Thứ năm 23/01/2025 06:17
Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội: Văn hóa, nghệ thuật góp phần quan trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Kỳ 2: Sử dụng sức mạnh văn hoá để phát triển Thủ đô và đất nước vững mạnh hơn nữa trong tương lai

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,...của một quốc gia, lan tỏa lối sống văn minh, thanh lịch đến công chúng.
Kỳ 2: Văn hóa nghệ thuật - cái nôi nuôi dưỡng văn hóa người Hà Nội
Phim "Đào, phở và piano" gây sốt mạng xã hội nhiều ngày qua. Ảnh: Đoàn làm phim

Những tác phẩm văn hóa nghệ thuật về Hà Nội luôn có sức sống mãnh liệt

Những ngày gần đây, phim "Đào, phở và piano" gây sốt mạnh mẽ trên mạng xã hội với số lượng vé bán ra rất cao. Nhiều khán giả phản ánh phim khó đặt vé vì suất chiếu hạn chế, thậm chí website của nhà rạp bị sập vì lượng người truy cập đặt vé quá đông. Để đáp ứng nhu cầu xem phim của công chúng, Rạp Chiếu phim quốc gia thông báo mở thêm nhiều suất chiếu, từ 3 suất chiếu thành 18 suất hiện tại. Bên cạnh đó, một số hệ thống rạp tư nhân cũng quyết định chiếu phim này.

Phim do Nhà nước đặt hàng với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, từng được chiếu miễn phí tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm 2022 và Liên hoan phim Việt Nam năm 2023. Việc phim gây sốt cho thấy những bộ phim có đề lịch sử vẫn luôn có sức hút với khán giả.

Phim gây ấn tượng bởi khắc họa vẻ đẹp bi hùng của quân và dân Hà Nội trong những ngày đạn bom khói lửa của mùa xuân 1947. Càng trong điều kiện gian khó, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi chiến sĩ, người dân Thủ đô càng bùng cháy, thắp lên ngọn lửa đấu tranh kiên cường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Phim ghi dấu ấn bởi đưa những hình ảnh mang biểu tượng đặc trưng của Hà Nội. Đó là đào, phở và piano. Cành đào là món quà ngày Tết anh lính liều mình kiếm từ vườn đào Nhật Tân mang về trận địa, mong mang chút không khí ngày xuân cho các đồng đội.

Phở là biểu tượng của tinh hoa ẩm thực Hà thành, cũng là nỗi nhớ của mỗi người lính và người dân, ngay cả khi họ đang ở trong lòng Thủ đô. Phở cũng gắn liền với hình ảnh vợ chồng hàng phở nán lại Hà Nội thêm một đêm để nấu nồi phở phục vụ các chiến sĩ Cách mạng.

Cây đàn piano đại diện cho tình yêu nghệ thuật, ước nguyện hòa bình, tính cách lãng mạn của người Hà Nội. Dù trong điều kiện gian khó, những nét đẹp trong văn hóa vẫn được người dân Thủ đô giữ gìn.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng phim có những tìm tòi sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, đặc biệt là dấu ấn của đạo diễn Phi Tiến Sơn khi tạo ra một bộ phim thể hiện đúng tinh thần và khí chất của người Hà Nội những năm 1946-1947. Phim cũng từng đoạt Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại Đà Lạt hồi cuối năm ngoái.

Dù tái hiện lại giai đoạn lịch sử trong quá khứ nhưng phim vẫn mang nhiều giá trị ở thời điểm hiện tại. Đó là dù trong giai đoạn nào, tình yêu đất nước vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng, là động lực để mỗi người trong xã hội trân trọng quá khứ oai hùng của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, lan tỏa lối sống nhân văn, bác ái đến mọi người.

Kỳ 2: Văn hóa nghệ thuật - cái nôi nuôi dưỡng văn hóa người Hà Nội
Hai diễn viên chính Thùy Dương, Tiến Lộc của vở kịch "Trái tim người Hà Nội". Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội

Thời gian qua, Nhà hát Kịch Hà Nội không ngừng nỗ lực sáng tạo, mang đến những tác phẩm chất lượng đến khán giả. Một trong những tác phẩm tạo được tiếng vang của Nhà hát Kịch Hà Nội chính là vở kịch "Trái tim người Hà Nội". Đây là vở kịch mới nhất của Nhà hát Kịch Hà Nội, dựa theo tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, tác giả Phùng Nguyễn, NSƯT Tiến Minh làm đạo diễn, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chỉ đạo nghệ thuật.

Vở kịch “Trái tim người Hà Nội” là hành trình tìm lại quá khứ, tìm lại cuộc sống của Kiên – một người lính trở về từ cuộc chiến tranh tàn khốc. Đó là tuổi trẻ, là thanh xuân, là niềm vui, nỗi buồn, là những khát vọng, hoài bão và cả những mất mát, hy sinh mà Kiên cũng như đồng đội của anh đã đi qua trong bom đạn.

Chiến tranh lùi xa, người lính ấy trở về mang theo trái tim và tâm hồn không còn xuân trẻ nữa. Tất cả chỉ còn là miền ký ức, là hành trình trôi ngược: không gian, thời gian, sự đổ nát, chắp vá, vỡ vụn rồi sụp đổ,...Chiến tranh đã qua đi nhưng dư âm của nó thì luôn có sức hủy diệt và tàn phá tâm tưởng, những điều đã qua, đã mất nhưng vẫn còn sống mãi và tiếp diễn trong mỗi giây, mỗi phút, mỗi ngày của Kiên. Đó là sự đấu tranh, day dứt, dằn vặt, là sự giằng xé tâm can bởi cái chết, tình yêu, những lựa chọn, tiếc nuối và cả những lỗi lầm mà anh đã để lại trong chiến tranh,...

Không chỉ là đạo diễn của vở kịch, NSƯT Tiến Minh còn sáng tác một chùm ca khúc về tình yêu, về mùa thu, về Hà Nội dành tặng cho vở diễn.

Kỳ 2: Văn hóa nghệ thuật - cái nôi nuôi dưỡng văn hóa người Hà Nội
Vở diễn "Người Hà Nội" có sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu đến từng chi tiết của âm thanh, ánh sáng,... Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội

Vở diễn có sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu đến từng chi tiết của âm thanh, ánh sáng, tiếng động kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, bài trí sân khấu mới lạ tạo hiệu ứng thu hút và mãn nhãn người xem. Một không gian của Hà Nội, của mùa thu, của tình yêu, của những nỗi nhớ da diết, của những khắc khoải, nhớ nhung, của những năm tháng không thể nào quên,... đã thực sự đi sâu vào trái tim khán giả.

Nỗ lực trở thành điểm sáng văn hoá - nghệ thuật, điểm đến không thể thiếu của khán giả Thủ đô và các tỉnh thành

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nhấn mạnh: "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phướng hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021- 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành uỷ Hà Nội về việc phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn nỗ lực trở thành một điểm sáng văn hoá - nghệ thuật, một điểm đến không thể thiếu của khán giả Thủ đô và các tỉnh thành.

Theo NSND Trung Hiếu, Nhà hát Kịch Hà Nội từ những năm đầu thành lập đến nay luôn ý thức tìm kiếm những kịch bản viết về Hà Nội. Những vở diễn chính kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội có rất nhiều vở diễn được lấy cảm hứng và đề tài về mọi mặt của Hà Nội.

“Mỗi tác phẩm chứa đựng hơi thở của Thủ đô Hà Nội, tái hiện chân thực những năm tháng hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc của Thủ đô Hà Nội, những vị anh hùng lịch sử có công với đất nước, thể hiện sự bất khuất kiên cường nhưng cũng đầy chất thơ của những con người Hà Nội, như: vở diễn “Những người con Hà Nội”, “Tình sử ngàn năm”, “Hà thành chính khí”…

Những kịch bản sân khấu có chất lượng tốt về đề tài Hà Nội tuy khó tìm kiếm và lựa chọn nhưng vẫn luôn nằm trong định hướng của Nhà hát Kịch Hà Nội. Hình thức sân khấu biểu diễn sẽ giúp khán giả hiểu hơn về Thủ đô Hà Nội, được tiếp cận và yêu hơn văn hoá - lịch sử của Thủ đô Hà Nội nói riêng, của đất nước ta nói chung. Đồng thời, giới thiệu tới bạn bè thế giới, các khách du lịch nước ngoài về Thủ đô Hà Nội - một Thủ đô oai hùng trong lịch sử, lịch thiệp và hào hoa, một điểm du lịch và trải nghiệm nghệ thuật - văn hoá không thể không đến của Việt Nam ta”, NSND Trung Hiếu cho biết.

Kỳ 2: Văn hóa nghệ thuật - cái nôi nuôi dưỡng văn hóa người Hà Nội
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về hướng đi trong tương lai, NSND Trung Hiếu nhận định các tác phẩm nghệ thuật của Nhà hát Kịch Hà Nội với chất lượng nghệ thuật cao hoàn toàn tự tin thu hút các khán giả quốc tế. Đối với sân khấu kịch nói, ngôn ngữ không hề là rào cản không thể vượt qua đối với khán giả nước ngoài.

"Trên thực tế Nhà hát Kịch Hà Nội đã đón nhiều khách quốc tế là khán giả, là bạn diễn, là đạo diễn người nước ngoài. Họ vô cùng ấn tượng và hào hứng khi được xem các vở diễn mang màu sắc văn hóa và nghệ thuật truyền thống của đất nước ta, của Thủ đô ta. Hơn thế nữa, trong tương lai, Nhà hát Kịch Hà Nội cùng với các tác phẩm nghệ thuật mang bản sắc văn hoá Việt sẽ vươn tầm thế giới, đưa văn hoá Việt, bản sắc Việt đến gần hơn với thế giới, góp một phần tích cực xây dựng Thủ đô Hà Nội “văn minh - văn hiến - hiện đại”.

Nhà hát Kịch Hà Nội luôn tự tin về bề dày lịch sử hình thành và phát triển của Nhà hát, tự tin về chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm nghệ thuật cũng như tài năng của các nghệ sĩ qua từng thời kỳ của Nhà hát.

Tôi tin rằng, với sự đánh giá và nhìn nhận đúng đắn về sức mạnh của văn hoá - nghệ thuật đối với một quốc gia, chúng ta sẽ không chỉ tổ chức thành công được những sự kiện văn hoá nghệ thuật mang tầm cỡ quốc tế mà còn có thể sử dụng sức mạnh văn hoá để phát triển kinh tế - phát triển đất nước vững mạnh hơn nữa trong tương lai", NSND Trung Hiếu nhận định.

TS. Đỗ Thị Liên Vân - Phó trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết: “Theo tính toán, năm 2018, ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào GRDP TP, chiếm tỷ trọng 3,7%. Đây là con số còn nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng của văn hóa Hà Nội cũng như mục tiêu trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước như Chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ đã đề ra. Trong khi đó, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII diễn ra ngày 24/11/2021 đã chỉ rõ, đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam...”.

Như vậy, khơi dậy sức mạnh văn hóa không những là nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đặt ra, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô”.

(Còn nữa...)

Kỳ 1:  Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành phong trào trong Nhân dân Thủ đô Kỳ 1: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành phong trào trong Nhân dân Thủ đô
Thực hiện hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Thủ đô Thực hiện hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Thủ đô
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động