Kỳ 3: Sự lãng phí lớn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh nhếch nhác thường thấy ở các khu biệt thự bỏ hoang. Ảnh: Duy Linh |
Phá vỡ quy hoạch, lãng phí tài nguyên đất
Việc đáp ứng nhu cầu của người dân, các chủ đầu tư đón đầu xây dựng lên những khu đô thị “đáng sống” hoặc “trong mơ” là điều chính đáng. Thay bằng cảnh đông đúc, chen chúc trong những căn nhà nhỏ hẹp giữa phố xá đông đúc, được sinh sống ở một khu đô thị thoáng đãng, rộng rãi, đồng bộ từ thiết kế nhà ở đến tiện ích là mong ước của không ít người.
Thế nhưng, việc đầu tư xây dựng những khu đô thị với những căn nhà liền kề, biệt thự là phân khúc cần đầu tư số vốn rất lớn, diễn ra trong thời gian dài và rất khó dự báo nhu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những lý do khiến hàng chục các khu đô thị, biệt thự, nhà ở sang trọng vắng bóng người ở dù đã trải qua cả thời kỳ bất động sản sôi động hay khi thị trường đóng băng.
Theo Thông cáo 04/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV năm 2023 và cả năm 2023, căn cứ số liệu báo cáo của 53/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong quý IV vào khoảng 16.315 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư 2.826 căn; nhà ở riêng lẻ 5.173 căn; đất nền 8.316 nền. Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý IV bằng khoảng 88,42% so với quý III/2023; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% so với quý III/2023 và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93% so với quý III/2023.
Với thông tin trên, người ta sẽ rõ trong phân khúc nhà ở riêng lẻ chủ yếu là khu biệt thự, nhà ở cao cấp. Và một điều chắc chắn, từ khâu giải phóng mặt bằng, thiết kế, đầu tư xây dựng, chủ đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Đối với chủ đầu tư, biệt thự không bán được là một thất bại trong kinh doanh. Ôm một đống hàng tồn mà không thể bán tống bán tháo, chủ đầu tư có thể khiến DN “chết” trên đống tài sản…
Đối với xã hội, lượng tiền khổng lồ bỏ ra đó không luân chuyển, phát huy hiệu quả là một sự lãng phí lớn. Trong số những nhà đầu tư vào phân khúc biệt thự, cũng có không ít người đã chịu thua lỗ do thiếu kinh nghiệm, hoặc khi bong bóng bất động sản tan vỡ. Hệ quả là số vốn vay mượn đầu tư, giờ là những căn biệt thự, nhà cao cấp hoang hóa, xuống cấp, bán không được, giữ lại cũng không xong.
Tình trạng biệt thự bỏ hoang tại các khu đô thị mới đang ngày càng phổ biến, gây lãng phí nghiêm trọng tài nguyên đất. Quỹ đất là tài nguyên quý giá, đặc biệt là tại các TP lớn, nơi dân số đông đúc và quỹ đất hạn hẹp. Việc xây dựng những khu đô thị với hàng trăm căn biệt thự bỏ hoang đồng nghĩa với việc hàng nghìn mét vuông đất đai đang bị lãng phí, không được sử dụng cho mục đích nào.
Nghịch lý và mất cân đối trong phát triển xã hội
Ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô, những khu đô thị bỏ hoang còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy đến đời sống, an ninh trật tự.
Theo anh Nguyễn Đăng Thanh, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, các khu đô thị ở khu vực anh ở, thay vì một dự án đô thị hiện đại với hệ thống nhà ở, tiện ích vượt trội cho người dân, thì giờ đây, các căn nhà biệt thự chưa được hoàn thiện, trơ trọi, hoang phế trong khu đất rộng lớn.
“Rất nhiều khu đô thị như thế này, trước đây từng là đất bờ xôi, ruộng mật, là nơi canh tác của nhiều hộ dân. Sau hàng chục năm thu hồi, thay vào đó là khu biệt thự, nhà ở hoang hóa. Trong khi đó, đất nông nghiệp bị thu hẹp, nhiều người cầm được chút tiền đền bù nhưng do suy nghĩ còn đơn giản, tư duy kinh doanh làm ăn không có nên chả mấy chốc đã tiêu hết tiền vào mua cái xe, xây cái nhà lên cho to đẹp. Để sau rồi tiền hết, công ăn việc làm không có, ruộng đất cũng không còn, lại phải bỏ xứ đi làm ăn xa”, anh Thanh cho hay.
Thực tế, tình trạng bỏ hoang biệt thự trong các khu đô thị không phải là cá biệt, thậm chí có thể thấy xuất hiện ở hầu hết trong dự án các khu đô thị mới. Sự tồn tại của các biệt thự này không chỉ lãng phí về quỹ đất mà còn thể hiện sự quy hoạch vô lối, làm nhếch nhác bộ mặt đô thị và tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội phát triển.
Những căn biệt thự bỏ hoang tạo nên một cảnh quan nhếch nhác, thiếu văn minh. Cỏ dại mọc um tùm, rác thải bừa bãi, nhà cửa xuống cấp là hình ảnh thường thấy tại những khu vực này. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị, làm giảm giá trị của những khu vực xung quanh.
Hơn nữa, những khu biệt thự bỏ hoang, do có ít người qua lại, sinh sống có thể là nơi ẩn náu của các tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma túy... Đây là mối nguy hại lớn cho an ninh trật tự, gây bất an cho người dân sống xung quanh.
Đồng thời, việc hàng nghìn căn biệt thự hay căn hộ hạng sang có giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn bị bỏ hoang đang tạo ra rất nhiều nghịch lý và mất cân đối trong phát triển xã hội.
Hàng nghìn căn nhà, biệt thự thì bị bỏ hoang, trong khi còn nhiều gia đình vẫn chật vật kiếm tiền để mưu sinh, nhồi nhét nhau trong căn nhà vẻn vẹn vài mét vuông, hoặc hàng ngày ngước mắt lên các chung cư san sát để ước ao có một chốn an cư.
Thực tế, tình trạng bỏ hoang biệt thự trong các khu đô thị không phải là cá biệt, thậm chí có thể thấy xuất hiện ở hầu hết trong dự án các khu đô thị mới. Sự tồn tại của các biệt thự này không chỉ lãng phí về quỹ đất mà còn thể hiện sự quy hoạch vô lối, làm nhếch nhác bộ mặt đô thị và tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội phát triển. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Đất vàng bị bỏ hoang… |
Kỳ 2: Biệt thự triệu đô trở thành “nhà trọ giá rẻ” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại