Thứ năm 23/01/2025 20:29
Cẩn trọng với những “dịch vụ tâm linh” thời 4.0:

Kỳ 1: Nở rộ và công khai trên không gian mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng, đảm bảo và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Song, nhiều đối tượng đã lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Ảnh bìa của một nhóm xem bói có gần 300 nghìn người theo dõi. Ảnh chụp từ màn hình
Ảnh bìa của một nhóm xem bói có gần 300 nghìn người theo dõi. Ảnh chụp từ màn hình

Mảnh đất màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng trục lợi

Thời 4.0, “dịch vụ tâm linh" trực tuyến đang nở rộ và được quảng cáo mời chào công khai trên không gian mạng. Vào các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… không khó tìm ra những địa chỉ xem bói thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn lượt theo dõi như: “Hội review Coi Bói”, “Xem bói online chuẩn”, "Hội xem bói Hà Nội"…

Trước đây, muốn đi xem bói phải đến tận nơi để gặp “thầy”, giờ chỉ cần điện thoại thông minh, máy tính có kết nối Internet là có thể nhận được lời phán của “thầy” qua các ứng dụng trên mạng xã hội với đủ các dịch vụ tâm linh từ tử vi, tướng số, xem bói phong thủy, xem tuổi, chọn ngày đẹp… thậm chí nhiều “thầy” còn livestream xem bói trực tuyến.

Ðiều đáng nói, các "dịch vụ tâm linh" trực tuyến đang là mảnh đất màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan…

Chị Nguyễn Việt Tr, 28 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội kể, năm qua công việc làm ăn của chị gặp nhiều khó khăn, thua lỗ nên có sử dụng dịch vụ bói toán trên của một “thầy” trên tiktok, để xem công danh sự nghiệp và vận hạn trong năm nay thế nào.

Sau khi hỏi tên tuổi, năm sinh của chị Tr thì “thầy” phán một số thông tin miễn phí. Song khi chị Tr hỏi vào vấn đề chính thì “thầy” hướng dẫn để lại số điện thoại hoặc nhắn tin qua facebook, zalo để được tư vấn, xem kỹ hơn.

Chị Tr để lại số điện thoại, sau đó được một người gọi đến tư vấn các gói xem bói như: gói công danh sự nghiệp, gói tình cảm, gói tổng quan cả năm… mỗi gói sẽ có mức phí riêng từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, còn cam kết độ chính xác đến 85%. Người này còn giới thiệu cho chị Tr dịch vụ làm lễ giải hạn nếu có hạn, với phí từ 5 triệu đồng tùy từng lễ.

Hay như chị Đinh Thị Ph, 34 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, nghe bạn bè rủ vào facebook xem các “thầy” bói bằng chỉ tay. Chị Ph cũng hào hứng hưởng ứng, mọi trao đổi đều qua tin nhắn facebook, ban đầu chị Ph được xem miễn phí, nhưng nếu muốn được “thầy” xem kỹ hơn về tử vi, tướng số thì phải mất phí tối thiểu 300 nghìn đồng.

Không nên sa đà vào dịch vụ tâm linh trên mạng xã hội

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra các khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước các dịch vụ tâm linh lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi… Và đã có không ít các đối tượng “buôn thần bán thánh” bị CQCA xử phạt, nhưng kẻ xấu vẫn tiếp tục lợi dụng niềm tin mù quáng của nhiều người để thực hiện hành vi lừa đảo.

Như vụ cô đồng Trương Thị Hương, SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương nổi tiếng trên mạng xã hội với câu hot trend “đúng nhận, sai cãi” bị CA thị xã Kinh Môn phạt hành chính 7,5 triệu đồng vào đầu tháng 2/2023 về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc".

Cụm từ "đúng nhận, sai cãi" xuất phát từ câu cửa miệng của cô đồng online Trương Thị Hương thường xem bói bằng cách bổ cau, xem số mệnh, dự đoán về công việc, tình duyên, gia thế… Sau mỗi lần phán gia cảnh hay chuyện quá khứ của người đến xem bói, cô đồng này luôn có câu "đúng nhận, sai cãi", "đúng nhận, sai cãi cho tôi".

Đến tháng 8/2023, Trương Thị Hương bị CA thị xã Kinh Môn khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cô đồng này bị người dân tố cáo nhận 180 triệu đồng để cúng bán nhà, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Theo tài liệu điều tra, ngày 6/12/2022, anh T.T.X cùng mẹ đẻ đến nhà Trương Thị Hương xem bói, xem phong thủy và được cô đồng này gợi ý làm lễ, cầu bán nhà, cầu bình an với số tiền 270 triệu đồng. Khi anh X trình bày hoàn cảnh thì Hương giảm số tiền xuống còn 180 triệu đồng và hứa hẹn làm lễ xong, khoảng 28/12/2022, gia đình anh X sẽ bán được nhà.

Tuy nhiên, sau khi cúng về, anh X chờ đến hết tháng 12/2022 vẫn không bán được nhà. Nghĩ bị lừa, anh X đã làm đơn tố cáo lên CQCA về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của cô đồng Trương Thị Hương.

Vừa qua, CATP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cũng đã triệt phá một ổ nhóm lừa đảo bán vòng tay, bùa hộ thân, mặt phật gắn mác phong thủy… cho gần 60.000 người nhẹ dạ cả tin. Chủ mưu của ổ nhóm này là vợ chồng Dương Văn Cao và Hoàng Thị Mỹ Hằng, cùng SN 1997, trú tại phường Thanh Bình, TP Ninh Bình.

Các đối tượng này đã lập các nhóm trên mạng xã hội rồi lấy hình ảnh các cô đồng nổi tiếng để giả danh, lừa đảo. Các đối tượng còn chạy quảng cáo khiến trang cá nhân, hội nhóm của bọn chúng càng trở nên uy tín khiến rất nhiều người “sập bẫy”.

Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo, trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo hay các website, hàng loạt các cá nhân giả mạo sư thầy, thầy bói... xuất hiện tạo một “thị trường tâm linh” phủ đầy trên không gian mạng. Mỗi hội nhóm có thể lên tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia.

Mê tín dị đoan là khái niệm chỉ việc đặt niềm tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên, không có cơ sở khoa học một cách thái quá, cực đoan, mù quáng, như: tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép, thỉnh bùa cầu may. Không ít người đã tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh trên mạng vì tin theo lời bói toán vô căn cứ, dẫn tới hậu quả xấu cho bản thân và gia đình, mất thời gian, tiền của từ vài triệu đồng cho đến hàng tỷ đổng để mua về sự lo lắng, hoang mang.

Khi nhiều người dân tin tưởng một cách mù quáng vào vận may rủi, tạo ra nhiều cơ hội cho những đối tượng lợi dụng hình thức tâm linh online trục lợi, lừa đảo, vô hình trung đã khiến giá trị của tâm linh cũng bị biến tướng theo.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên quá sa đà vào hình thức tâm linh trên mạng xã hội. Người dân nên lựa chọn và tìm đến những địa chỉ uy tín, không nên quá tin tưởng vào những hình thức biến tướng về tâm linh trên không gian mạng. Người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên mạng xã hội.

(Còn nữa)

Những ai không muốn bị lừa đảo trên không gian mạng nên đọc ngay
Thủ tướng yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
8 cách đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên không gian mạng
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động