Thứ năm 13/02/2025 13:06
Lừa đảo trực tuyến hay sự hấp dẫn của “việc nhẹ lương cao”

Kỳ cuối: Tự bảo vệ trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng tại Việt Nam đã khiến người dân tổn thất số tiền lớn, thế nhưng việc truy hồi, tìm lại tài sản cho người dân lại vô cùng khó khăn.
Các đối tượng dùng công nghệ Deepfake giả danh Công an để lừa đảo. Ảnh: Công an cung cấp
Các đối tượng dùng công nghệ Deepfake giả danh Công an để lừa đảo. Ảnh: Công an cung cấp

Khó khăn trong việc truy hồi, tìm lại tài sản

Thống kê năm 2023 cho thấy đã có 1.500 vụ án lừa đảo trên không gian mạng bị khởi tố, tuy nhiên có đến hơn 75% số vụ phải tạm đình chỉ điều tra hoặc gia hạn điều tra do không xác định được thủ phạm. Vì vậy, việc truy hồi, tìm lại tài sản cho người dân trong các vụ lừa đảo qua mạng trở nên vô cùng khó khăn.

Thực tế này được Bộ Công an xác nhận. Theo đó, mặc dù lực lượng chức năng đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, góp phần kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này và ổn định trật tự an toàn xã hội, nhưng công tác điều tra, xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong bài viết của mình, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã chỉ ra rằng, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Phần lớn người dân thiếu cảnh giác với tội phạm, thiếu kiến thức về bảo mật thông tin và ngại trình báo vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín hoặc mất thời gian. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân không kịp thời trình báo đến CQCA, tạo điều kiện để đối tượng lừa đảo có thời gian tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu và vật chứng, gây khó khăn cho công tác điều tra và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Hoạt động triển khai công tác nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn do các đối tượng, đường dây, ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường hoạt động từ nước ngoài, đặt ra thách thức lớn trong quá trình điều tra và đấu tranh.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng… vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc quản lý hoạt động của các DN cung cấp dịch vụ viễn thông - Internet, dịch vụ OTT và dịch vụ ngân hàng trong và ngoài nước còn nhiều sơ hở, thiếu sót. Hiện chưa có các biện pháp hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ việc cấp mở tài khoản ngân hàng, SIM không chính chủ, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để che giấu danh tính.

Nhóm đối tượng chuyên giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của các bị hại bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp
Nhóm đối tượng chuyên giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của các bị hại bị Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp

Các đối tượng thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường có kiến thức về công nghệ thông tin và chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Chúng liên tục thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, sử dụng tài khoản ảo và thay đổi địa bàn hoạt động, khiến công tác xác minh, điều tra và thu thập tài liệu gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa một số cơ quan, tổ chức và DN, đặc biệt là các ngân hàng và DN cung cấp dịch vụ viễn thông - Internet, trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm lừa đảo vẫn chưa thực sự đồng bộ. Có những trường hợp, việc cung cấp thông tin chưa kịp thời, gây ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xác minh tin báo và xử lý các vụ án, vụ việc.

Quy tắc 6 không

Theo Cục An toàn Thông tin, với sự phát triển của công nghệ, các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng giăng bẫy thông qua email, mạng xã hội hoặc các trang web giả mạo. Để tự bảo vệ bản thân và tài sản, mỗi người cần trang bị những kỹ năng cần thiết và tuân thủ quy tắc 6 "không".

Cụ thể, mỗi người cần xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc với những nguyên tắc vàng để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi các chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Bằng cách ghi nhớ và chia sẻ những nguyên tắc này, mọi người có thể xây dựng một rào chắn an toàn cho bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng trước các mối đe dọa từ tội phạm mạng.

Các đối tượng lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để đánh lừa nạn nhân, khiến họ không kịp suy nghĩ thấu đáo. Chúng có thể sử dụng các cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu chuyển tiền gấp với những lý do như khuyến mãi sắp hết hạn hoặc đe dọa liên quan đến các thủ tục tố tụng... Trong những trường hợp này, hãy dành thời gian suy xét cẩn thận, đặt câu hỏi để xác minh thông tin, tránh bị dồn ép vào tình huống bất lợi.

Nếu nhận được một cuộc gọi không mong muốn, hãy chủ động tra cứu số điện thoại của ngân hàng, cơ quan hoặc tổ chức liên quan và liên hệ trực tiếp để xác thực thông tin.

Không có cá nhân hoặc cơ quan nào yêu cầu thanh toán ngay lập tức. Vì vậy, nếu cảm thấy giao dịch không đáng tin cậy, hãy dừng lại vì đây có thể là dấu hiệu lừa đảo.

Bằng cách ghi nhớ và chia sẻ những nguyên tắc này, mỗi người có thể tạo dựng một hàng rào bảo vệ chắc chắn trước các nguy cơ lừa đảo trực tuyến.

Chị Lê Thị H (Nghệ An) nhận lại số tiền 1 tỷ đồng sau khi kịp thời trình báo việc bị các đối tượng giả danh Công an lừa đảo. Ảnh: Công an cung cấp
Chị Lê Thị H (Nghệ An) nhận lại số tiền 1 tỷ đồng sau khi kịp thời trình báo việc bị các đối tượng giả danh Công an lừa đảo. Ảnh: Công an cung cấp

Vì vậy, cần ghi nhớ quy tắc 6 không: không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền.

Không kết bạn hoặc trò chuyện với người lạ, đặc biệt là các tài khoản có hình ảnh hấp dẫn nhưng không rõ danh tính và tuyệt đối không tham gia các hội nhóm không rõ mục đích.

Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.

Không có cơ quan Nhà nước nào như Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án hay đơn vị tài chính gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc đóng tiền qua điện thoại.

Không thực hiện chuyển khoản trước khi xác minh, tuyệt đối không đặt cọc hoặc chuyển tiền cho người lạ trong bất kỳ trường hợp nào.

Không tham lam trước những lời mời chào hấp dẫn về quà tặng, lợi nhuận cao mà không cần lao động, hoặc những công việc “việc nhẹ lương cao” đầy nghi vấn.

Công tác tuyên truyền về phòng ngừa lừa đảo trực tuyến vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo được mối quan tâm, sự cảnh giác của người dân, đặc biệt là những người trung và cao tuổi, người hưu trí, cũng như cư dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp hơn.
Kỳ 1: Lừa đảo luôn thay đổi theo xu hướng thời sự
Kỳ 2: Khoác vỏ bọc sang trọng để... giăng bẫy
Kỳ 3: Cạm bẫy từ giấc mơ “việc nhẹ, lương cao”
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động