Thứ năm 23/01/2025 06:25
Dự án đường Vành đai 4 - bệ phóng quan trọng phát triển Vùng Thủ đô

Kỳ cuối: Con đường nhiều gian khó nhưng bản lĩnh vượt qua, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khởi công nhưng những chặng đường tiếp theo để đưa đường Vành đai 4 đi vào hoạt động vẫn còn rất nhiều gian khó. "Kết quả khởi công hôm nay mới là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Kỳ cuối: Con đường nhiều gian khó nhưng bản lĩnh vượt qua, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo TP Hà Nội cùng các Bộ ngành liên quan thực hiện nghi thức nhấn nút chính thức khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Kinh nghiệm chuẩn bị, triển khai dự án

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh sau 1 năm 9 ngày, dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023). Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó TP Hà Nội đạt trên 84%, cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%.

Kỳ cuối: Con đường nhiều gian khó nhưng bản lĩnh vượt qua, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Tại buổi Lễ khởi công dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo một số kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Một là, phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân; với tinh thần lấy kết quả thực hiện dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của TP.

“Huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ TP đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và người dân”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Hai là, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. TP đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của dự án (TP Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về dự án đường Vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ 24 đến 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị).

Ba là, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, TP Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”.

Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, TP Hà Nội đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Để đạt được những kết quả quan trọng ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 3 tỉnh, TP là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các quận, huyện có dự án đi qua. “Đặc biệt, tôi xin ghi nhận và chân thành cảm ơn sự đồng lòng, ủng hộ và sẻ chia của những hộ dân đã bàn giao đất để phục vụ xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội”, đồng chí Trần Sỹ Thanh bày tỏ.

Vượt nắng, thắng mưa, hành động quyết liệt, tăng cường giám sát

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới.

Để có đủ điều kiện khởi công 2 dự án này, các cấp, các ngành, các địa phương được giao là cơ quan chủ quản đã phải triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn: Từ công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán đến lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng… Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, trong đó có việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và phân cấp thực hiện.

Kỳ cuối: Con đường nhiều gian khó nhưng bản lĩnh vượt qua, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thủ tục để khởi công đúng hẹn. Ảnh: Khánh Huy

Thủ tướng nhận định: "Kết quả khởi công hôm nay mới là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn". Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan tiếp tục bám sát tiến độ, sự phân cấp, phân quyền, rà soát lại các công việc để bố trí thời gian, nguồn lực, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo.

Thứ 2, tiếp tục công việc giải phóng mặt bằng, tái định cư với nguyên tắc xuyên suốt là cuộc sống tại nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.

Thứ 3, chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các cấp các ngành, nhất là ở cơ sở. "Đây là một khâu mà tôi đi kiểm tra trong 2 năm nay thì thấy hay ách tắc mà phải giải quyết ngay tại hiện trường, vì một số quy định của chúng ta còn chồng chéo, chưa đúng bản chất", Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải quan tâm, tích cực giải quyết vấn đề nguyên vật liệu cho dự án. Cần tránh tham nhũng, tiêu cực trong khai thác nguyên vật liệu thông thường (đất, đá, cát, sỏi).

Thứ 4, thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng tác động của các điều kiện thời tiết. Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta phải vượt nắng, thắng mưa, thực hiện 3 ca 4 kíp". Kinh nghiệm của các dự án đạt, vượt tiến độ vừa qua là phải vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ.

Thủ tướng đề nghị các Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường), các ngành và các tỉnh, TP được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, thành lập các ban quản lý dự án.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập khi triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước, các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, TP cần tích cực đi kiểm tra, đôn đốc, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo ngay.

Thủ tướng cũng lưu ý khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều nhưng khó khăn hơn, đòi hỏi quyết tâm hơn. "Các đồng chí phải kiểm tra thường xuyên nơi ở mới của người dân thực sự đã bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ chưa, chứ không phải người dân đã di dời thì coi như xong việc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước ta là sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước ta là chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, là sự ấm no hạnh phúc của người dân. "Không phải chỉ nói trên hội trường, trên diễn đàn cho xong mà nói phải làm, cam kết phải thực hiện".

Thủ tướng yêu cầu các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tăng cường nâng cao trách nhiệm của mình, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cùng với các địa phương và các đơn vị có liên quan.

Mỗi cá nhân có liên quan tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, đồng lòng chung sức giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ, thuật mỹ thuật, vệ sinh môi trường.

Để triển khai thành công các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh khâu nào cũng quan trọng, không thể bỏ qua nhưng có 2 khâu quan trọng hơn, mang tính nền tảng là bố trí vốn đầy đủ và mặt bằng đủ điều kiện thi công và 6 yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt để dễ thực hiện, dễ kiểm tra.

Thứ nhất, phải bảo đảm chất lượng. Thứ 2 là bảo đảm tiến độ. Thứ 3, phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh và an toàn lao động. Thứ tư, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Thứ 5 là không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu. Thứ 6 là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

"Tinh thần là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy, tăng cường giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình tổ chức, thi công và đặc biệt quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã nhường chỗ ở, nơi canh tác, làm việc của mình cho dự án", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khởi công nhưng những chặng đường tiếp theo để đưa đường Vành đai 4 đi vào hoạt động vẫn còn rất nhiều gian khó. Tuy nhiên, với sự vào cuộc vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, dự án đường Vành đai 4 đang từng bước được hiện thực hóa, thể hiện tầm nhìn và khát vọng vươn lên, xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, là bệ phóng cho sự phát triển của Vùng Thủ đô và đất nước.

Nhân dân phấn khởi, ủng hộ và kỳ vọng vào thành công của dự án đường Vành đại 4 - Vùng Thủ đô

Anh Nguyễn Văn Tưởng (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: "Việc khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là hết sức cần thiết bởi dự án sẽ là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt đời sống của người dân Thủ đô. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh, TP trong vùng, giao thông cũng trở nên thuận lợi hơn,... Bản thân tôi và nhiều người dân mong rằng sau ngày khởi công, dự án sẽ được triển khai nhanh chóng, chuyên nghiệp, đúng theo kế hoạch và đảm bảo tiến độ đến năm 2027, đường Vành đai 4 sẽ đi vào hoạt động, mang lại những giá trị to lớn, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và đất nước, đời sống của người dân cũng được nâng cao".

Chị Nguyễn Thu Hương (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: "Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thành công sẽ giúp giảm thiểu những áp lực lớn về giao thông cho Thủ đô, đồng thời thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư, giúp kinh tế các vùng trong khu vực có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh".

Kỳ 1: Vai trò trọng điểm quốc gia, cụ thể hóa Nghị quyết XIII của Đảng
Kỳ 2: Những thách thức trong quá trình triển khai dự án
Kỳ 3: Khó đến đâu, gỡ đến đó, chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu
Kỳ 4: Xây dựng đường Vành đai 4 là nhiệm vụ chính trị, đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa
Thái Phương - An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động