Thứ năm 23/01/2025 06:27
Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội: Văn hóa, nghệ thuật góp phần quan trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Kỳ 3: Nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mỗi nhà hát chính là kịch bản chất lượng. Thế nhưng, để lựa chọn được kịch bản tốt, phù hợp với đường hướng phát triển của đơn vị là điều không hề dễ dàng.
Kỳ 3: Nỗ lực vượt qua khó khăn
Vở kịch "Hà thành chính khí". Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội

Thiếu kịch bản hay

NSND Trung Hiếu cho biết hàng năm, Nhà hát Kịch Hà Nội nhận được nhiều kịch bản của các nhà viết kịch, nhà văn.… gửi đến đơn vị. Thế nhưng để lựa chọn được một kịch bản phù hợp đưa vào dàn dựng là một điều vô cùng khó khăn. Một số lý do chính dẫn đến việc thiếu kịch bản là do chất lượng kịch bản còn hạn chế hoặc kịch bản tốt nhưng chưa phù hợp với định hướng nghệ thuật của đơn vị.

Theo NSND Trung Hiếu, để có được một kịch bản chính kịch tốt cần một ngòi bút tốt, sắc sảo, am hiểu cuộc sống - văn hóa - lịch sử. Đối với kịch bản dành cho thiếu nhi hay kịch bản hài kịch dành cho người trưởng thành, đều có những tiêu chuẩn và yêu cầu khác nhau.

"Hiện trạng kịch bản còn hạn chế về mặt chất lượng có rất nhiều nguyên nhân. Những thế hệ nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của nước ta rất nhiều người đã cao tuổi hoặc không còn trên văn đàn, người còn người mất... Điều đó để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy không chỉ riêng với Nhà hát Kịch Hà Nội mà với tất cả giới nghệ thuật sân khấu.

Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật. Phần lớn do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết. Hơn thế, sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin khiến một bộ phận không nhỏ thế hệ người Việt mất đi văn hóa đọc, điều đó tác động rất lớn đến chất lượng và chiều sâu của các kịch bản hiện nay", NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.

NSND Trung Hiếu cũng nhận định đề tài về Hà Nội, về văn hóa, lịch sử còn hạn chế. Ngoài ra, kịch bản với chủ đề hiện đại của nhiều ngòi bút trẻ còn thiếu tính chặt chẽ.

"Kịch Hà Nội luôn mong muốn đi thẳng và trực diện vào những vấn đề nóng bỏng nhất, hiện thực nhất của xã hội hiện đại, những đề tài đi sâu khai thác tâm lý, những trăn trở và khát khao, những ước mơ hoài bão cũng như những toan tính, những khổ đau của con người trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại.

Tuy vậy, việc tiếp cận và thể hiện những chủ đề ấy cần chân thực nhưng không trần trụi, hiện thực cần được chắp thêm đôi cánh của sự lãng mạn, của niềm lạc quan và khát vọng. Đã có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà viết kịch trẻ gửi đến Nhà hát Kịch Hà Nội. Tuy vậy, những kịch bản ấy vẫn có nhiều điểm cần khắc phục như tính cách nhân vật xây dựng chưa nhất quán, tình huống kịch còn sơ lược, nội dung kịch chưa đủ chiều sâu, thông điệp chưa rõ ràng", NSND Trung Hiếu nhận định.

Kỳ 3: Nỗ lực vượt qua khó khăn
Nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ có tiềm năng vươn xa. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Chú trọng đào tạo tài năng trẻ

Với những lý do chính dẫn đến việc thiếu kịch bản, NSND Trung Hiếu nêu giải pháp cần định hướng và đào tạo một thế hệ trẻ có văn hóa đọc, tạo điều kiện cho những cây bút trẻ phát huy sáng tạo và sức trẻ.

NSND Trung Hiếu phân tích, để có được những tinh hoa dưới ngòi bút là cả một sự lắng đọng của chiều sâu, bề rộng của tri thức và nhận thức xã hội. Muốn làm được điều đó, cần có sự định hướng và nâng cao văn hóa đọc của thế hệ người Việt trẻ; tạo điều kiện cho những cây bút trẻ phát huy sáng tạo bởi chính họ sẽ là nhân tố chủ lực viết nên những kịch bản phản ánh đời sống hiện thực của xã hội Việt Nam đương đại.

Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng những kịch bản có đề tài hiện đại thường phản ánh chân thực cuộc sống và vấn đề còn nhức nhối, nóng hổi trong xã hội. Khi tiếp cận, dàn dựng, ban lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần có một cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng, xử lý một cách tinh tế, linh hoạt trên sân khấu biểu diễn.

Hơn nữa, việc lựa chọn kịch bản chất lượng không thôi chưa đủ mà các đơn vị cần phải xác định phong cách và định hướng nghệ thuật rõ ràng, đồng thời kiên định đi đúng định hướng ấy.

Nam nghệ sĩ lấy dẫn chứng Nhà hát Kịch Hà Nội là đơn vị nghệ thuật của Thủ đô nên luôn ưu tiên tìm kiếm những tác phẩm có đề tài về Hà Nội. Nhà hát gắn liền với các tác phẩm kịch chính luận, hiện thực lãng mạn mang tính biểu tượng cao như: Tôi và chúng ta, Cát bụi, Hà My của tôi, Ăn mày dĩ vãng, Mùa hoa sữa, Tình sử ngàn năm,… Những vở diễn chính luận của nhà hát luôn lột tả bản chất của hiện tượng xã hội, đi thẳng vào những vấn đề nóng hổi, nhức nhối trong đời sống xã hội hiện đại.

Theo NSND Trung Hiếu, các đơn vị nghệ thuật cũng cần chú trọng đầu tư đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ. "Đối với sự phát triển và nâng cao trình độ, nâng cao kiến thức là điều nên làm định kỳ, có định hướng và kế hoạch hàng năm. Bởi đối với một số loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc thù, độ tuổi nghề của các nghệ sĩ có giới hạn nhất định.

Chính vì vậy, việc chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo thêm nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ được mở mang tầm mắt, được tiếp xúc và được giao lưu với nhiều nghệ sĩ tài năng, các nền nghệ thuật của các quốc gia khác trên thế giới.

Những hình thức học chuyển đổi - giao lưu sinh viên giữa các trường đại học hiện đã khá phổ biến tại Việt Nam, rất nhiều chương trình du học tại chỗ với chương trình học - giáo viên - bằng chứng nhận quốc tế… của các chuyên ngành đã được liên kết giữa các nước.

Tuy vậy, những chuyên ngành liên quan đến nghệ thuật biểu diễn hầu như không có, đó cũng sẽ sự thiết hụt và cần có đối với các nội dung đào tạo dành cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ của nước ta.

Những chương trình nghệ thuật biểu diễn giao lưu giữa các đơn vị nhà hát tiêu biểu của các quốc gia cũng cần có sự kết nối và hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành. Cơ hội được tiếp cận và thưởng thức những buổi biểu diễn chất lượng cao và nổi tiếng của các Nhà hát, các đơn vị nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới sẽ tạo thêm nhiều động lực, cảm hứng sáng tạo và tư duy làm việc cho các đơn vị nghệ thuật trong nước ta", NSND Trung Hiếu phân tích.

Kỳ 3: Nỗ lực vượt qua khó khăn
Một vở kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Cũng theo NSND Trung Hiếu, các đơn vị nghệ thuật cần tìm cách tiếp cận khán giả theo phương thức mới mẻ, hiệu quả hơn. Thời gian qua, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng có cách tiếp cận mới, sân khấu hóa các tác phẩm văn học và chương trình học lịch sử các cấp. Đề án "Sân khấu kịch học đường" của Nhà hát đưa nghệ thuật biểu diễn - văn học - lịch sử đến gần hơn với thế hệ học sinh các cấp.

Nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030" cho thấy, chuyển đổi số trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là con đường tất yếu của sự phát triển nghệ thuật biểu diễn trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay.

Thời gian qua, các đơn vị nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đều tích cực xây dựng, phát triển các trang mạng xã hội như Facebook, Tik Tok, Zalo hoặc trên các nền tảng công nghệ số khác nhau của nhà hát để thông báo lịch diễn, giới thiệu các chương trình cho khán giả. Một số nhà hát còn phát trực tiếp những trích đoạn vở diễn lên mạng xã hội để phục vụ các khán giả ở xa.

(Còn nữa...)

Kỳ 1:  Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành phong trào trong Nhân dân Thủ đô Kỳ 1: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành phong trào trong Nhân dân Thủ đô
Kỳ 2: Sử dụng sức mạnh văn hoá để phát triển Thủ đô và đất nước vững mạnh hơn nữa trong tương lai Kỳ 2: Sử dụng sức mạnh văn hoá để phát triển Thủ đô và đất nước vững mạnh hơn nữa trong tương lai
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động