Thứ sáu 24/01/2025 04:09
Thiếu sân chơi tại các chung cư ở Hà Nội

Kỳ 2: “Bí bách” vì không có chỗ thư giãn, vui chơi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không có chỗ để vui chơi, những ngày trẻ con được nghỉ hè luôn đặt ra cho các gia đình một bài toán nan giải
Vỉa hè dưới chân các khu chung cư gần như được phủ kín bởi các hàng quán, chỗ đỗ xe. Ảnh: Duy Linh)
Vỉa hè dưới chân các khu chung cư gần như được phủ kín bởi các hàng quán, chỗ đỗ xe. Ảnh: Duy Linh

Trẻ em không có sân chơi

Dắt tay đứa cháu khoảng 3 - 4 tuổi xuống dưới sảnh chung cư, bà Nguyễn Thị Len (khu tái định cư Trung Hòa, Nhân Chính) thở dài ngán ngẩm với khung cảnh nhộn nhịp của hàng quán, của xe cộ đi lại. Khu vực vỉa hè, sân chung gần như không còn chỗ trống trong khi đứa cháu bà nũng nịu đòi được đi chơi.

“Tôi ở quê mới lên hỗ trợ các con trông cháu. Nay cháu mệt nên ở nhà không đi học, nhưng từ sáng đến giờ nó cứ nhấp nhổm đòi đi chơi, đi cầu trượt. Giá như ở quê thì còn có vườn tược, sân phơi, chứ ở đây tôi không biết đưa cháu đi đâu”, bà Len nói.

Bà bảo, hồi mới lên Hà Nội giúp con gái, bà cũng phấn khởi thấy Hà Nội sôi động, sầm uất. Ngay dưới chân chung cư con bà ở đầy đủ quán hàng ăn sáng, ăn trưa với đủ các món, quán cà phê, nước ép… cũng nhiều. Bà nghĩ rằng, như thế thì cuộc sống tiện quá rồi, bởi lẽ có nhỡ bữa cũng chẳng phải đi đâu xa.

Lúc bọn trẻ ở nhà, có nghĩa nhu cầu được chạy nhảy, được vui chơi tăng cao. Bà Len kể, bởi các con bà không muốn cho các cháu xem điện thoại, tivi nên khi trong căn hộ vỏn vẹn khoảng 60m2, bọn trẻ luôn tỏ ra chán nản, bí bức.

Cùng nỗi khổ như bà Len, anh Nguyễn Dũng, chung cư Hà Đô (Cầu Giấy) cho biết, ở khu chung cư nhà anh cũng thiếu hẳn các sân chơi cho trẻ nhỏ. “Khi mới mua nhà đâu có nghĩ nhiều thế, thấy phù hợp với tầm tiền mình có, vị trí địa lý cũng không quá xa nơi làm việc lại phố xá sầm uất thế mà mua thôi. Nhưng về ở rồi mới thấy bất tiện vì trẻ con không có sân chơi, người lớn, người già chẳng có chỗ mà tập thể dục”, anh nói.

Những ngày bọn trẻ nghỉ hè vợ chồng anh đều phải gửi các con về quê. Anh Dũng cho biết, đấy là phương án bắt buộc, bởi lẽ sân chơi ở khu dân cư không có, nhốt chúng cả ngày ở trong nhà cũng không được. Mà để chúng phụ thuộc điện thoại, tivi thì vợ chồng anh đều không thích nên đành xa con vài tháng.

“Nhiều gia đình để cho con chơi ở hành lang chung cư. Nhưng giải pháp đó cũng không phải là tối ưu, bởi ở một sàn đến hàng chục căn hộ, nhà có con nhỏ, nhà có người già, quan điểm và yêu cầu sống khác nhau. Người cao tuổi cần yên tĩnh, lũ trẻ lại ầm ĩ nô đùa nên việc xảy ra những mâu thuẫn do tiếng ồn cũng không ít trong khu chung cư của tôi”, anh Dũng than thở.

Người già không có chỗ để thư giãn

Không có quê để về như hai con anh Dũng, những ngày hè của bé Sơn 10 tuổi, con trai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ quanh quẩn trong nhà. Sợ con xem tivi, chơi điện tử nhiều ảnh hưởng sức khỏe, anh Hùng cho biết, anh thường xuyên cắt đường truyền Internet. Tuy nhiên, trước sự cấm đoán cực đoan của bố, bé Sơn thường cằn nhằn, nếu không cho nghịch điện thoại, xem tivi thì con biết làm gì, chơi ở đâu.

“Quả thực, những lời cằn nhằn của “ông” con khiến tôi giật mình. Khu chung cư tôi ở ngay sát đường phố, không có sân chơi cũng như gần công viên, nếu không cho chúng xem tivi hay chơi điện tử thì đúng là không biết chúng sẽ làm gì trong mấy tháng hè”.

Cũng như phần đông các cha mẹ có con đang sống ở các chung cư, chị Nguyễn Thị Nga khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ (Đại Kim, Hoàng Mai) cho biết, mặc dù biết hoạt động ngoài trời giúp con trẻ vận động và hạn chế được thiết bị điện tử, thế nhưng để có được một sân chơi trong khu dân cư này là rất khó.

Chiều đến trẻ em tại đây thường tận dụng lòng đường, vỉa hè để vui chơi và đá bóng. Thế nhưng không gian này nhỏ khiến cho các hoạt động thể chất của các con bị giới hạn rất nhiều. Mong ước có được một sân chơi đúng nghĩa đối với những đứa trẻ ở đây trở nên khá xa vời khi quỹ đất ngày càng eo hẹp.

Theo chị Nga, khi các con đá bóng, chị cũng đứng gần các con để quan sát, nhắc nhở, tuy nhiên cũng không tránh được nguy hiểm khi các con lơ là, thiếu chú ý bởi tại đây xe qua lại rất đông vào những giờ tan tầm.

Về vấn đề thiếu sân chơi nghiêm trọng ở khu chung cư mình ở, anh Lê Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, ở khu chung cư anh ở, nhiều em nhỏ nghỉ hè phải làm bạn với ti vi, chơi trò chơi điện tử hoặc phải đi học thêm để bố mẹ có thời gian đi làm. Không được giao tiếp với bạn bè, không được chạy nhảy, vui chơi để phát triển thể chất đã dẫn đến nhiều hệ luỵ như trẻ trở nên rụt rè, thiếu giao tiếp hơn. Đó là chưa kể do không được kiểm soát, nhiều trẻ tham gia những trò chơi bạo lực, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Theo anh Hoàng, sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do các cơ sở kinh doanh điện tử, internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè.

Ngoài việc thiếu sân chơi cho trẻ em, những người già tại các khu đô thị cũng thiếu hẳn đi khoảng không gian để vận động, thư giãn. Bà Len than thở, sống ở khu chung cư này, đến cả bà cũng thấy bí bức. “Nhiều khi muốn đi xuống dưới đường đi bộ, vung vẩy chân tay cho khỏe mà không dám vì chả có chỗ đi”, bà than.

Xách chiếc làn đi chợ buổi trưa về, bà Nguyễn Thị Thoa (quê Thanh Hóa), đang sống với con ở tòa chung cư trên đường Hoàng Đạo Thúy cho biết, bà ở đây với con trai được vài tháng rồi. “Lên hỗ trợ con cái khi bọn trẻ con nghỉ hè, giờ lũ trẻ đi học thì mai, kia tôi cũng về quê thôi”, bà nói và cho biết sở dĩ bà đòi về quê ngay cũng vì vốn quen cuộc sống ở quê rộng rãi, thoáng mát, lên Hà Nội được một thời gian bà thấy bí bức.

“Bước xuống sảnh chung cư là thấy đường xá, xe cộ. Ở đây chẳng có cái sân nào rộng rãi để tôi có thể đi bộ cho khỏe người cả.” Cái sân cách đây vài tòa nhà ở giữa có cái sân khá rộng, thế nhưng chỉ chòng chọc có cái sân gạch như thế. Buổi sáng thì người lớn tập thể dục, buổi tối bọn trẻ ở khu này hình như dồn hết ra đấy để chơi… “Thành phố sầm uất nhưng không phù hợp với người già chúng tôi. Cả ngày ngồi ở căn hộ chót vót trên cao như cái tổ chim thực sự bức bối”, bà Thoa cho hay.

(Còn nữa)

Kỳ 1: “Quên” đầu tư cho hạ tầng, sân chơi dần “biến mất”
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động