Thứ năm 23/01/2025 11:02

Hành trình nghề giáo có nhiều núi cao, vực sâu nhưng luôn đong đầy bản lĩnh và trái tim yêu thương học trò

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh hành trình nghề giáo là núi cao, vực sâu, đầy gian nan, vất vả, không có con đường nhung lụa, dễ dàng nhưng các thầy cô đều nỗ lực vượt qua, mang tri thức và tình yêu đến với các học trò.
Hành trình nghề giáo có nhiều núi cao, vực sâu nhưng luôn đong đầy bản lĩnh và trái tim yêu thương học trò
Câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên) nhận nuôi các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đã chạm đến trái tim của rất nhiều người

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Cô Phạm Thị Tâm - giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng - Trường Mầm non Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Bình nhưng sau này cô chọn công việc giáo viên tại tỉnh Phú Yên.

Sinh đôi hai con gái, cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng cô Tâm luôn nỗ lực vượt qua, cố gắng học lên ĐH, rồi Cao học. Với tấm bằng Thạc sĩ xuất sắc của chuyên ngành Mầm non, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô có nhiều cơ hội xin được việc làm ở thành phố, với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Thế nhưng, cô Tâm lại lựa chọn dạy học tại thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ, một trong những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất của tỉnh Phú Yên.

Luôn tâm niệm “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, cô Tâm quyết tâm đi theo tiếng gọi của trái tim, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

“Dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, dù đường xá khó đi, cuộc sống còn thiếu thốn nhưng tôi vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giúp đỡ bà con, đồng nghiệp", cô Tâm chia sẻ.

Là địa phương vùng sâu, vùng xa, người dân còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những hủ tục lạc hậu nên cô Tâm mong muốn bản thân không chỉ dạy các em nhỏ về kiến thức mà còn muốn bản thân đóng góp vào việc xóa bỏ những hủ tục, nuôi dưỡng tâm hồn các em nhỏ.

“Thật may mắn khi tôi được chính quyền ủng hộ, được cả làng quý mến, tin tưởng và nghe theo nên một số hủ tục lạc hậu bớt dần, các em học sinh không chỉ đầy đủ hơn về vật chất mà còn được nuôi dưỡng về tinh thần.

Bà con không còn phải đi xa 30-40 km xách từng can nước nhỏ về dùng và mỗi khi màn đêm buông xuống thì trên đường làng ngõ xóm trẻ em lại rộn rã vui đùa dưới ánh điện sáng trưng.

Tôi cũng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình giúp được đến đâu thì giúp, tùy theo sức của mình, chỉ cần thêm một chiếc áo là thêm một em bé được ấm áp, thêm một tấm chăn là thêm một giấc ngủ trọn vẹn, thêm một ký gạo là thêm một ngày no...

Nhiều giọt nước sẽ tạo thành biển lớn, nhiều sự chia sẻ chiến thắng khổ đau, nhiều điều nhỏ bé sẽ lan tỏa khắp cộng đồng để thắp thêm ước mơ, mở dần ra tương lai tốt đẹp hơn cho các em và hướng niềm tin cho cả bản làng về một ngày mai tươi sáng", cô Tâm bày tỏ.

Điều cô Tâm tha thiết mong muốn là Nhà nước có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ hơn nữa cho các giáo viên và học sinh vùng cao cũng như các vùng đặc biệt khó khăn của Phú Yên và cả nước.

Không để học trò nghèo bị bỏ lại phía sau

Câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên) nhận nuôi các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đã chạm đến trái tim của rất nhiều người. Cô không ngừng vận động mọi người trong gia đình, bạn bè, cộng đồng cùng quyên góp quần áo, sách vở, lương thực,… để hỗ trợ các em.

Tính đến nay, cô Hà đã nhận nuôi hơn 20 học sinh dân tộc thiểu số với mong muốn các em được học hành đến nơi đến chốn, không vì nhà nghèo mà bỏ học giữa chừng. “Sau mỗi hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn lòng mình lại thấy thanh thản, an vui và hạnh phúc”, cô Hà chia sẻ. Đây chính là những động lực thôi thúc cô trên hành trình nuôi em hàng tháng.

Với trái tim lương thiện, sự thấu hiểu và sẻ chia với học trò, cô Hà được các em học sinh, phụ huynh yêu thương, kính trọng. Các em càng có động lực để cố gắng vươn lên, trưởng thành mỗi ngày.

Cô giáo Ma Thị Hồng (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ, Lâm Bình là huyện mới thành lập được 10 năm, có 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (60% dân tộc Tày, 30% dân tộc Dao), có hơn 70% là hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Họ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, dân trí chưa phát triển. Do đó, cô Hồng cùng các đồng nghiệp đã tập trung đào tạo những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thế hệ trẻ nơi đây có tương lai tươi sáng hơn.

"Tôi và các đồng nghiệp nhiều năm trăn trở làm sao để giúp kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Chúng tôi xác định đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu người học, phù hợp với thị trường lao động, lợi thế địa phương định hướng xuất khẩu lao động. Phát huy thế mạnh của địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa phong phú, chúng tôi đã tập trung đào tạo nghề du lịch, tổ chức dạy thêm tiếng Nhật vào buổi tối cho người lao động để đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi luôn vận động, thuyết phục bà con: Con đường thoát nghèo là có việc làm", cô Hồng chia sẻ.

Người thầy bản lĩnh, truyền cảm hứng cho học trò

Câu chuyện cuộc đời của thầy giáo nhỏ bé Chu Quang Đức, Trường THPT Mê Linh (Hà Nội), có chiều cao 1,1 mét nhưng nghị lực phi thường đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho nhiều người, đặc biệt là các em học sinh.

Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ nhỏ nhưng thầy Đức chưa bao giờ đầu hàng số phận. Thầy luôn giữ tinh thần lạc quan, ý chí sắt thép, tôi luyện bản thân để trở thành một nhà giáo tốt, không chỉ bồi dưỡng kiến thức cho học trò mà còn trở thành tấm gương sáng về nghị lực cho học sinh noi theo. 10 năm dạy học bằng xe lăn, thầy Đức đã cảm hóa nhiều học sinh “có cá tính”, giúp các em thay đổi nhận thức, hành vi và trở thành công dân có ích cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Hành trình nghề giáo có nhiều núi cao, vực sâu nhưng luôn đong đầy bản lĩnh và trái tim yêu thương học trò
Thầy giáo Chu Quang Đức, Trường THPT Mê Linh (Hà Nội) đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho nhiều người, đặc biệt là các em học sinh.

Câu chuyện “cây xương rồng” của cô giáo Bùi Lê Xuân Trang, Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long) cũng để lại nhiều tình cảm, ấn tượng sâu sắc cho mọi người. Để cảm hóa, đồng hành với cô học trò ương ngạnh, gai góc có hoàn cảnh gia đình éo le, cô Trang đã luôn bên cạnh, sẻ chia, chỉ bảo cho em. Giờ đây, cô học sinh ấy đã chuẩn bị tốt nghiệp cao đẳng, tính cách cởi mở, hòa đồng và quan trọng là em có tương lai.

Câu chuyện cảm hóa của cô giáo Trang cho thấy, khi học trò thực sự được lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương, các em sẽ vượt qua được những khó khăn, mặc cảm để vươn lên, sống một cuộc đời tử tế, có ích.

Hành trình nghề giáo có nhiều núi cao, vực sâu nhưng luôn đong đầy bản lĩnh và trái tim yêu thương học trò
Câu chuyện “cây xương rồng” của cô giáo Bùi Lê Xuân Trang đã để lại nhiều ấn tượng cho mọi người

Tại chương trình truyền hình “Thay lời tri ân năm" 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng những tấm gương các nhà giáo được chương trình nhắc tới chắc chắn mới chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những tấm gương cống hiến của các thầy giáo, cô giáo khắp mọi miền đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh hành trình nghề giáo là núi cao, vực sâu, đầy gian nan, vất vả, không có con đường nhung lụa, dễ dàng nhưng các thầy cô đều nỗ lực vượt qua, mang tri thức và tình yêu đến với các học trò.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực cố gắng cống hiến của tất cả nhà giáo, những người đã được xã hội biết tới, được ca ngợi và cả những người luôn hy sinh thầm lặng mà chưa được nhiều người biết tới, thậm chí chưa ai biết tới.

Hành trình nghề giáo có nhiều núi cao, vực sâu nhưng luôn đong đầy bản lĩnh và trái tim yêu thương học trò
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực cố gắng cống hiến của tất cả nhà giáo trên mọi miền đất nước đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn trọng đạo nghĩa, trọng tri thức, hiếu học và giàu chí tiến thủ. Nhà giáo là một nghề cao quý, bởi trong những thứ quý giá, con người là thứ quý nhất, là hoa của trời đất, là tinh anh của vạn vật. Nghề chăm lo phát triển con người là công việc khó nhất, cao quý nhất. Đó là nghề cho đi mà không màng nhận lại, như đưa người qua những chuyến đò sang sông, vì thế mà nghề nhà giáo là nghề đẹp đẽ.

Tại Lễ gặp mặt 400 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được khen thưởng nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Giáo dục là tạo động lực, là định hướng cách tư duy và hướng hành động. Giáo dục tạo ra sự thay đổi, sự tiến bộ, chinh phục cái mới và là “bà đỡ” cho những ý tưởng mới. Chúng ta cần phải là người dẫn đường, đây là trọng trách lớn, là sứ mệnh của nhà giáo chúng ta. Tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, đó là nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả nhà giáo.

Lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành giáo dục Lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành giáo dục
Cô giáo chinh phục học trò bằng những bài giảng hấp dẫn Cô giáo chinh phục học trò bằng những bài giảng hấp dẫn
Tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động