Thứ sáu 21/02/2025 02:57
“Bẫy tâm linh” thời công nghệ

Kỳ 3: Phối hợp chặt chẽ với các nền tảng trực tuyến

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước tình trạng các dịch vụ tâm linh trực tuyến bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đưa ra cảnh báo về các hình thức lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là lừa đảo tâm linh diễn ra khá phức tạp bởi những chiêu trò lừa đảo nhắm vào một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về công nghệ.
Một vật phẩm của nhóm đối tượng Đỗ Ngọc Anh dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công  cung cấp
Một vật phẩm của nhóm đối tượng Đỗ Ngọc Anh dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an cung cấp

28.000 người sập bẫy lừa đảo tâm linh

Mới đây, tại tỉnh Thái Nguyên, một đường dây lừa đảo tâm linh quy mô lớn đã bị triệt phá. Nhóm đối tượng này đã lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của 28.000 nạn nhân, với tổng số tiền lên đến hơn 8 tỷ đồng, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này.

Theo Công an (CA) tỉnh Thái Nguyên, từ tháng 10/2024, qua thông tin của quần chúng Nhân dân, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CA tỉnh Thái Nguyên xác định có một nhóm đối tượng chuyên sử dụng điện thoại gọi cho người dân, tự xưng là “cô đồng” ở một số cơ sở tín ngưỡng, lợi dụng lòng tin tâm linh của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - CA tỉnh lập chuyên án đấu tranh.

Lực lượng CA xác định các đối tượng phạm tội sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ngày 27/12/2024, CA tỉnh Thái Nguyên phối hợp với CA tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm tra hành chính, khám xét khẩn cấp chỗ ở, phương tiện của 3 đối tượng: Đỗ Ngọc Anh, SN 1996; Đinh Thế Anh, SB 1993; Nguyễn Thị Lựu, SN 1986, cùng trú tại tỉnh Tuyên Quang và 26 đối tượng có liên quan (là các nhân viên trực tiếp gọi điện cho người dân).

Qua khám xét, cơ quan điều tra phát hiện, tạm giữ 14 máy tính và 32 tai nghe, 96 điện thoại di động các loại, 197 sim điện thoại, các tài liệu là kịch bản lừa đảo để các nhân viên gọi điện cho người dân.

Để lừa đảo thành công, các đối tượng đã xây dựng kịch bản lời thoại chi tiết, tình huống phát sinh và đưa cho các nhân viên gọi đến khách hàng. Khi gọi điện, chúng tự nhận là “cô đồng” tại các chùa, đền; dọa dẫm người dân về việc họ có các vấn đề về tâm linh như: có vong theo, vận hạn liên quan đến sức khỏe, tài chính…; mời chào, dụ dỗ người dân làm lễ giải hạn hoặc nhận các vật phẩm phong thủy.

Các đối tượng đưa ra thông tin về việc những vật phẩm phong thủy này đã được làm lễ, “trì chú”, “mở cung tài lộc” tại các đền, chùa và có khả năng hỗ trợ người dân được bình an, mạnh khỏe, thuận lợi; yêu cầu người dân phải trả “tiền công đức, ủng hộ nhà chùa, nhà đền” với số tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/vật phẩm phong thủy.

Qua điều tra, lực lượng CA xác định từ tháng 4 đến tháng 12/2024, Đỗ Ngọc Anh đã điều hành 3 nhóm với trên 30 nhân viên tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 28.000 trường hợp trong cả nước, với tổng số tiền chiếm đoạt của các bị hại là trên 8 tỷ đồng.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ, dữ liệu thu thập được, Cơ quan CQĐT CA tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", khởi tố 25 đối tượng trong vụ án và đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Đối tượng Đỗ Ngọc Anh tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an cung cấp
Đối tượng Đỗ Ngọc Anh tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an cung cấp

Dấu hiệu nhận biết các mánh khóe lừa đảo

Chuyên gia tội phạm học Thượng tá, TS. Đào Trung Hiếu cho biết, các hình thức lừa đảo tâm linh không phải là vấn đề mới nhưng đang ngày càng biến tướng, tinh vi hơn. Ngoài những chiêu trò quen thuộc như cúng sao giải hạn, gọi vong, vay tài lộc đầu năm, các đối tượng lừa đảo hiện nay đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để gia tăng mức độ tinh vi. Họ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo nội dung, livestream trên các nền tảng như: facebook, tiktok, zalo… nhằm đánh vào tâm lý mong cầu bình an, tài lộc của người dân.

Một số đối tượng còn giả mạo tài khoản của các cơ sở thờ tự hợp pháp để kêu gọi quyên góp từ thiện, tổ chức lễ cúng online nhưng thực chất không có bất kỳ hoạt động nào diễn ra. Một trong những thủ đoạn phổ biến là sử dụng các thông điệp chung chung nhưng đánh trúng tâm lý lo sợ của nạn nhân. Chẳng hạn, các đối tượng có thể phán rằng gia đình đang có "vong theo", "năm nay là năm hạn", "cần làm lễ cắt duyên âm kẻo gặp đại họa", từ đó dụ dỗ nạn nhân bỏ tiền ra để làm lễ giải hạn.

Ngoài ra, nhiều đối tượng còn quảng cáo vật phẩm phong thủy với công dụng "thần kỳ" nhằm bán với giá cắt cổ. Chúng cũng lập ra những hội nhóm trên mạng xã hội, đăng tải các nội dung hấp dẫn để thu hút người nhẹ dạ sập bẫy.

Theo TS. Đào Trung Hiếu, việc điều tra, xử lý các hành vi trục lợi tâm linh hiện nay gặp không ít khó khăn. Một trong những trở ngại lớn nhất là thiếu bằng chứng cụ thể. Thông thường, cơ quan chức năng chỉ tiếp cận vụ việc thông qua trình báo của nạn nhân. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ lại rất khó khăn, bởi các giao dịch đều diễn ra trên không gian mạng.

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản ảo, khi bị phát hiện có thể ngay lập tức lập tài khoản mới để tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều người dù bị lừa nhưng không dám trình báo vì cảm thấy xấu hổ hoặc không nhận thức được mình đã trở thành nạn nhân. Đây chính là yếu tố khiến loại tội phạm này tiếp tục hoành hành.

Nhằm đảm bảo việc thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025, ngày 5/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, lễ hội để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và cờ bạc. Tuy nhiên, do các đối tượng lừa đảo đang chuyển hướng sang môi trường trực tuyến, việc quản lý sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

(Còn nữa)

"Cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nền tảng trực tuyến như: facebook, tiktok, zalo… nhằm kiểm soát và xử lý các nội dung liên quan đến hoạt động tâm linh. Có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát và xử lý các nội dung vi phạm pháp luật. Khi phát hiện các tài khoản đăng tải nội dung lừa đảo, cần đánh sập ngay lập tức để ngăn chặn hành vi trục lợi" – TS. Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Kỳ 1: Các chiêu trò lừa đảo “nở rộ”
Kỳ 2: Sập bẫy vì niềm tin mù quáng
Lê Mận
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động