Thứ năm 23/01/2025 03:10

Mua bán hóa đơn khống bị xử lý thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo các chuyên gia, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước, cũng như “tiếp sức” cho nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác như: trốn thuế, buôn lậu, lừa đảo…
Các đối tượng trong vụ án mua bán trái phép hoá đơn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp
Các đối tượng trong vụ án mua bán trái phép hoá đơn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Đường dây mua bán hóa đơn hơn 10.000 tỷ đồng

CATP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng về hành vi mua, bán trái phép hoá đơn. Các đối tượng này đã dùng thủ đoạn mua căn cước công dân của người dân để thành lập các công ty, DN “ma”, thực hiện mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống để trục lợi bất chính. Các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Lê Thiện Nhật Thi (SN 1989) và Lò Ái Nhi (SN 1991) cùng trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh; Trần Vinh Sơn (SN 1988, trú tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tô Diễm Xuân (SN 1994, trú tại huyện Phong Điền, TP Huế) về hành vi mua bán trái phép hoá đơn.

Theo kết quả điều tra, đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng do Lê Thiện Nhật Thi cầm đầu đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống. Từ năm 2022 đến nay, Lê Thiện Nhật Thi, Lò Ái Nhi, Trần Vinh Sơn, Diễm Xuân và một số đối tượng khác đã xuất bán hơn 20.000 hóa đơn giá trị gia tăng cho các công ty, DN tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước với tổng số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng là hơn 10.000 tỷ đồng, tổng số tiền hàng hóa sau thuế ghi trên hóa đơn khoảng 2.150 tỷ đồng, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.

Qua điều tra, nhóm đối tượng này đã dùng thủ đoạn là mua căn cước công dân của người dân rồi về sử dụng để thành lập các công ty, DN “ma” để thực hiện mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống, chủ yếu là hóa đơn các mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi và đá, làm thất thu ngân sách Nhà nước và thu lợi bất chính số tiền lớn. CATP Gia Nghĩa đã thu giữ hơn 80 mẫu hộp dấu của các công ty “ma”, hơn 70 căn cước công dân để sử dụng vào việc thành lập công ty, trên 120 hồ sơ thành lập công ty “ma”, 8 điện thoại; 3 bộ máy tính, máy in, máy móc các loại và các tài liệu liên quan đến việc mua bán hoá đơn giá trị gia tăng. Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra.

Chế tài xử lý hình sự

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, các hành vi mua, bán hóa đơn cũng có thể coi là một dạng của hành vi “sử dụng không hợp pháp hóa đơn”. Và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì những hành vi mua, bán trái phép hóa đơn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Về chế tài hành chính, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, hành vi “cho, bán hóa đơn” sẽ bị xử phạt tiền từ 15 triệu đến 50 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, hành vi mua bán hóa đơn cũng có thể là hành vi “sử dụng không hợp pháp hóa đơn” và sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cùng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Nếu hành vi này “để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm” thì người vi phạm sẽ bị xử phạt về hành vi trốn thuế, với mức phạt tiền từ 1 lần đến 3 lần số thuế trốn, cùng với các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách Nhà nước và buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).

Về chế tài hình sự, luật sư Đinh Thị Nguyên phân tích, hành vi mua, bán hóa đơn ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” quy định tại Điều 203, Bộ luật hình sự năm 2015, với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng nếu thuộc trường hợp: gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người; gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, hoặc được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Đồng thời, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Nếu hành vi mua, bán hóa đơn để trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội “Trốn thuế” thì sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đến 10 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 2015. Pháp nhân thương mại phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Truy tố 38 bị can trong đường dây mua bán hơn 19.000 hóa đơn
Xét xử các “mắt xích” trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn “siêu khủng”
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động