Thứ năm 23/01/2025 20:19

Hành vi rải đinh có thể bị truy tố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, hành vi rải đinh trên đường hay còn gọi là “đinh tặc” gây hư hỏng các phương tiện và có thể gây ra tai nạn giao thông làm chết người sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hình sự.
Hành vi rải đinh có thể bị truy tố
Hàng trăm chiếc đinh nhọn hình thoi được hút bằng xe hút đinh tự chế ở khu vực cầu vượt Linh Xuân, thành phố Thủ Đức Ảnh: Nhật Trung

“Đinh tặc” - nỗi lo cho người tham gia giao thông

Thời gian qua, khu vực từ hầm cầu vượt Linh Xuân (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) đi về hướng cầu vượt Sóng Thần liên tục xuất hiện nhiều mảnh đinh nhọn hình thoi, nghi vấn do “đinh tặc” rải bẫy người đi đường, khiến nhiều người bức xúc. Trước thực trạng này, người dân sống ven tuyến đường đi bộ đã dùng nam châm để rà hút đinh; ngoài ra, còn có nhóm tình nguyện chạy xe rà đinh dọc tuyến Quốc lộ 1 khu vực cầu vượt Linh Xuân, TP Thủ Đức, nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông qua khu vực. Tuy nhiên, tuyến đường vẫn chưa sạch đinh, nhiều vị trí vẫn xuất hiện đinh rải rác.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, đại diện UBND Quận 12 cho hay, hiện tại, UBND Quận 12 đã chỉ đạo CA quận phân công cán bộ làm việc với các điểm sửa xe trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn từ cầu vượt Quang Trung đến cầu vượt An Sương và yêu cầu ký cam kết không rải đinh, vật nhọn ra đường. Đội nghiệp vụ của CA Quận 12 triển khai lực lượng, sử dụng các biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm đối tượng rải đinh, vật nhọn, gây mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông.

Đồng thời, CA quận cũng chỉ đạo lắp camera tại các điểm sửa xe, vị trí thường xuyên phát hiện rải đinh để thu thập chứng cứ, xử lý đối tượng vi phạm. CA các phường theo dõi hoạt động của đối tượng khả nghi, huy động người dân cùng giám sát trên các tuyến đường.

Chế tài xử phạt đã đủ

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Hành vi rải đinh ra đường là hành vi phạm luật và bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi rải đinh trên đường gây ra sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi tố hình sự”.

Cụ thể, khoản 10 Điều 11, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định cá nhân thực hiện các hành vi như ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn… ra đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi rải đinh buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, dây hoặc các vật cản khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi của mình gây ra.

Ngoài ra, tại Điều 261, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Cản trở giao thông đường bộ”, theo đó, người nào rải vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ… thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, cụ thể như: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Đối với tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, tùy thuộc giá trị tài sản thiệt hại cùng các tình tiết định khung khác, khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4 Điều 187, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 là phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

“Mặc dù có đầy đủ chế tài pháp luật để xử lý hành vi này, nhưng thực tế vấn nạn “đinh tặc” vẫn tái diễn và tồn tại nhiều năm nay, gây thiệt hại và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Một phần của nguyên nhân này là do khó xác định thiệt hại vì những người bị hại thường bỏ qua không trình báo, phát hiện và xử lý không kịp thời và xử phạt còn nhẹ”- luật sư Nguyễn Hồng Thái nói.

Tạm giữ 2 thanh niên rải đinh trước đầu xe tải trên QL1
Bắt chủ tiệm sửa xe rải đinh trên quốc lộ, bẫy người đi đường
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động