lộ trình? |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại