Hoa hậu Hòa bình thế giới: Uy tín nay còn đâu?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThiên Ân đạt được nhiều thành tích nhưng lại không lọt Top 10 khiến khán giả bức xúc |
Những nhận xét khiến khán giả Việt dậy sóng
Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới được tổ chức lần đầu năm 2013, nhằm tìm kiếm những nàng hậu vừa xinh đẹp, vừa có trí tuệ. Người thắng cuộc có nghĩa vụ đến nhiều quốc gia trên thế giới để hoạt động từ thiện, vận động nâng cao tinh thần đoàn kết, chấm dứt bạo lực.
Cuộc thi này cũng đã được Global Beauties xếp vào top 6 cuộc thi hoa hậu uy tín hiện nay, bên cạnh Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) và Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational).
Thế nhưng những lùm xùm của mùa giải năm 2022 đã khiến cuộc thi đang mất dần uy tín, bị fan sắc đẹp quốc tế chỉ trích, kêu gọi tẩy chay. Tất cả là bởi những phát ngôn đi ngược lại với chính thông điệp của cuộc thi từ chủ tịch Nawat Itsaragrisil.
Đầu tiên phải kể đến phát ngôn của ông Nawat Itsaragrisil khi nói về lý do đại diện Việt Nam - Đoàn Thiên Ân không có trong Top 10. Trong chia sẻ ngày 26/10, ông Nawat giải thích, hình thể của Thiên Ân chưa đạt chuẩn. Ngoài ra, ông còn so sánh, khen đại diện Ấn Độ, Malaysia, Lào đẹp hơn Việt Nam nhưng không vào top. Một suất trong Top 20 là vừa vặn với Thiên Ân.
"Với ban giám khảo, không có vị trí nào cho cô ấy. Tôi đã cố gắng đưa cô ấy vào Top 20. Cô ấy rất chậm chạp trong suốt quá trình thi. Nếu muốn chiến thắng, hãy rèn luyện thêm và hẹn gặp vào năm sau", ông Nawat cho biết.
Tuy nhiên, những chia sẻ của ông Nawat đã khiến cho khán giả Việt Nam dậy sóng. Đa phần fan sắc đẹp và một số nghệ sĩ Việt đều cho rằng ông này đang miệt thị ngoại hình của Thiên Ân, cần phải xin lỗi cô. Nếu như một trong những thông điệp của cuộc thi là chấm dứt bạo lực thì phát ngôn này của ông Nawat lại đang bạo lực về tinh thần đại diện Việt Nam.
Đủ chiêu trò câu kéo truyền thông
Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Hoa hậu Hòa bình thế giới tạo sự thu hút không kém các sân chơi sắc đẹp khác như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu thế giới… Chất lượng cuộc thi các mùa cũng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, trong năm nay, ông Nawat đã bày tỏ tham vọng đẩy lượng người theo dõi tài khoản cuộc thi nhằm góp phần nâng tầm ảnh hưởng và giá trị cho sân chơi sắc đẹp này.
Suốt thời gian cuộc thi diễn ra, BTC mở nhiều cuộc bình chọn như: Thí sinh trình diễn áo tắm đẹp nhất, Country's power of the year, Miss popular vote, Trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất. Đáng chú ý là lượt bình chọn dành cho các hạng mục chỉ có hiệu lực khi khán giả nhấn nút theo dõi tài khoản mạng xã hội Instagram của cuộc thi và thả like (thích) bức ảnh thí sinh mà họ yêu thích. Nếu thắng giải thưởng này, thí sinh sẽ giành suất vào Top 20. Điều này khiến khán giả tranh cãi nảy lửa vì chiêu trò câu kéo truyền thông của ông Nawat. Họ cho rằng, ông đang lợi dụng các thí sinh cũng như fan sắc đẹp phục vụ cho những giá trị thương mại của cuộc thi.
Để đại diện Việt Nam có thể đi sâu tại cuộc thi, nhiều nghệ sĩ và công chúng Việt đã kêu gọi nhau bình chọn. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, tài khoản mạng xã hội của Hoa hậu Hòa bình thế giới tăng với tốc độ chóng mặt và đạt mức 6,5 triệu lượt theo dõi trước đêm chung kết, thậm chí còn vượt mặt tài khoản mạng xã hội của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Kết quả cuối cùng, người đẹp Đoàn Thiên Ân của Việt Nam giành chiến thắng. Tuy nhiên, Thiên Ân dù đạt được một số thành tích nổi bật lại không được lọt vào Top 10 chung cuộc khiến khán giả Việt bất mãn. Số lượt người theo dõi tài khoản của cuộc thi vì thế cũng tụt thảm hại. 1 ngày sau đêm chung kết, tài khoản Instagram của cuộc thi giảm đến 2,2 triệu lượt theo dõi, đa phần là đến từ Việt Nam.
"Tôi đã kiểm tra tài khoản Instagram của MGI, tất cả lượt bỏ theo dõi đều từ Việt Nam. Cảm ơn đã hủy theo dõi. Chúng tôi luôn tôn trọng và công bằng với mọi người và mọi quốc gia", ông Nawat phát biểu sau chưa đầy 1 ngày khép lại cuộc thi.
1 ngày sau đêm chung kết, tài khoản Instagram của cuộc thi giảm đến 2,2 triệu lượt theo dõi. Bên cạnh đó, lượt theo dõi Facebook của cuộc thi cũng giảm rất nhiều |
Nghi vấn “dọn đường” cho đại diện Thái Lan giành ngôi vị á hậu 1
Trước đêm chung kết, chủ tịch Nawat từng thẳng thắn cho hay Top 5 của Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2022 bao gồm 2 đại diện đến từ châu Á, 2 đại diện đến từ Latinh và một đại diện đến từ châu Âu. Và đúng như lời ông Nawat nói, Top 5 cuộc thi năm nay là các đại diện: Thái Lan, Indonesia, Venezuela, Cộng hòa Séc và Brazil. Điều này khiến khán giả nghi ngờ cuộc thi đã có dàn xếp kết quả từ trước đêm chung kết.
Việc hé lộ về kết quả này của chủ tịch Nawat đã khiến cựu Hoa hậu Hoàn vũ - Leila Lopes (người Angola) lên tiếng chỉ trích cuộc thi trên một fanpage của Brazil: "Chúng tôi không thể tin được chủ tịch có thể khẳng định ai sẽ thắng và ai sẽ lọt Top trước khi đêm chung kết diễn ra".
Người đẹp này cũng không ngần ngại ví Hoa hậu Hòa bình thế giới giống như "rạp xiếc". "Rạp xiếc đúng nghĩa. Thật xấu hổ khi nhiều phụ nữ đồng ý phô diễn bản thân để bị nhạo báng nhân danh "biểu diễn". Tôi chỉ theo dõi để ủng hộ đại diện Brazil. Nếu không thắng, cô ấy hãy đi thi Miss Universe Brazil", hoa hậu Lopes viết.
Engfa Wahara giành danh hiệu á hậu 1 gây tranh cãi |
Danh hiệu á hậu 1 được trao cho đại diện Thái Lan - Engfa Wahara cũng bị khán giả đánh giá là không xứng đáng. Kết quả này được cho là do ông Nawat đã thiên vị cho Engfa Wahara. Minh chứng là trong những bức ảnh của các thí sinh dự thi, người đẹp này luôn đứng ở vị trí trung tâm. Cô còn được chủ tịch Nawat đích thân đăng tải bài viết riêng kêu gọi ủng hộ.
Đáng chú ý hơn là phần thi ứng xử không tốt trong Top 5 của cô. Engfa Wahara phát âm tiếng Anh không chuẩn, ý tứ trả lời của cô cũng không được đánh giá cao. Ông Nawat lý giải rằng không thể gạt Engfa Wahara khỏi Top vì người đẹp có lượng fan đông đảo tại Thái Lan khiến khán giả quốc tế càng cho rằng ông đang không công bằng với các thí sinh khác.
Á hậu 5 trả vương miện
Khi lùm xùm phát ngôn của ông Nawat chê bai ngoại hình Thiên Ân chưa kịp lắng xuống thì cuộc thi lại vướng phải lùm xùm khác, chính là á hậu 5 trả lại vương miện.
Trong thông báo trên fanpage chính thức của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới (Miss Grand International), chiều 28/10, BTC cho biết, người đẹp Yuvna Rinishta của Mauritius đã trả lại danh hiệu á hậu 5 vì không thể ký hợp đồng và hoàn thành nhiệm vụ. Sau thông báo này, Yuvna Rinishta sẽ không sử dụng danh hiệu á hậu 5 của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới 2022. BTC sẽ sớm ra thông báo về người thay thế.
Trên trang Instagram được cho của Yuvna Rinishta, cô cũng chia sẻ lại một bài viết từ trang Miss Grand Mauritius khẳng định Hoa hậu Hòa bình thế giới đưa sai sự thật về vụ việc. Miss Grand Mauritius cho biết Rinishta đã nhận được hợp đồng nhưng cô không ký bởi cô cảm thấy không phù hợp với hành vi của tổ chức Hoa hậu Hòa bình thế giới đối với cô và những thí sinh khác. Cô yêu cầu Hoa hậu Hòa bình thế giới ngừng đưa thông tin sai lệch về mình.
Đại diện Mauritius từ bỏ danh hiệu á hậu 5 |
Do cuộc thi có đến năm á hậu 5, là những thí sinh vào Top 10 nên việc đại diện Mauritius từ bỏ danh hiệu dẫn đến việc sẽ có một thí sinh từ Top 20 được đôn lên vị trí á hậu 5.
Lẽ ra, kỷ niệm 10 năm tổ chức cuộc thi, Hoa hậu Hòa bình thế giới 2022 phải ghi dấu ấn về chất lượng, uy tín thì lại trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội, bị fan sắc đẹp quốc tế chỉ trích không thương tiếc. Tất cả là do ứng xử phản thông điệp của người sáng lập cuộc thi.
Cuộc thi nào cũng cần thời gian để tạo nên thương hiệu. Nếu như chỉ muốn thu hút truyền thông bằng những chiêu trò, phát ngôn gây tranh cãi, thậm chí gây tổn thương cho chính thí sinh, khán giả đóng góp vào sự thành công của cuộc thi thì trước sau nó cũng bị tẩy chay và tự đánh mất đi uy tín của chính mình mà thôi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại