Kỳ 1: Những ổ hàng giả bị bóc trần
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Đối tượng Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi, trú tại Đại Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang) bị bắt giữ về hành vi sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả. Ảnh: Công an cung cấp |
LTS: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng tiếp tục là một thách thức nghiêm trọng tại nước ta . Nó không chỉ gây thiệt hại đáng kể về kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Thực trạng các vụ hàng giả bị phát hiện gần đây cho thấy mức độ nghiêm trọng và tinh vi của vấn đề này. Trong bối cảnh thị trường hàng hóa ngày càng đa dạng, việc phân biệt thật giả trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tình trạng này gây ra sự hoang mang trong cộng đồng, khiến người dân không biết sản phẩm nào được phép lưu hành và sản phẩm nào có thể gây nguy hiểm.
Từ ma trận sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả…
Ngày 29/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các đối tượng bị điều tra về hàng loạt hành vi phạm tội nghiêm trọng như sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; và đặc biệt là hành vi đưa và môi giới hối lộ.
Trước đó, ngày 10/4/2025, Bộ Công an cũng đã khởi tố và bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (cùng có trụ sở tại Hà Nội). Lực lượng chức năng thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa. Từ tháng 8/2021, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ cao các sản phẩm dinh dưỡng, Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà đã thành lập hai công ty này nhằm sản xuất, kinh doanh và phân phối sữa bột giả. Đến nay, nhóm đối tượng đã cho ra đời tới 573 nhãn hiệu sữa bột, tập trung vào các nhóm đối tượng đặc biệt như người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Cũng trong tháng 4, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 14 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả có quy mô liên tỉnh. Cầm đầu là Nguyễn Tiến Đạt (trú tại Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (trú tại TP Hồ Chí Minh), nhóm này đã đầu tư thiết bị, máy móc, nguyên liệu dược phẩm không rõ nguồn gốc, thuê nhân công trộn, ép thành viên nang, đóng gói thành thuốc giả rồi phân phối khắp cả nước. Từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và tiêu thụ lượng thuốc giả trị giá gần 200 tỷ đồng.
Vụ việc khiến cả ngành y tế và người tiêu dùng “rùng mình” phải kể đến chuyên án do Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội thực hiện: triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ gần 100 tấn thực phẩm chức năng giả do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu. Từ năm 2020, cặp vợ chồng này đã xây dựng cả một mạng lưới “công nghiệp hàng giả” với đầy đủ các khâu: tạo công thức, nhập nguyên liệu, sản xuất, thiết kế bao bì bắt mắt y hệt hàng thật, rồi dùng chiêu trò marketing để đưa sản phẩm ra thị trường.
Thậm chí, để hợp thức hóa hàng giả, nhóm này còn nhập khẩu một phần hàng thật từ nước ngoài, chỉ để… “làm vỏ bọc”. Họ mở nhiều công ty, đăng ký sản phẩm tại nhiều địa điểm, sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng. Khi bị bắt, họ đã bán trót lọt sản phẩm tới hơn 20 tỉnh thành, len lỏi cả vào các nhà thuốc và phòng khám.
![]() |
Các đối tượng trong đường dây sản xuất thuốc giả vừa bi CA tỉnh Thanh Hóa triệt phá. Ảnh: Công an cung cấp |
… đến mỹ phẩm, giày dép, sách truyện – không gì là không thể làm giả
Nếu như trước đây, hàng giả thường mang vẻ ngoài thô kệch và dễ bị phát hiện, thì nay, với sự trợ giúp của công nghệ in ấn và kỹ thuật số, chúng giống thật tới mức… chuyên gia cũng khó phân biệt. Tem chống giả, mã QR, bao bì bắt mắt, nhãn phụ tiếng Anh, thậm chí có cả… giấy chứng nhận kiểm nghiệm đều được làm giả tinh vi.
Ngày 20/5/2025, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi, trú tại Đại Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Tang vật thu giữ trước đó bao gồm gồm gần 2.500 sản phẩm mỹ phẩm giả thuộc 13 loại khác nhau (kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn, lăn khử mùi, xịt khử mùi), khoảng 104.000 chiếc tem chống hàng giả, gần 10.000 chai lọ và hàng triệu vỏ bao bì các loại, cùng 300kg nguyên liệu (phèn chua, dung dịch pha chế) và máy móc sản xuất như máy co màng băng chuyền, máy dập ngày tháng… Lượng hàng đã tiêu thụ lên tới hàng trăm nghìn đơn, với doanh thu hơn 6 tỷ đồng.
Ở Đà Nẵng, lực lượng quản lý thị trường thu giữ gần 2.000 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Dior, Gucci… Còn tại TP Hồ Chí Minh, một container chứa đầy hàng hóa trị giá hơn 17 tỷ đồng bị phát hiện giả nhãn hiệu, không có chứng từ và vi phạm quy định xuất xứ.
Ngay cả những cuốn sách giáo khoa cũng bị in lậu, làm giả. Theo đó, khoảng giữa năm 2024, Công an Đà Nẵng bắt quả tang Lê Duy Quang và Lê Minh Trí đang nhận 29 thùng sách giáo khoa tiếng Anh giả từ một tài xế taxi tải tại đường An Nhơn 3, quận Sơn Trà. Cùng thời điểm, cảnh sát phát hiện thêm 849 cuốn sách giả trong căn nhà của Quang và 1.720 cuốn khác tại nhà Nguyễn Văn Ánh trên đường Ngô Quyền. Tất cả đều là sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, do Phạm Thạch Kim Điền bán lại.
Cơ quan điều tra xác định, Công ty TNHH in bao bì Huy Trường Phát (TP Hồ Chí Minh) do Nguyễn Trung Luật làm Giám đốc, cùng các công ty Quang Thắng, Cường Phát, đã in lậu sách giáo khoa khi chưa được cấp phép hoạt động in xuất bản phẩm và không có hợp đồng với các nhà xuất bản. Từ năm 2022, sau khi công ty gặp khó khăn tài chính, Luật bắt tay với Phạm Ngọc Quang – người có sẵn dây chuyền in – để in sách giả hàng loạt. Quang tổ chức xưởng in, thuê người làm bản kẽm, in bán thành phẩm rồi chuyển về xưởng gia công do Luật thuê nhân công hoàn thiện. Để hợp thức hóa sách giả, Luật còn mua tem giả qua mạng và nhờ người khác tiếp tục cung ứng khoảng 600.000 tem.
Trong khoảng từ tháng 1 đến 15/6/2024, Luật và Quang đã sản xuất hơn 1,64 triệu cuốn sách giáo khoa giả thành phẩm và hơn 347.000 bản in chưa hoàn thiện, trị giá bìa sách lên tới hơn 51,1 tỷ đồng. Để tiêu thụ, Luật thông qua Phạm Thạch Kim Điền, người này mua tới 1,17 triệu cuốn sách giả qua 251 đơn hàng và rao bán trên mạng cho nhiều đầu mối khác nhau.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), 4 tháng đầu năm 2025 các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm, đã khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng. Trong đó một loạt vụ án nghiêm trọng lớn, điển hình gần đây đã bị khởi tố. |
(Còn nữa)

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại