Thứ sáu 24/01/2025 01:18

Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) -Với 54 dân tộc anh em, Việt Nam là một trong những nước giàu truyền thống văn hóa, có nhiều tập tục.

Quy tụ và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc là một trong những mục tiêu của làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi tái hiện bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Vậy nhưng nhiều du khách đến đây lại chưa cảm nhận được điều đó. Trong khi sự “sân khấu hóa” đang dần “hủy hoại” nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc.


Không gian văn hóa truyền thống các dân tộc anh em…

Không chỉ dừng lại ý nghĩa là một viện bảo tàng, làng văn hoá, du lịch các dân tộc Việt Nam với diện tích trên 1.500ha được xem như khu vui chơi giải trí với vốn đầu tư lớn và tổ chức có “quy củ”. Điểm nhấn của làng văn hóa là việc bố trí hệ thống làng dân tộc mang đặc trưng của 54 dân tộc trên cả nước. Các làng dân tộc được phân bố rải rác trên những ngọn đồi, thung lũng, kết hợp cùng địa hình tương đối phong phú, đã góp phần thể hiện được rõ nét tính phân bổ của các dân tộc trải rộng trên mọi miền Tổ quốc.

Sự bố trí hợp lý của các làng dân tộc trong một quần thể thống nhất góp phần tái hiện cấu trúc làng, bản của dân tộc, với sự lưu giữ gần như nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Có tổng cộng 4 cụm làng được xây dựng dựa trên các công trình văn hóa đặc trưng: Cụm vùng Việt Bắc, Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ với hệ ngôn ngữ Tày-Thái, Tạng-Miến, Mông-Dao, Việt-Mường, Ka-Đai; cụm vùng cao nguyên, đồi núi thuộc các dân tộc vùng văn hóa Bắc Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên với hệ ngôn ngữ Môn-Khơ Me, Nam Đảo; cụm 3 và cụm 4 thể hiện các dân tộc ở các vùng bán sơn địa, cao nguyên đồi núi, triền sông hay các vùng duyên hải, thị trấn, thị tứ thuộc nhiều vùng văn hóa khác nhau.

Ở góc độ đầu tư và xây dựng, hệ thống làng dân tộc được chăm sóc khá kỹ lưỡng, tạo vẻ “choáng ngợp”, hoành tráng trước mắt các du khách đến thăm. Để đi tham quan và tìm hiểu được hết làng văn hóa, du khách khó có thể đi trong một ngày bởi diện tích ở đây quá lớn. Điểm thu hút du khách chính là sự kết hợp giữa những giá trị văn hóa đan xen các khu nghỉ dưỡng, du lịch. Nó tạo cảm giác “tò mò” và cuốn hút đối với khách thăm quan. Điển hình là khu vực hồ Đồng Mô rộng hơn 31ha, góp phần tạo nên cảnh quan lãng mạn và thoáng đãng của làng du lịch. Chính điểm nhấn này đã góp phần thu hút các bạn trẻ, các nhóm, câu lạc bộ tới chơi và tổ chức hội hè.

Dự kiến, một số khu vực khác trong làng văn hóa sẽ được đầu tư xây dựng thêm các khu di sản văn hóa thế giới như: Vạn lý trường thành, tháp Eiffel, kim tự tháp... nhằm tái hiện các công trình kiến trúc nổi tiếng. Thêm đó, một trung tâm văn hóa giải trí, ẩm thực, công viên, trò chơi,... hiện đại cũng được xây dựng trong tương lai, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.


Du khách đến thăm quan làng văn hóa với hi vọng sẽ hiểu và biết thêm nhiều nét văn hóa của các dân tộc khác nhau. Ảnh: Hà Linh


“Sân khấu hóa” các giá trị?

Việc phát triển một khu bảo tồn văn hóa mang tính quần thể và quy mô là điều đáng khích lệ. Bởi chúng ta đang cần lưu giữ, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống và những phong tục cổ truyền của các dân tộc anh em cho thế hệ trẻ. Nhưng sự đầu tư lớn này cũng mang lại khá nhiều “phiền toái” nảy sinh đối với những du khách.

Vấn đề lớn nhất chính là sự “gò ép” trong việc giữ gìn văn hóa lại đang “phá vỡ” văn hóa truyền thống. Việc tập hợp các dân tộc vào cùng một khuôn viên, một mô hình chung nhưng lại thiếu sự “sắp xếp”, quản lý “khoa học” đã khiến làng văn hóa trở thành một “nồi cháo thập cẩm”. Nó gây khó khăn cho các du khách khi thăm quan và tìm hiểu sâu về một dân tộc, một văn hóa làng, bản.


Những “mô hình” đặc trưng cho từng dân tộc được tái hiện lại tại làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam


Điểm nữa là các hướng dẫn viên của làng văn hóa chưa được đào tạo kỹ, chưa hiểu hết về các làng, về tập tục của một vùng nào đó,.... Điều này không có gì khó hiểu bởi để hiểu phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em thì hướng dẫn viên phải tìm hiểu hàng năm trời. Nhiều du khách khi hỏi sâu về văn hóa, tập tục của một làng, bản nào đó thì hầu hết hướng dẫn viên đều “xin khất”...

Có lẽ đó là do làng đã mải quy tụ các dân tộc để phục vụ cho việc du lịch nên “bỏ quên” việc giới thiệu chi tiết những tập tục, văn hóa của mỗi dân tộc. Đơn cử như khu nhà người Thái có tập tục tang quản – tang chan (nghĩa là đàn ông vào nhà đi cầu thang lớn trước nhà, phụ nữ phải đi cầu thang nhỏ phía sau). Đây là tập tục bao đời đã ăn sâu vào văn hóa, kiến trúc của người Thái nhưng nó lại bị “lãng quên” ở làng văn hóa. Khách du lịch, chẳng kể bất cứ ai, với váy ngắn váy dài, tha hồ nô đùa, đi lại một cách hồn nhiên đến mức những “người dân tộc” cũng “quen”, và chẳng thèm để ý hay nhắc nhở gì. Tưởng chừng điều này rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến văn hóa dân tộc bởi những du khách đó vô hình trung đang “Kinh hóa” bản sắc, tập tục của người Thái.

Đa phần các khu vực nhà, làng bản nơi đây được xây dựng một cách đúng nhất so với thực tế, thậm chí những người dân tộc ở đây luân phiên nhằm tái hiện bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Thế nhưng, sự sắp xếp có phần “chuyên nghiệp” ấy cùng với hệ thống quản lý đậm chất hiện đại đã vô tình “biến” những người dân tộc đó trở thành những “diễn viên”. Họ phải sống tại nơi được sắp xếp, có đầy đủ các phương tiện, có điện thoại để gọi, có camera quan sát, có khu vực nhà vệ sinh tiện nghi... Vô hình trung, những tập quán truyền thống của họ sẽ dần bị biến đổi.

Họ được mời đến sống để người khác đến xem, đến ngắm và chụp ảnh. Sự trao đổi về văn hóa, sự gần gũi về thông tin giữa các du khách và người dân sống nơi đây gần như không có. Phần lớn du khách đến đây đều có chung tâm lý “không hấp dẫn”. Nhiều du khách còn cho rằng sẽ chỉ tới đây một lần cho biết, chứ không quay lại nữa bởi làng văn hóa mang tính du lịch nhiều quá, rất khó để hiểu sâu và khám phá văn hóa các dân tộc ở đây.

Dường như đây là một khu trưng bày về văn hóa chứ chưa hẳn mang “ý nghĩa” của một làng văn hóa. Các dân tộc sống chung một nơi, trong một không gian rộng lớn nhưng lại bé nhỏ so với tính văn hóa thì sự đồng hóa là không thể tránh khỏi. Nếu có một ngày họ trở lại bản, trở lại vùng đất quê hương thì những giá trị văn hóa thực sự của dân tộc họ liệu còn tiếp tục được lưu giữ...? Họ sẽ có sự thay đổi cả về mặt nhận thức lẫn hành động trước những giá trị văn hóa của dân tộc mình?

Việc gìn giữ khác xa với việc kết hợp với du lịch và càng khó có thể đạt được mục đích: Chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, để cộng đồng chủ thể sáng tạo các giá trị văn hóa, làm sống dậy và duy trì các giá trị văn hóa. Vì lẽ đó, từ khi khai trương (từ tháng 9-2010) đến nay, trải qua gần 4 năm, người ta vẫn thấy những sự trăn trở tìm câu trả lời thấu đáo liên quan đến tâm linh và ý nghĩa của sự bảo tồn văn hóa của khu Làng.

Nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh đã có chia sẻ về chủ thể văn hóa tự giới thiệu, nhấn mạnh không nên sử dụng
người chuyên nghiệp, qua “sân khấu hóa”.
“Đã đành không dùng người chuyên nghiệp, nhưng nếu lấy đồng bào dân tộc về sinh sống hàng năm trời rất dễ sinh ra nhàm chán. Họ phải biểu diễn những điều không hoàn toàn giống với
cuộc sống”, ông Thanh phân tích.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Hoàng Hải thì cho rằng, tránh để bàn tay đạo diễn, biên đạo đụng tới các không gian nghệ thuật đặc trưng của dân tộc. Đây là cách làm nhanh nhất dẫn tới hủy hoại bản sắc văn hóa dân tộc.


Hà Linh

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động