Hướng dẫn mới về phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc và khách đến thăm đều phải tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa COVID-19 trong các cơ sở y tế. Ảnh: Khánh Huy |
Theo Bộ Y tế, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu liên quan đến COVID-19 từ tháng 5/2023, nhưng dịch bệnh này vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. WHO tiếp tục theo dõi sát sao các biến thể mới như NB.1.8.1 và LP.8.1, được xếp vào nhóm “biến thể cần theo dõi” do khả năng lây lan nhanh, dù chưa ghi nhận gây bệnh nặng hơn hay ảnh hưởng tới hiệu quả vaccine.
Tại Việt Nam, COVID-19 hiện được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương đương với bệnh cúm mùa. Phần lớn các ca bệnh thời gian gần đây đều có triệu chứng nhẹ, không gây bùng phát quy mô lớn. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm trong môi trường bệnh viện vẫn hiện hữu, đòi hỏi các cơ sở y tế duy trì nghiêm túc các biện pháp kiểm soát.
Hướng dẫn mới của Bộ Y tế xác định rõ mục tiêu công tác phòng, chống COVID-19 hiện nay là: Phát hiện sớm ca bệnh, điều trị kịp thời, hạn chế lây lan, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh.
Cụ thể, tất cả người bệnh đến khám được sàng lọc triệu chứng hô hấp và yếu tố dịch tễ ngay từ khu vực tiếp đón hoặc phòng khám truyền nhiễm, khoa Cấp cứu. Với các trường hợp nhẹ, không biến chứng và không có bệnh nền, cơ sở y tế hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà hoặc tại trạm y tế, nhằm giảm tải cho tuyến điều trị cao hơn.
Trường hợp nghi nhiễm được phát hiện tại khoa lâm sàng sẽ được chuyển ngay vào buồng cách ly tạm thời của khoa để điều trị, tránh lây nhiễm chéo. Việc chỉ định xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR được áp dụng cho người có triệu chứng hô hấp nghi ngờ đi kèm bệnh nền nguy cơ cao, hoặc người có biểu hiện suy hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân.
![]() |
Khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. |
Ba đường lây chính của SARS-CoV-2 tiếp tục được nhấn mạnh trong hướng dẫn mới gồm: giọt bắn, tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bề mặt nhiễm bẩn, và khí dung, đặc biệt trong các thủ thuật tạo khí dung hoặc môi trường kín, thông khí kém.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bảo đảm thông khí buồng bệnh tối thiểu 12 lần trao đổi khí mỗi giờ, ưu tiên sử dụng hệ thống cơ khí; trong trường hợp không có, cần tăng cường thông khí tự nhiên qua cửa sổ, cửa ra vào.
Bên cạnh đó, vệ sinh tay, sử dụng khẩu trang đúng cách, vệ sinh bề mặt và dụng cụ y tế được quy định chặt chẽ theo từng cấp độ nguy cơ. Nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc và khách đến thăm đều phải tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa chuẩn, kết hợp các biện pháp phòng ngừa bổ sung nếu cần thiết.
Đặc biệt, người bệnh có bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch, đang điều trị ung thư, chạy thận… cần được điều trị tại khu vực riêng biệt (nếu có), hạn chế tiếp xúc và di chuyển, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các quy định về vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang và khử khuẩn.
Các cơ sở khám, chữa bệnh được khuyến cáo thường xuyên đánh giá rủi ro, cập nhật phương án ứng phó và đảm bảo nguồn vật tư thiết yếu như khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn… để sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh.
![]() | Đảm bảo cung ứng kịp thời các thuốc điều trị COVID-19 |
![]() | WHO cảnh báo nguy cơ lây lan Covid-19 do biến thể mới NB.1.8.1 |
![]() | WHO vẫn chưa thể xác định chính xác nguồn gốc đại dịch COVID-19 |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại