Thứ sáu 24/01/2025 04:42
Có một Hà Nội giàu bản sắc được kết tinh bởi văn hóa Tràng An - xứ Đoài:

Kỳ cuối: Xây dựng thương hiệu văn hóa Hà Nội - vai trò then chốt trong chiến lược phát triển Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TS Nguyễn Thị Thanh Mai (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng với những tiềm năng, nguồn lực văn hóa, Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện cần có để xây dựng thương hiệu văn hóa nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo, xây dựng, giữ gìn bản sắc và thương hiệu Hà Nội cần chú ý nhiều phương diện.
Kỳ cuối: Gìn giữ nét đẹp Tràng An, xây dựng thương hiệu văn hóa người Hà Nội
Concert BLACKPINK ở Hà Nội đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả trong nước và quốc tế. Ảnh: BLINK

Những dấu ấn văn hóa đẹp đẽ của Hà Nội luôn hiện hữu

Mới đây, các trang mạng xã hội của BLACKPINK đã đăng tải đoạn clip về 2 đêm nhạc đáng nhớ của nhóm vào ngày 29 và 30/7 tại Hà Nội. Đoạn clip mở đầu với hình ảnh chùa Trấn Quốc, một công trình tôn giáo - lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Tiếp theo đó là hình ảnh một chiếc nón lá truyền thống được sơn màu hồng với dòng chữ đen BORN PINK WORLD TOUR Việt Nam, rồi khung cảnh hàng nghìn fan BLACKPINK phía ngoài sân vận động Mỹ Đình đồng thanh hô to tên nhóm nhạc thần tượng khiến ai xem cũng phải nức lòng.

Bên cạnh đó, trong clip còn có những điểm nhấn đầy ấn tượng của 2 đêm concert BLACKPINK ở Hà Nội như màn pháo hoa hoành tráng được đánh giá là ấn tượng nhất hành trình lưu diễn của BLACKPINK, các phần biểu diễn thăng hoa của các cô gái, phần cover vũ đạo ca khúc “See tình” gây chấn động cộng đồng fan Việt Nam và quốc tế. Đoạn clip khép lại với hình ảnh các cô gái đội nón lá, tạo dáng chụp bức ảnh lưu niệm với gần 70 nghìn khán giả của 2 đêm diễn.

Trước đó, trên sân khấu, nữ ca sĩ Rosé đã bày tỏ niềm đam mê với món phở Hà Nội và khoe đã "húp tới giọt cuối cùng" bát phở mang đậm hồn Việt. Đây không phải lần đầu tiên Rosé ăn phở Hà Nội. Cô từng đi lưu diễn nhiều nơi và khi có dịp đều ăn món ăn này ở những nơi mình đến. Điều đó càng khẳng định dù ở bất cứ đâu trên thế giới, phở Hà Nội vẫn chiếm được tình yêu của các thực khách và trở thành sứ giả văn hóa, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người, ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Tất cả những điều đó cho thấy những dấu ấn văn hóa đẹp đẽ về Hà Nội luôn hiện hữu trong các sự kiện tầm cỡ quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Tình cảm nồng thắm, hiếu khách, chu đáo của người Hà Nội luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các du khách trong nước và quốc tế, các nghệ sĩ nước ngoài đến Hà Nội biểu diễn.

Kỳ cuối: Gìn giữ nét đẹp Tràng An, xây dựng thương hiệu văn hóa người Hà Nội
Hình ảnh chùa Trấn Quốc xuất hiện đầu tiên trong clip về concert BLACKPINK ở Hà Nội. Ảnh: YG

Nhân sự kiện BLACKPINK đến Hà Nội biểu diễn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có thư cảm ơn gửi tới nhóm nhạc BLACKPINK, khán giả hâm mộ ban nhạc và các lực lượng chức năng TP Hà Nội. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Các buổi biểu diễn tại TP Hà Nội - điểm dừng chân cuối cùng của nhóm nhạc Hàn Quốc BLACKPINK tại châu Á trong “Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới 2023” được tổ chức trong hai ngày 29 và 30/7/2023 đã thành công tốt đẹp. Sự thành công của đêm nhạc tiếp tục khẳng định hình ảnh của Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, là điểm đến an toàn, thân thiện và khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của Thủ đô.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, cảm ơn ban nhạc BLACKPINK đã mang đến cho khán giả Thủ đô Hà Nội, du khách trong và ngoài nước hai đêm nhạc tuyệt vời và đáng nhớ. Cảm ơn các khán giả tham gia hai đêm diễn một cách sôi động, văn minh, thanh lịch góp phần quan trọng vào sự thành công của các đêm diễn.

Lãnh đạo TP đánh giá cao và cảm ơn sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của các lực lượng chức năng của TP đã đảm bảo công tác tổ chức, an toàn tuyệt đối của sự kiện này.

Hy vọng rằng, Thủ đô Hà Nội sẽ được đón và tổ chức nhiều sự kiện tương tự để góp phần thực hiện xây dựng nền công nghiệp văn hóa Thủ đô - xứng tầm là một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và nghĩa tình”.

Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện cần có để xây dựng thương hiệu văn hóa nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung

TS Nguyễn Thị Thanh Mai (Đại học Văn hóa Hà Nội) nhấn mạnh: "Bản sắc, thương hiệu của Hà Nội là những giá trị bền vững, đó là tinh hoa của người Hà Nội được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Những giá trị lịch sử văn hóa Hà Nội là tấm gương phản chiếu diện mạo, tâm hồn Hà Nội, kết tinh giá trị, tinh hoa của cả dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử tạo nên sự đồng thuận, gắn bó của người Hà Nội trong quá khứ, hiện tại và tương lai”.

TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng với những tiềm năng, nguồn lực văn hóa, Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện cần có để xây dựng thương hiệu văn hóa nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo, xây dựng, giữ gìn bản sắc và thương hiệu Hà Nội cần chú ý nhiều phương diện.

Thứ nhất, quá trình kiến thiết tương lai, xây dựng thương hiệu trong chiến lược phát triển Thủ đô cần dựa trên chiều sâu lịch sử văn hóa - xã hội của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Mọi sự sáng tạo và phát triển đều dựa trên cơ sở kế thừa. Các nhà chiến lược, hoạch định chính sách phát triển luôn cần có cái nhìn tổng thể về hiện trạng các nguồn lực văn hóa thông qua quá trình điều tra, sưu tầm kỹ lưỡng để có thể phân tích những tiềm năng, thế mạnh, thẩm định, lựa chọn những giá trị văn hóa tiêu biểu cho truyền thống, đề xuất những phương án giữ gìn, bảo tồn và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các di sản văn hóa, tinh thần của Hà Nội phục vụ cho quá trình xây dựng thương hiệu văn hóa của Thủ đô.

Bên cạnh việc xây dựng và phát triển Hà Nội về kiến trúc, cảnh quan, những biểu hiện vật lý của đô thị, chúng ta cần quan tâm tạo dựng và giữ gìn không gian ý nghĩa với con người đô thị, khí chất đặc trưng của cư dân đô thị.

Quá trình xây dựng và phát triển Hà Nội cần quan tâm đến giá trị văn hóa, lối sống, tinh thần của đô thị, trong đó một trong những hướng tiếp cận về đô thị hiện nay là nghiên cứu và kiến tạo đô thị từ những nơi chốn. Đó là một cách tiếp cận với trọng tâm là nhu cầu, cảm giác và tinh thần của người dân đô thị thay vì quá chú ý vào những bản quy hoạch với những chỉ tiêu, những bảng tính mang đầy chất duy lý và khó thích ứng trong thực tế. Chính vì vậy, những nơi chốn nhỏ bé như góc phố, quảng trường, công viên, hàng cây, cửa hàng, ô cửa,… đều chứa đựng những giá trị tinh thần, giúp chúng ta thấu hiểu bản chất tâm hồn của đô thị, tạo cảm giác gần gũi và hạnh phúc, sự yêu mến và gắn bó giữa con người với đô thị.

Thứ hai, xây dựng thương hiệu văn hóa người Hà Nội - vai trò then chốt trong chiến lược phát triển Thủ đô. Trong mọi chiến lược phát triển, Hà Nội luôn định hướng các cơ hội phát triển xuất phát từ yếu tố con người. Do đó, trong bất kỳ một dự án, đường hướng, chính sách phát triển nào thì con người luôn đóng vai trò then chốt, là trung tâm cho mọi sự phát triển. Các chương trình chiến lược được xây dựng đều nhằm đáp ứng những nhu cầu của con người, hỗ trợ tốt hơn cho đời sống của con người. Tuy nhiên, con người không chỉ là khách thể thụ hưởng các thành quả văn hóa mà con người cũng chính là chủ thể sáng tạo ra văn hóa.

Trong chiến lược xây dựng thương hiệu văn hóa, con người sẽ đóng vai trò như một đại sứ văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc truyền tải, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa. Có thể nói, phẩm chất tinh thần của người Việt Nam được biểu hiện tập trung, được kết tinh đậm đặc trong những người dân sống ở Thủ đô, trái tim của cả nước. Do đó xây dựng thương hiệu văn hóa người Hà Nội cũng chính là xây dựng thương hiệu văn hóa người Việt với bạn bè thế giới.

Với lịch sử hình thành và phát triển qua ngàn năm lịch sử, người Hà Nội đã định hình bản sắc văn hóa riêng có. Hiện nay với tốc độ mở rộng Thủ đô, quá trình đô thị hóa quá nhanh và lượng người nhập cư ồ ạt, sự phát triển đến chóng mặt của nền kinh tế thị trường, sự tiếp thu thiếu chọn lọc trong giao lưu văn hóa, khi môi trường tự nhiên, kinh tế đang ngày càng ô nhiễm và nhiều lý do khác đã và đang đánh mất đi nếp sống người Hà Nội cũng như nét thanh lịch vốn đã trở thành vẻ đẹp riêng có của người dân Thủ đô. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển Thủ đô hiện nay việc giữ gìn và phát triển những nguồn lực văn hóa là vô cùng cần thiết, trong đó việc xây dựng văn hóa người Hà Nội nên được đặt ra một cách cấp thiết.

Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” đã trở thành chương trình trọng tâm trong chính sách phát triển văn hóa của Thủ đô. Thiết nghĩ trong chiến lược xây dựng văn hóa người Hà Nội, một mặt cần giữ gìn và phát huy vẻ đẹp văn hóa người Hà Nội trong truyền thống, mặt khác cần xây dựng những vẻ đẹp văn hóa mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại mới và thích ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần luôn giữ gìn và trân trọng giá trị văn hóa và điều quan trọng hơn hết là cần tạo dựng niềm tự hào về giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô chứ không phải là những phép tắc luật lệ mang tính cưỡng chế, bắt buộc để làm sao mỗi người Hà Nội sẽ trở thành một đại sứ văn hóa cho Thủ đô thông qua hành động, lối ứng xử, tác phong cử chỉ, lối ăn uống,… của chính họ.

Thứ ba, phát huy vai trò của cộng đồng trong kiến tạo và phát triển bản sắc và thương hiệu Hà Nội. Hà Nội sẽ trở nên đẹp hơn khi được vun đắp bởi chính chủ thể - cộng đồng, những người đang sống và làm việc ở Hà Nội cũng như những người có tình yêu, niềm tự hào với Hà Nội. Chính vì vậy, vai trò của cộng đồng - những người chiếm đa số đang kiến tạo và hưởng thụ văn hóa là đối tượng trung tâm của quá trình giữ gìn bản sắc và thương hiệu văn hóa Hà Nội.

"Con người sẽ yêu hơn những gì họ làm, ý thức giữ gìn và bảo vệ khi họ gắn bó, gần gũi và mang “cảm thức thuộc về”. Chính vì vậy, để mỗi người dân sinh sống và làm việc ở Hà Nội dù là bất cứ ai cũng có thể đóng góp vào quá trình kiến tạo và giữ gìn bản sắc văn hóa Hà Nội, chúng ta cần giúp người dân nhận ra giá trị của chính không gian mình đang sinh sống và sở hữu. Muốn vậy, cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục di sản từ trong nhà trường, thúc đẩy các hoạt động trải nghiệm tại các không gian văn hóa, truyền thông, phổ biến về các giá trị mà không gian sống đang bao chứa trong nó. Khi con người nhận ra những giá trị văn hóa mà họ đang có, cảm thấy gắn bó, yêu thương và tự hào thì chắc chắn rằng họ sẽ ra sức giữ gìn và bảo vệ.

Khi kiến tạo Thành phố, chúng ta không kiến tạo ra các khối vật chất vô hồn mà phải kiến tạo xã hội, các cộng đồng dân cư có sự yêu thương chia sẻ, đồng lòng, đấu tranh, đó mới là đích của quy hoạch đô thị”, TS Nguyễn Thị Thanh Mai phân tích.

Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Hà Nội cần nâng cao “quyền đối với thành phố” của người dân: nâng cao nhận thức chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của người dân và chính quyền đối với Thành phố. Nếu như Thành phố được coi là tài sản chung và người dân có quyền sở hữu và kiến tạo nó, cũng như có nghĩa vụ và trách nhiệm với nó, thì sự tham gia và lên tiếng của người dân phải trở thành một thực hành bình thường. Do đó, “quyền đối với Thành phố” trước hết, bắt đầu từ việc nhận thức lại về Thành phố như là một “tuyệt tác tập thể” mà ai cũng có góp phần tạo nên tác phẩm đô thị ấy, cũng như có quyền sở hữu nó.

Đó là quyền được tham gia vào các hoạt động khác nhau trong quá trình xây dựng văn hóa cho Hà Nội. Từ việc tham gia vào xây dựng các chủ trương chính sách của nhà nước (được lấy ý kiến, thảo luận góp ý, đề xuất, chỉnh sửa, được biết thông tin, …) một cách dân chủ, minh bạch.

Đó là quyền được tôn trọng: Các không gian được tạo ra cần phù hợp với nhu cầu của người dân, tôn trọng tính đa dạng và dung hợp văn hóa đáp ứng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của người dân. Hay quyền được tạo ra và tái tạo chính không gian mà mình đang sinh sống. Đó là những quyền cơ bản, đáng có của bất cứ người dân nào đang sinh sống, làm việc, quan tâm, yêu thích, tự hào về Hà Nội. Mỗi người đều là cá nhân, chủ thể văn hóa đóng góp “vì một Hà Nội đáng sống”.

Kỳ cuối: Gìn giữ nét đẹp Tràng An, xây dựng thương hiệu văn hóa người Hà Nội

Xây dựng thương hiệu văn hóa người Hà Nội - vai trò then chốt trong chiến lược phát triển Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Theo TS Trần Đức Nguyên (Đại học Văn hóa Hà Nội), việc nâng cao nhận thức đúng đắn và đầy đủ của các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của hệ thống di sản văn hóa nói chung của các di tích lịch sử văn hóa nói riêng trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị hệ thống di sản này cũng được nhìn nhận một cách đầy đủ, khách quan và theo đúng xu hướng hiện nay.

Tiếp tục và nâng cao việc đầu tư ngân sách cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn TP. Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu đã được ghi nhận nhiều di tích được bảo vệ, giữ gìn kéo dài tuổi thọ, nhưng cũng còn nhiều di tích bị xuống cấp, có nguy cơ bị hủy hoại bởi chưa kịp thời quan tâm, đầu tư kinh phí cho việc chống xuống cấp, trùng tu, tu bổ. Cần có những chính sách phù hợp để đẩy mạnh, khuyến khích, tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.

Tăng cường việc phối hợp liên kết giữa các điểm di tích với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô. Việc liên kết với các trường phổ thông cần có kế hoạch, chương trình cụ thể. Thông qua đó, các trường học đưa chương trình giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vào các nội dung học cụ thể, đưa học sinh đến các di tích, các bảo tàng trên địa bàn để tìm hiểu, học tập trải nghiệm thực tế. Tăng cường cho thế hệ trẻ học đường có cơ hội được tiếp xúc, trải nghiệm tại các điểm di tích để thêm hiểu, thêm yêu truyền thống lịch sử thông qua các chương trình tham quan di tích lịch sử cách mạng mang tính “về nguồn”, tham gia bảo vệ các di tích, tổ chức kết nạp Đoàn, Đội ngay tại các điểm di tích ở địa phương,…

Tạo điều kiện cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao tại các làng xóm, khu dân cư có thể diễn ra tại các điểm di tích như các chương trình văn nghệ truyền thống, sinh hoạt câu lạc bộ tuổi thơ, tổ chức các lễ hội địa phương,… qua đó đời sống văn hóa tại cơ sở được gắn kết với các điểm di tích.

TS Trần Đức Nguyên cho rằng Hà Nội cần tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng các không gian sáng tạo tại các điểm di tích/di sản văn hóa để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Trường hợp của khu di tích Nhà tù Hỏa Lò và Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là những ví dụ bước đầu cho sự thành công theo hướng đi này. Xây dựng các không gian sáng tạo nhằm thu hút du khách là điều cần phải bản tới, có giá trị thực tiễn hiện nay khi từ năm 2019, Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Điều đó sẽ khơi mở những cơ hội mới đối với Hà Nội “Hệ thống di sản văn hóa phong phú là tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa; là động lực để thổi bùng lên ngọn lửa của sức sáng tạo và đổi mới đối với cộng đồng sáng tạo của Thủ đô và cả nước.

Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Đó là điều kiện thuận lợi phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững... Đây sẽ là đòn bẩy để Hà Nội trở thành Trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

Đẩy mạnh hoạt động số hóa di sản văn hóa. Việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số là việc làm cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững, khoa học và hiệu quả thực tiễn cao. Thông qua việc số hóa, công nghệ về lưu trữ cùng với các phần mềm tái hiện đa phương tiện, xây dựng các trưng bày, giới thiệu trên các không gian mạng từ đó công chúng sẽ được tiếp cận, khai thác và tương tác mà không làm tổn hại đến các di tích,…

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá về hệ thống di tích/di sản của Thủ đô theo đúng xu hướng của thời kỳ công nghệ 4.0. Một trong những hình thức mới nhằm đưa các di tích đến gần với công chúng hơn đó là chuyển đổi mô hình xuất bản sách lịch sử văn hóa sang dạng sách điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong thời kỳ chuyển đổi số, bảo vệ bản sắc văn hóa, bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa tại mỗi địa phương.

"Kinh nghiệm thành công của một số địa phương như huyện Đông Anh với sách điện tử “Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Anh (1930 - 2020)”, hay Thường Tín biên soạn và phát hành cuốn sách “Nguyễn Trãi với quê hương Nhị Khê - Thường Tín, Thăng Long - Hà Nội” và xây dựng Dự án khu lưu niệm danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại huyện Thường Tín,... Đây là phương cách hay, cần đẩy mạnh ở các địa phương, trên cơ sở khái thác nguồn dữ liệu di sản đã được số hoá. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lịch sử văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng xã hội,…", TS Trần Đức Nguyên nêu dẫn chứng.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, Hà Tây (cũ) sát nhập về Hà Nội có nghĩa là các cơ quan quản lý văn hóa của địa phương sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với các quy hoạch về văn hóa, tham vấn về văn hóa. Người dân xứ Đoài có ý thức tốt hơn về bảo lưu và giữ gìn truyền thống của làng, xã. Từ đó, việc bảo lưu, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa lịch sử không còn là việc của riêng xứ Đoài. Để có thể để có những biện pháp quy hoạch hiệu quả, các nhà quản lý văn hóa cần có những cái nhìn toàn diện, liên ngành sao cho phù hợp với một khu vực mặc dù đang được đô thị hóa mạnh nhưng cũng bảo lưu nhiều giá trị hồn cốt như không gian văn hóa Xứ Đoài. Tìm ra và nhìn nhận đúng vai trò những di sản văn hoá được truyền thừa để hướng tới một tương lai bền vững là nhiệm vụ quan trọng của chúng ta ngày nay.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đề xuất Hà Nội nên đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, dẫn đầu cả nước để cả nước noi theo. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Hà Nội có thế mạnh nhất về làng nghề và du lịch, nên khai thác hiệu quả như Tour đêm Hoàng thành, nhà tù, phố cổ đang triển khai. Hiện, nhiều địa danh văn hóa đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn; Nhiều hoạt động văn hóa đã không thể thiếu trong các chương trình du lịch của Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm,…Kho tàng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội mà tiền nhân để lại như là một tài sản to lớn và quý giá, một nguồn lực cho phát triển bền vững của Hà Nội.

"Với vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn, trái tim của cả nước, Hà Nội từ lâu luôn được coi là kinh đô văn hóa linh thiêng và hào hoa, nơi quy tụ và lưu giữ hồn dân tộc. Trong trái tim của mỗi con người Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội luôn là điểm đến của các du khách quốc tế, nơi muốn về của những người con đất Việt.

Hy vọng rằng, chúng ta sẽ được sống trong không gian văn hóa vừa có sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại trên nhiều chiều cạnh từ chiều sâu văn hóa, lịch sử cho đến cơ sở hạ tầng hiện đại thông minh, trong một Hà Nội vừa lưu giữ những nét rêu phong, hoài cổ của một kinh đô ngàn năm văn hiến vừa pha trộn với những nét văn hóa hiện đại của kiến trúc châu Âu, đồng thời vừa là một đô thị thông minh tràn đầy năng lượng hòa cùng nhịp điệu thời đại công nghệ số.

Và cho dù ở “lớp lịch sử” nào trong quá khứ, quy hoạch đô thị Hà Nội cũng luôn đảm bảo sự gắn kết hài hòa giữa tự nhiên và con người, giữa chuẩn mực của một Thủ đô với hoạt động giao thương của một trung tâm kinh tế", TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” đã tạo được nhiều chuyển biến từ TP đến cơ sở; nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương lớn, Nghị quyết số 09-NQ/TU (về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, phát huy hiệu quả.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã trong thời gian tới để thống nhất lại nhận thức và đề ra quyết tâm cao hơn nhằm tập trung xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chuyên đề, kế hoạch theo nội dung Chương trình số 06; gắn với thực hiện nghiêm các Nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng nhận định, với sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị của Hà Nội trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU đã tạo ra diện mạo văn hóa mới cho Thủ đô.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Hà Nội tiếp tục lan tỏa tiêu chí về xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh lan tỏa đến từng khu phố để nhân dân cùng tham gia xây dựng. Đồng thời, mong muốn Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu sâu sắc những nội hàm về văn hóa và cơ sở văn hóa để tiếp tục huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là khi Hà Nội có bề dày lịch sử, văn hóa và kho tàng về tri thức.

Kỳ 2: Văn hóa Tràng An - biểu tượng nét đẹp kinh kỳ mãi trường tồn Kỳ 2: Văn hóa Tràng An - biểu tượng nét đẹp kinh kỳ mãi trường tồn
Kỳ 4: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài Kỳ 4: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài
Kỳ 3: Những mạch ngầm hội tụ, hòa quyện để tỏa sáng Kỳ 3: Những mạch ngầm hội tụ, hòa quyện để tỏa sáng
Kỳ 1: Xứ Đoài - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam Kỳ 1: Xứ Đoài - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động