Thứ sáu 24/01/2025 12:18

Làm hòa giải mà không thể giảm mức độ “căng thẳng” thì không thể thành công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
10 năm tham gia công tác hòa giải, ông Trịnh Văn Đường, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Trung Quan 3, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ rằng: Ở khu dân cư, hòa giải có rất nhiều việc, nhưng việc nào cũng cần làm giảm mức độ “căng thẳng” xuống đã, rồi mới đến các bước tiếp theo.

Làm dịu đi những căng thẳng ban đầu

Tổ hòa giải trước tiên là giải quyết về liên quan đến các mối quan hệ trong khu dân cư, mà hầu hết là liên quan đến tranh chấp, kiện cáo về đất đai, vợ chồng không hòa thuận, và nhiều khi có cả mẫu thuẫn trong sản xuất nông nghiệp…

Với kinh nghiệm 10 năm làm công tác hòa giải, ông Trịnh Văn Đường, Tổ trưởng tổ hòa giải của thôn Trung Quan 3 chia sẻ: Muốn hòa giải tốt, trước tiên phải tìm hiểu về tâm tư nguyện vọng của các bên. Vừa căn cứ vào luật, vừa căn cứ vào tình. “Nếu tổ hòa giải chỉ nhận đơn hòa giải, rồi khi gặp gỡ các bên, thấy không thỏa thuận được mà bảo gửi đơn khiếu nại lên cấp trên đi thì đó là… thất bại rồi”, ông Trịnh Văn Đường nói.

Trong nhiều năm làm công tác hòa giải tại khu dân cư, ông Trịnh Văn Đường rất nhiều lần phải “đứng ra” để giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp đất đai, hay sự hòa thuận trong gia đình. Mỗi lần như vậy, ông đều cố gắng trước tiên, phải giảm căng thẳng trong các mâu thuẫn.

Như khi giải quyết mâu thuẫn đất đai vào khoảng 3, 4 năm trước, lúc trên địa bàn thôn thực hiện dồn điền đổi thửa, từng có hai anh em trong nhà mâu thuẫn, mà họ cũng rất lớn tuổi rồi, có con cái, cháu nội cháu ngoại rồi, mà lúc tranh chấp đất ruộng, không bên nào chịu bên nào.

“Tôi còn nhớ đó là gia đình bà An, ông Chi, căng thẳng đến mức mời ra tổ hòa giải mà bà An còn nặng lời với cả tổ hòa giải, thậm chí còn lăng mạ cả thành viên tổ hòa giải và nhất định không nghe trong thông tin hội nghị” – ông Trịnh Văn Đường kể.

Nhưng làm hòa giải là phải kiên nhẫn, phải giảm bớt căng thẳng của các bên, chứ tổ hòa giải không được để xảy ra những cãi nhau trong quá trình hòa giải. Vì thể bản thân ông Đường và các thành viên tổ hòa giải đã gặp gia đình hai bên, mỗi bên phân tích các lí lẽ cho phù hợp, để họ cùng ngồi lại với nhau.

Ông Đường chia sẻ: “Nói thật trước đây, dân cư ở đây vẫn quen theo phong tục cũ, đất đai để lại cho con trai, con gái chỉ được cho một phần tùy theo bố mẹ quyết, chứ mọi người vẫn chưa dựa trên hiểu biết pháp luật về luật đất đai, luật thừa kế tài sản… Vì thế, vừa hòa giải tôi lại vừa phân tích cho họ hiểu về các quy định của pháp luật, phải phân tích cả lý cả tình, phải nắm bắt nguyện vọng của hai bên để nói cho phù hợp. Kết quả là sau đó, hai bên gia đình bà An, ông Chi đã đồng ý rút đơn kiện, hòa giải, họp gia đình, cùng ăn với nhau bữa cơm để giải quyết mâu thuẫn”.

Hoặc khi giải quyết mâu thuẫn của nhiều cặp vợ chồng, bản thân ông Đường phải đến các gia đình nhiều lần, lắng nghe ý kiến của rất nhiều bên, thậm chí nhờ cả bố mẹ của hai bên tác động, phân tích thiệt hơn để làm dịu đi những bức xúc của người trong cuộc. Theo ông Đường thì lúc đầu, bên nào cũng cho là mình đúng, căng thẳng, đưa ra tổ hòa giải là chỉ muốn như nhanh chóng đến bước mang đơn ra tòa ly hôn luôn. Nhưng người làm hòa giải, càng những lúc như vậy càng phải làm dịu tình hình, không sốt sắng, không vội vàng, từ từ lắng nghe, từ từ tìm hướng tháo gỡ thì hòa giải mới thành.

Làm hòa giải mà không thể giảm mức độ “căng thẳng” thì không thể thành công

Ông Trịnh Văn Đường, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Trung Quan 3, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội luôn khéo léo vận dụng kiến thức pháp luật, lồng ghép vào các mối quan hệ tình làng nghĩa xóm để thực hiện công tác hòa giải thành công. Ảnh: Hà An

Vừa đầy đủ kiến thức, vừa khéo léo chữ "tình"

Trong những năm kinh nghiệm làm hòa giải của mình, cá nhân ông Trịnh Văn Đường đã nhiều lần tổ chức hội nghị hòa giải trong thôn và hòa giải thành.

Ông Trịnh Văn Đường cho biết: “Tổ hòa giải bao giờ cũng có những sách hướng dẫn về pháp luật, căn cứ vào đó mới có thể hòa giải được. Với công tác hòa giải, chúng tôi được tập huấn 1 năm 2 lần về công tác, nghiệp vụ hòa giải, trong đó có nội dung về giải quyết hòa giải trong cụm dân cư, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, các luật liên quan như luật thừa kế tài sản, luật đất đai… Điều này rất quan trọng, đi hòa giải mà chỉ nói mồm, không hiểu biết pháp luật là không bao giờ được cả”.

Nhưng ông Đường cũng chia sẻ rằng lợi thế của các tổ hòa giải trong khu dân cư chính là gần dân, chính vì thế, khi hòa giải luật pháp là gốc, nhưng cái "tình" cũng phải khéo léo hài hòa. Nói sao cho bà con hiểu được, giữ được quan hệ hòa hảo là ở sự kiên nhẫn sự hợp tình hợp lý của người làm hòa giải.

Bản thân ông Trịnh Văn Đường và các thành viên của tổ hòa giải thôn Trung Quan 3 đều làm việc vì tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân cư, dù hiện nay chế độ cho tổ hòa giải chưa có, nhưng các thành viên vẫn giữ vững tinh thần trách nhiệm, tinh thần với tập thể để làm tốt công tác của mình.

Nhận xét về quá trình thực hiện công việc của các tổ hòa giải tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, ông Đinh Văn Yên, Phó Chủ tịch xã Văn Đức đánh giá: Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bởi hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Do đó, hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân. Các tổ hòa giải tại địa bàn các thôn tại xã Văn Đức, trong đó có thôn Trung Quan 3 đã thực hiện tốt công việc, góp phần giảm tải cho chính quyền địa phương, góp tiếng nói quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hóa trong các cụm dân cư.

Người Người "hóa giải" mâu thuẫn của hàng xóm từ lòng đố kỵ...

Hàng xóm sửa nhà, dù không ảnh hưởng đến ai nhưng bà H vẫn một mực phản đối, đã vậy còn tỉ tê, to nhỏ ...

Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành

Bà Phạm Thị Nhịp, hòa giải viên địa bàn dân cư số 12 phường Ngọc Khánh, Hà Nội cho biết, làm hòa giải phải làm ...

Người hòa giải viên tận tụy, nhiệt tình Người hòa giải viên tận tụy, nhiệt tình

Với lòng nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy với công việc, ông Bùi Hoàng Long, Bí thư chi bộ, người có uy tín, hòa giải ...

Hà An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động