Thứ năm 23/01/2025 06:16

Không gian sáng tạo đánh thức tiềm năng di sản kiến trúc

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với vị thế trung tâm đất nước hơn một thiên niên kỷ, Hà Nội là một tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ, trong đó những công trình kiến trúc tạo ra một khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị.
Phía ngoài khuôn viên sân vườn tòa nhà Bắc Bộ phủ là triển lãm “Hiện” gồm các hình ảnh, giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam.
Phía ngoài khuôn viên sân vườn tòa nhà Bắc Bộ phủ là triển lãm “Hiện” gồm các hình ảnh, giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam. Ảnh: Khánh Huy

Ấn tượng những không gian sáng tạo mới

Trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 đầy sắc màu, một điểm đến rất được quan tâm của khách du lịch chính là tòa nhà Bắc Bộ Phủ, (nay là trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tọa lạc ở địa chỉ số 12 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Công trình được xây dựng vào năm 1918 với phong cách kiến trúc Pháp cổ nổi bật, đối diện là đài phun nước Con Cóc 120 năm tuổi.

Bắc Bộ Phủ có ba tầng, tầng hầm để làm kho, các phòng phục vụ. Tầng 1 gồm phòng khách lớn nhỏ, phòng tiếp tân, phòng đợi, phòng làm việc, phòng ăn và khu giải trí. Tầng 2 gồm phòng họp lớn của hội đồng Bắc Kỳ và các phòng nghi lễ. Khu vực cho du khách tham quan chỉ giới hạn từ cổng vào và tầng 1 của tòa nhà. Trong hình là phòng khách tiếp đón các đoàn ngoại giao của Việt Nam (bên phải sảnh chính).

Tại đây du khách có thể khám phá những chi tiết kiến trúc từ thời Pháp thuộc như hệ thống cầu thang gỗ đăng đối với lan can hoa văn, khung cửa lớn, gạch bông lát sàn và đèn trang trí tinh tế vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, tạo cảm giác như bước ngược thời gian về thời kỳ lịch sử 100 năm về trước.

Đặc biệt là bức tranh rồng nằm ở thềm hướng ra khuôn viên phía sau Bắc Bộ Phủ là một trong những chi tiết nổi bật thể hiện chất phương Đông trong tổng thể công trình. Đây là tác phẩm nghệ thuật ghép sành sứ dễ thấy trong các công trình thời nhà Nguyễn. Không chỉ dừng lại ở kiến trúc bên trong tòa nhà, khuôn viên bên ngoài của Bắc Bộ Phủ còn gây ấn tượng bởi triển lãm "Hiện" - nơi trưng bày các hình ảnh và thông tin về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Nhắc tới Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, không thể không nhắc tới công trình kiến trúc của Trường đại học Tổng hợp cũ, nay là Trường đại học Khoa học tự nhiên, một biểu tượng kiến trúc trăm năm được đánh thức bởi nghệ thuật sáng tạo. Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024, triển lãm “Cảm thức Đông Dương” lần đầu tiên mang đến cho công chúng cơ hội được bước vào không gian trăm tuổi của công trình này và trải nghiệm một chuỗi các hoạt động nghệ thuật sống động. Ở đây trưng bày các tác phẩm điêu khắc, đất nung, đặc biệt là sắp đặt sách nghiên cứu hồi cố về họa tiết mỹ thuật Đông Dương, các tác phẩm nhiếp ảnh về kiến trúc Đông Dương.

Bên ngoài tòa nhà là tác phẩm Letters – Sciences - Arts (Văn chương - Khoa học - Nghệ thuật), lấy cảm hứng từ triết lý và định hướng đào tạo đa ngành, liên ngành của Đại học Đông Dương xưa. Nhiều vị trí trong khuôn viên, hành lang, sảnh tòa nhà, là những mô hình điêu khắc inox gương họa sĩ Victor Tardieu và Kiến trúc sư Ernest Hebrard.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tác phẩm tại triển lãm hòa nhập với không gian, tạo ra những câu chuyện tôn vinh nghệ thuật sáng tạo. Các ý tưởng dựa trên nền tảng từ lịch sử, phong cách Đông dương, tạo xu hướng phổ biến trong mỹ thuật, kiến trúc.

Những không gian bên trong tòa nhà Bắc Bộ Phủ lần đầu được giới thiệu tới công chúng và du khách tham quan. Ảnh: Khánh Huy
Những không gian bên trong tòa nhà Bắc Bộ Phủ lần đầu được giới thiệu tới công chúng và du khách tham quan. Ảnh: Khánh Huy

Sáng tạo trong công trình di sản là cần thiết

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp các không gian sáng tạo phát triển. Sự kết hợp của nhà quản lý, nghệ sĩ sáng tạo và các đơn vị tư nhân đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Cộng đồng có thêm những không gian trải nghiệm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, còn các nghệ sĩ có nơi để thực hành và trao đổi. Những không gian này cũng tạo bản sắc và sức hấp dẫn cho thủ đô, hướng tới mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, TP hiện có hơn 120 không gian sáng tạo. Các không gian sáng tạo tại Hà Nội hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực như thiết kế, nghệ thuật thị giác, kiến trúc, âm nhạc, trình diễn, thủ công mỹ nghệ..., đóng vai trò thúc đẩy kết nối giữa các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và tới cộng đồng rộng lớn hơn. Nhiều không gian đã trở thành địa điểm cho những sự kiện nghệ thuật quốc tế.

Để phát huy tốt các không gian sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, bên cạnh đầu tư nguồn lực, Hà Nội cần phải quy hoạch những không gian sáng tạo riêng. Còn theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, không gian sáng tạo phải góp phần phát triển, xây dựng đô thị sáng tạo, quan trọng nhất là phải hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, kêu gọi được cộng đồng cùng tham gia.

Những không gian bên trong tòa nhà Bắc Bộ Phủ lần đầu được giới thiệu tới công chúng và du khách tham quan. Ảnh: Khánh Huy
Những không gian bên trong tòa nhà Bắc Bộ Phủ lần đầu được giới thiệu tới công chúng và du khách tham quan. Ảnh: Khánh Huy

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, TP sẽ tạo điều kiện tối đa cho các không gian phát triển thuận lợi, dựa trên việc bảo đảm hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa các bên từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Bàn giải pháp để tiếp tục phát huy giá trị các tác phẩm nghệ thuật không gian sáng tạo, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, về giải pháp lâu dài cho các công trình di sản, duy trì các hoạt động sáng tạo để thu hút công chúng, sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp nhận các sản phẩm sáng tạo; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị để giải quyết bài toán vận hành. Đồng thời, Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều nội dung mới về khai thác sử dụng, nhượng quyền cho sử dụng với tài sản công sẽ mở ra nhiều hướng để khai thác, sử dụng hiệu quả các không gian sáng tạo trong các công trình di sản.

KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, năm 1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình. Năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Các hoạt động sáng tạo, nền công nghiệp sáng tạo, dự án sáng tạo, không gian sáng tạo… không chỉ là động lực mà còn là nhân tố chính trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong quá trình ấy, di sản văn hóa vừa là nền tảng tinh thần và vật chất để xây dựng Thành phố sáng tạo, vừa chính là một nhân tố tham gia trực tiếp vào việc tạo lập các không gian sáng tạo của Thủ đô.
Phố Hàng Mã thay áo lung linh đón Giáng sinh sớm
Bên trong toà nhà Bắc Bộ Phủ lần đầu mở cửa đón công chúng tham quan
Thêm nhiều vườn hoa được thay “áo mới”
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động