Thứ năm 23/01/2025 16:27
Bộ trưởng Lê Thành Long:

“Hệ thống pháp luật đã đóng góp lặng thầm vào bức tranh kinh tế xã hội tươi sáng”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Hệ thống pháp luật đã có đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào bức tranh kinh tế xã hội tươi sáng những năm qua, đặc biệt là năm 2019”– Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội chiều 30-10.

Dẫu rằng theo Bộ trưởng, "hệ thống pháp luật vẫn còn vấn đề này vấn đề khác và sự đóng góp đó cũng thầm lặng hơn, khó lượng hóa hơn".

Phát biểu, giải trình làm rõ những vấn đề thuộc phảm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: “Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương quan tâm”.

“Có thể đưa ra nhận định chung là hệ thống pháp luật của chúng ta cơ bản đã được hoàn thiện. Hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ở cấp độ này hay cấp độ khác. Chúng ta cũng đang cố gắng thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong công tác này”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời dẫn chứng: Từ 1-1-2016 đến nay Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 44 dự án Luật, 11 Nghị quyết, 1 Pháp lệnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 576 Nghị định, 144 quyết đinh. Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành khoảng 2.400 thông tư và thông tư liên tịch. Ngoài ra thống kê chưa đầy đủ thì các địa phương đã ban hành gần 65.000 văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền địa phương

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến 9 dự luật đã được trình.

“Trong số lượng văn bản đã ban hành nhiều như vậy có nhiều điểm rất sáng. Ví dụ như: Việc luật được ban hành kịp thời, điển hình là Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đã góp phần xử lý nợ xấu. Một số nghị quyết cho các địa phương như Nghị quyết về chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh đã và đang phát huy tác dụng, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

he thong phap luat da dong gop lang tham vao buc tranh kinh te xa hoi tuoi sang
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu, giải trình làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận chiều 30-10. Ảnh: Quochoi.vn

Dẫn bức tranh kinh tế xã hội những năm vừa qua đặc biệt là 2019, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, chúng ta ước đạt và vượt 12 chỉ tiêu quan trọng kinh tế xã hội, thu ngân sách vượt chỉ tiêu.

Đặc biệt trong năm 2019 theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Ngân hàng thế giới (WB) chỉ số bình ổn tức chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tăng 17 bậc, trong khi đầu năm Chính phủ đặt ra kỳ vọng tăng 3 bậc so với 2018.

Nhấn mạnh kết quả đánh giá nêu trên là của các tổ chức quốc tế”, Bộ trưởng cho biết, bức tranh kinh tế xã hội chủ yếu mang màu sáng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định cơ đồ đất nước chúng ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay.

“Hệ thống pháp luật dẫu còn vấn đề này vấn đề khác nhưng có đóng góp trực tiếp, gián tiếp vào bức tranh kinh tế xã hội như vậy. Dù đóng góp của hệ thống pháp luật vào bức tranh kinh tế xã hội thầm lặng hơn, khó lượng hóa hơn. Khi có được kết quả dễ lẫn trong các lĩnh vực khác và thường khi có vấn đề xảy ra rất có thể trở thành tâm điểm”.

Về những mặt hạn chế, người đứng đầu ngành Tư pháp nhìn nhận đúng như đại biểu Quốc hội nêu. Thời gian qua một số văn bản pháp luật có vướng, như báo cáo đánh giá tác động môi trường có quy định chưa thống nhất trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. Rồi thì việc xử lý chậm Luật Quy hoạch, chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết.

“Đó là thực tế. Chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta phát hiện ra nhưng xử lý chậm”, Bộ trưởng nói.

Lý giải nguyên nhân chậm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, có những yếu tố liên quan đến quy trình - đó là phải lập đề nghị, phải xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh, phải trình các cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ sự e dè của các cơ quan. “Tôi nghĩ rằng những hạn chế đại biểu Quốc hội nêu ra là đúng”, Bộ trưởng nói.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, nguyên nhân chủ quan là do sự chưa chủ động của các cơ quan trình, cụ thể ở đây là trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, các chủ thể trình.

Bên cạnh đó, năng lực làm luật mặc dù đã cố gắng nhưng còn hạn chế trong đó có vai trò của pháp chế các bộ ngành, vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp.

Nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Có nhiều vấn đề khó. Chúng ta vừa kịp định hình hệ thống pháp luật phục vụ thương mại tự do nay lại phải quay ra phản thương mại tự do. Một loạt quy định, truyền thống pháp luật mà chúng ta học từ xưa đến nay thì nay đã không cập nhật được với 4.0”.

Báo cáo Quốc hội về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định: “Chính phủ đã ý thức được vấn đề này và ban hành nhiều biện pháp. Sắp tới, trong số những việc cần làm ngay là các dự án luật Quốc hội sẽ thảo luận tại kỳ họp này trong đó có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời kiên quyết ban hành các nghị định chậm

Cũng theo người đứng đầu ngành Tư pháp, hiện việc tổng kết một số văn bản quan trọng phục vụ cho văn kiện Đại hội 12 cũng đang được tiến hành. Chính phủ đang rất cố gắng đưa vào một số câu trong văn kiện đó. “Đó là cố gắng để có được hệ thống văn bản pháp luật có chất lượng hơn, dễ tiếp thu, dễ tiếp cận với người dân hơn đồng thời giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Sắp tới, chúng ta cũng thảo luận về một số biện pháp để sửa đổi một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, lời Bộ trưởng.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động