Thứ năm 23/01/2025 06:26
Giấc mơ an cư và cuộc chiến với giá nhà

Kỳ cuối: Cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để giải quyết thực trạng giá nhà mãi tăng cao một cách bất ổn, theo các chuyên gia, thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Khu nhà ở tái định cư Thượng Thanh (Long Biên) bỏ hoang trong khi nguồn cung nhà ở đang thiếu hụt. Ảnh: Duy Linh
Khu nhà ở tái định cư Thượng Thanh (Long Biên) bỏ hoang trong khi nguồn cung nhà ở đang thiếu hụt. Ảnh: Duy Linh

Tăng nguồn cung các sản phẩm nhà ở từ việc cải tạo chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội

Về thực trạng giá nhà mãi tăng cao vượt xa khả năng tiếp cận của người dân, TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường bất động sản đang tồn tại một nghịch cảnh trớ trêu, trong khi nhiều người dân chật vật không mua nổi một căn nhà, mảnh đất thì có một lượng lớn nhà đất hoang hóa lại đang thuộc sở hữu của những người dư dả tài chính.

Việc đó thể hiện ở việc dân số Hà Nội ngày một tăng, nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân là nhu cầu thực. Nhưng với nhiều người, việc để sở hữu một nơi chốn an cư cho gia đình mình quá xa vời khi mà cố mãi thì mức thu nhập cũng không theo kịp giá nhà.

Thế nhưng trong tình trạng Thủ đô mỗi năm thiếu hụt đến 50 nghìn căn hộ, thì vẫn có hàng nghìn căn “nhà hoang”, “ biệt thự hoang” tại các “khu đô thị hoang”.

Đơn cử như khu đô thị Sài Đồng, khu nhà ở tái định cư Thượng Thanh (Long Biên), khu tái định cư N01 Duy Tân, dự án nhà ở tái định cư A14 Khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy), khu tái định cư phường Trần Phú (Hoàng Mai) hay các khu biệt thự/liền kề như Gelexcimco (Hà Đông), Lideco (Hoài Đức), Ngôi Nhà mới (Quốc Oai), khu đô thị Foresa Xuân Phương (Nam Từ Liêm), khu đô thị Vườn Cam (Hoài Đức)…

Theo TS Nguyễn Văn Đính, việc này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn tạo ra bất công xã hội, khi nguồn cung nhà đất đang ngày một khan hiếm, vẫn tiếp tục “rơi” vào tay những người dư dả tài chính.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản. Song song với việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) tại các đô thị cần phát triển hạ tầng kết nối, dịch chuyển nhu cầu nhà ở từ vùng lõi trung tâm sang vùng lân cận, nơi có mức giá phải chăng.

Đồng thời, phải có cơ chế điều tiết nhằm giảm bớt yếu tố đầu cơ, giúp thị trường bất động sản cân bằng về mặt dài hạn. Hiện, với các doanh nghiệp phát triển dự án, quy định xử phạt đối với các mảnh đất bỏ hoang, "găm hàng" dự án có thể bị thu hồi.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp, muốn giá bán nhà được sớm bình ổn, Nhà nước cần phải có chính sách để tăng nguồn cung các sản phẩm nhà ở từ việc cải tạo chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án NƠXH.

Theo đó, đối với công tác cải tạo chung cư cũ, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP thì công việc này đã có sự cải thiện rõ rệt, nhưng đến nay chỉ mới có một số chung cư cũ nguy hiểm cấp D có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại còn hầu hết vẫn đang phải chờ đợi. Nếu được triển khai theo đúng kế hoạch đây chắc chắn sẽ là nguồn cung lớn cho nhà ở phân khúc vừa túi tiền với người dân, đồng thời góp phần cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị.

“Đối với Đề án phát triển 1 triệu căn NƠXH thì cần có một quỹ đầu tư riêng, nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án NƠXH. Kèm theo đó là đơn giản hóa tối đa trình tự, quy trình thủ tục triển khai các dự án” - ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Ảnh chụp chung cư Le Grand Jardin (KĐT Sài Đồng, Long Biên). Ảnh: Duy Linh
Ảnh chụp chung cư Le Grand Jardin (KĐT Sài Đồng, Long Biên). Ảnh: Duy Linh

Công khai thông tin về thị trường bất động sản

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động triển khai thực hiện các quy định liên quan đến thị trường bất động sản và đã đạt được một số kết quả nhất định như gia tăng nguồn cung, giao dịch tăng lên tại một số phân khúc phục vụ nhu cầu ở.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa ổn định và vi phạm vẫn xảy ra ở một số địa phương. Một số nhà đầu tư và môi giới bất động sản đang gây nhiễu loạn thông tin bằng cách tung tin đồn và thực hiện các giao dịch mua bán nhiều lần để đẩy giá lên cao nhằm trục lợi.

Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư ở một số dự án và nhà ở riêng lẻ ở các khu vực như Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, và Hoài Đức đang tăng bất thường so với tình hình thực tế và nhu cầu của người dân.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, một số trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện vùng ven Hà Nội có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Do đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tập trung kiểm tra và rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới tại địa phương. Đồng thời, các đơn vị cần kiểm soát việc mua bán trao tay nhiều lần, đặc biệt ở những khu vực, dự án hoặc khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường. Các cơ quan thanh tra cũng cần có biện pháp xử lý các hành vi thổi giá, làm giá và đầu cơ, đồng thời xử lý các vi phạm pháp luật liên quan theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động giá của từng loại hình bất động sản như chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất ở trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua. Kiểm soát chặt chẽ việc phân lô, bán nền theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng người dân để đất trống, thực hiện hành vi đầu cơ, mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Ngoài các biện pháp quản lý, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các địa phương công khai thông tin về thị trường bất động sản. Đồng thời, cần công bố rõ ràng các thông tin về chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng, cũng như việc sáp nhập, thành lập hoặc nâng cấp các đơn vị hành chính tại địa phương.

Song song với đó, UBND các tỉnh cần công bố thông tin về các dự án bất động sản đã được phê duyệt và các chủ đầu tư đủ điều kiện huy động vốn theo quy định. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản.

Với động thái mới nhất của Bộ Xây dựng ở trên, hy vọng thị trường bất động sản sẽ sớm bình ổn. Để ước mơ có nhà của người dân có điều kiện để trở thành hiện thực.

Kỳ 1: Chung cư giá rẻ đã không còn rẻ
Kỳ 2: Bỏ giấc mơ an cư giữa “cơn bão” giá nhà
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động