Thứ năm 23/01/2025 06:08

Một loạt chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong tháng 11/2024, một loạt chính sách mới liên quan đến các lĩnh vực an ninh, giao thông, luật pháp và bảo hiểm xã hội... sẽ chính thức có hiệu lực.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không chứng thực đủ chữ ký trong văn bản bị phạt đến 5 triệu đồng

Đây là nội dung mới được Chính phủ bổ sung tại Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, không chứng thực đầy đủ chữ ký của tất cả những người đã ký trong văn bản yêu cầu chứng thực chữ ký sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng. Đồng thời, đây cũng là mức phạt cộng tác viên dịch thuật không đăng ký lại chữ ký mẫu khi có thay đổi.

Với hành vi vi phạm về chứng thực hợp đồng, giao dịch, khoản 32 Điều 1 Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi biện pháp khắc phục hậu quả là phải nộp lại bản chinh giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu tang vật.

Trong khi đó, quy định cũ tại điểm b khoản 5 Điều 35 Nghị định 82/2020/NĐ-CP chỉ quy định kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Bỏ quy định giám sát Cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình

Theo Thông tư 46/2024 của Bộ Công an, từ ngày 15/11/2024, quy định cho phép người dân giám sát hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thông qua ghi âm và ghi hình sẽ bị hủy bỏ. Trước đây, Thông tư 67/2019 cho phép người dân ghi âm, ghi hình trong những điều kiện nhất định để giám sát CSGT, tuy nhiên Thông tư mới điều chỉnh lại phương thức giám sát theo hướng gián tiếp và qua các kênh tiếp xúc khác. Người dân vẫn có thể giám sát thông qua việc tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an, qua các chủ thể giám sát được pháp luật quy định, hoặc bằng cách tiếp xúc và quan sát trực tiếp các hoạt động của CSGT trên đường phố.

Cục CSGT lý giải rằng một số trường hợp giám sát CSGT trước đây không thực hiện đúng quy định, thậm chí có trường hợp cố ý quay phim, chụp ảnh rồi phát tán trên mạng xã hội, gây hiểu nhầm và áp lực lên cán bộ thực thi công vụ. Việc thay đổi này nhằm đảm bảo trật tự và tính công bằng trong công tác giám sát.

Điều kiện mới trong việc thành lập hội: phải có tài sản đảm bảo

Nghị định 126/2024/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của các hội sẽ có hiệu lực từ ngày 26/11/2024, đưa ra những điều kiện rõ ràng và cụ thể hơn trong việc thành lập hội tại Việt Nam. Các hội là tổ chức tự nguyện, không vì lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo Nghị định mới, ngoài những yêu cầu quen thuộc như tên gọi, mục tiêu hoạt động, điều lệ và trụ sở, hội muốn thành lập phải có tài sản đảm bảo để phục vụ cho các hoạt động của mình. Đây là quy định bổ sung quan trọng so với Nghị định 45/2010, nhằm tạo ra sự ổn định và khả năng tự chủ tài chính cho các tổ chức xã hội.

Phạt luật sư đến 30 triệu đồng nếu xúc phạm người tiến hành tố tụng

Ngày 18/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2024 sửa đổi Nghị định 82/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến tư pháp. Theo đó, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên hay cán bộ điều tra sẽ bị phạt từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.

Luật mới nêu rõ, những trường hợp luật sư có hành vi xúc phạm đến người thực thi công vụ trong quá trình tố tụng sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Quy định này nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và sự tôn trọng đối với những người giữ trọng trách thực hiện luật pháp.

Tăng 15% trợ cấp hàng tháng cho quân nhân phục viên, xuất ngũ

Theo Thông tư 53/2024 của Bộ Quốc phòng, kể từ ngày 1/11/2024, quân nhân đã phục viên, xuất ngũ hoặc nghỉ hưu sẽ được tăng 15% trợ cấp hàng tháng. Cụ thể, những đối tượng được điều chỉnh trợ cấp bao gồm quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm phục vụ trong Quân đội, quân nhân làm công tác cơ yếu hưởng lương theo chế độ quân nhân đã phục viên hoặc thôi việc sau ngày 30/4/1975.

Mức trợ cấp sau khi điều chỉnh dao động từ 2.628.000 đồng/tháng (đối với quân nhân có từ 15 đến dưới 16 năm công tác) đến 3.105.000 đồng/tháng (đối với người có từ 19 đến dưới 20 năm công tác).

Sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Từ ngày 1/11/2024, hàng loạt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại nhiều địa phương sẽ có hiệu lực. Các địa phương như Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lào Cai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, và Quảng Ninh sẽ tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính nhằm tối ưu hóa quản lý nhà nước và phát triển địa phương. Việc điều chỉnh này nhằm giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý và nâng cao hiệu quả của các cấp hành chính.

Điều kiện xét thăng hạng với viên chức trợ giúp viên pháp lý

Bắt đầu từ ngày 1/11/2024, Thông tư 09/2024/TT-BTP của Bộ Tư pháp sẽ quy định cụ thể các tiêu chuẩn, điều kiện để viên chức trợ giúp viên pháp lý được xét thăng hạng. Viên chức đăng ký thăng hạng phải đáp ứng các điều kiện về chức danh, năng lực chuyên môn và các tiêu chuẩn đã được quy định chi tiết trong Thông tư 05/2022/TT-BTP.

Việc thăng hạng được quy định nhằm tạo động lực cho các trợ giúp viên pháp lý nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó nâng cao chất lượng hỗ trợ pháp lý dành cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Quy định về tiền ký quỹ khi giao dịch mua cổ phiếu

Theo Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện giao dịch mua cổ phiếu tại Việt Nam phải có đủ tiền ký quỹ trong tài khoản. Các công ty chứng khoán sẽ đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư và xác định mức tiền phải có trước khi đặt lệnh. Quy định này nhằm hạn chế các rủi ro trong thanh toán và đảm bảo tính an toàn của các giao dịch chứng khoán, đồng thời đặt trách nhiệm kiểm soát rủi ro lên công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký.

Trong trường hợp không đủ tiền thanh toán, công ty chứng khoán sẽ thực hiện các biện pháp xử lý bằng cách chuyển quyền sở hữu hoặc bán cổ phiếu để hoàn trả khoản thiếu.

Chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ ngày 1/11/2024

Luật Hợp tác xã được quy định chi tiết tại Nghị định 113/2024/NĐ-CP trong đó nêu rõ 9 chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ ngày 1/11/2024.

Cụ thể, Nhà nước có chính sách hỗ trợ pháp triển tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã gồm:

- Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% chi phí xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực; Ngân sách nhà nước chi trả 100% kinh phí đối với công chức, viên chức cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam, các hiệp hội, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, giảng viên khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

- Chính sách hỗ trợ thông tin được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã và Ngân sách nhà sẽ nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện.

- Chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện nội dung này.

- Chính sách hỗ trợ tối đa 100% kinh phí cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nhu cầu học tập từ mô hình hiệu quả bao gồm: tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến kinh nghiệm; tham quan, khảo sát; tư vấn, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.

- Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí.

- Chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể.

- Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro bằng việc hỗ trợ phần chi phí kiểm toán mà hợp tác xã đã thực hiện thuê tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm trước liền kề trong trường hợp hợp tác xã quy mô siêu nhỏ và nhỏ được Nhà nước hỗ trợ với kinh phí hỗ trợ từ 3 tỷ đồng trở lên.

- Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bằng việc hỗ trợ vốn, giống, trang thiết bị ứng dụng khoa học và công nghệ khi tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu theo các đề án từ nguồn kinh phí Nhà nước.

Thông tư quy định mới về mức lãi suất từ ngày 20/11/2024

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hàng loạt Thông tư quy định về mức lãi suất của tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.

Cụ thể, loạt Thông tư này gồm:

- Thông tư 46/2024/TT-NHNN về quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Điều 3 về lãi suất, nêu rõ: “Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ đối với tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của cá nhân.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ quy định tại Thông tư này bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.

Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật”.

- Thông tư 47/2024/TT-NHNN ban hành ngày 30/9/2024 sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 về việc sửa đổi hình thức tiền gửi rút trước hạn từ chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành thành “chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng phát hành”.

- Thông tư 48/2024/TT-NHNN ban hành ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; trong đó nêu rõ lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam: Không vượt quá lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 1 tháng, có kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng trong từng thời kỳ và từng loại hình tổ chức tín dụng.

Bổ sung trường hợp chỉ dẫn sai trong sở hữu công nghiệp

Có hiệu lực từ 15/11/2024, Thông tư 06/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đã bổ sung trường hợp chỉ dẫn sai trong sở hữu công nghiệp.

Cụ thể, khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2024/TT-BKHCN đã sửa đổi hướng dẫn hành vi chỉ dẫn sai như sau:

Từ 15/11/2024: Việc chỉ dẫn sai được hiểu là việc ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa cụm từ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự bằng tiếng Việt/tiếng nước ngoài thuộc một trong các trường hợp:

- Người sử dụng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp.

- Có hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp những thông tin gồm tên, số hợp đồng… trong nội dung chỉ dẫn không chính xác.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN đang hướng dẫn chỉ dẫn sai nghĩa là:

Hành vi chỉ dẫn sai là hành vi ghi trên hàng hóa hàng chữ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự như vậy, bất kể bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, nhưng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, quy định mới đã bổ sung thêm trường hợp bị coi là chỉ dẫn sai là có thông tin trong hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không chính xác.

Sửa đổi hồ sơ công nhận văn bằng nước ngoài

Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung các loại hồ sơ công nhận văn bản nước ngoài sử dụng tại Việt Nam trong Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 2/11/2024.

Theo đó, khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT về hồ sơ công nhận văn bằng ở nước ngoài như sau:

- Bản sao/Bản sao từ sổ gốc văn bằng đề nghị công nhận kèm bản công chứng dịch sang tiếng Việt (quy định cũ còn yêu cầu bản sao văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp).

- Bản sao phụ lục văn bằng/kết quả học tập kèm bảng công chứng dịch sang tiếng Việt (giữ nguyên theo quy định cũ).

- Minh chứng thời gian học ở nước ngoài gồm: Quyết định cử đi học và tiếp nhận của đơn vị quản lý lao động; Hộ chiếu, trang thị thực có visa, dấu xuất nhập cảnh tương đương thời gian du học; Giấy tờ chứng minh khác.

Trong đó, những giấy tờ này là giấy tờ được bổ sung bởi Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT. Quy định cũ không liệt kê.

- Văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu được yêu cầu) - giữ nguyên như quy định cũ.

Đồng thời, việc gửi hồ sơ từ ngày 2/11/2024 phải thực hiện hoàn toàn online trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục hoặc Sở Giáo dục mà không còn được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Khi gửi hồ sơ online, quy định mới cũng yêu cầu người đề nghị thực hiện thanh toán lệ phí theo quy định.

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2024
Bổ sung danh mục ngành, lĩnh vực chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Giảm 50% lệ phí khi cấp đổi, cấp lại căn cước công dân trực tuyến trong năm 2025
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động