Mua bán online – người tiêu dùng cần phân biệt được thông tin thực và ảo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMua online giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, giai đoạn 2016 -2020 sẽ là giai đoạn phát triển nhanh của thương mại điện tử khi mà nền kinh tế đã qua khỏi khủng hoảng và việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong nước, số lượng DN tăng nhanh và Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020.
Cùng với xu hướng chung của thế giới, xu hướng mua bán online, đặc biệt qua ĐTDĐ đang ngày một gia tăng ở Việt Nam. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ cho biết, hiện nay, trước khi quyết định mua sắm, có tới 70% lên mạng tìm kiếm thông tin và địa chỉ mua hàng, 82% người dùng vào điện thoại để quyết định mua gì ngay khi đang ở trong các cửa hàng. Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu thị trường, ông Phạm Thành Công, Trưởng phòng cấp cao, Cty Nielsen nhìn nhận, thị trường Việt Nam năng động, có nhiều sáng tạo và chấp nhận rủi ro, đó là một thị trường sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới, trong đó có thương mại điện tử.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc mua bán theo phương thức thương mại điện tử sẽ giúp người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng chỉ cần một cú nhấp chuột mà không cần phải đến địa điểm bán hàng. Việc thanh toán tiền mặt dần dần sẽ mất ưu thế, thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, giảm thiểu các chi phí. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, một trong những bất cập hiện nay trong dịch vụ bán lẻ trực tuyến của chúng ta là mua trực tuyến, nhận hàng trực tiếp nhưng lại… thanh toán bằng tiền mặt chiếm tới 90%! Khi mà phương thức thanh toán bằng tiền mặt trong thương mại điện tử còn diễn ra thì thương mại điện tử vẫn chưa thể hoàn thiện được, mà phải thay bằng thanh toán trực tuyến.
Theo bà Loan, phương thức truyền thống là “tiền trao, cháo múc” không dễ thay đổi, mà đòi hỏi cần phải có thời gian, có sự trải nghiệm của người tiêu dùng như là một phép thử và cả sự nỗ lực của các nhà bán lẻ cũng như cơ chế chính sách bảo hộ cho các bên phù hợp.
Thông tin trên mạng và thực tế phải đồng nhất!
Trong khi đó, theo nhìn nhận của ông Phạm Thành Công, với 1,3 triệu cửa hàng truyền thống, chiếm 85% doanh thu của ngành bán lẻ và hơn 65 triệu người sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 54% tổng doanh số ngành bán lẻ, thì đây là những cơ hội tiềm năng cho thương mại điện tử khai thác. Đáp ứng được thị trường nông thôn, ngành bán lẻ nói chung và thương mại điện tử nói riêng sẽ tạo được đà quan trọng để tiệm cận những mục tiêu phát triển đã đặt ra trong đẩy mạnh thương mại điện tử.
Tuy nhiên, ông Công cũng nhấn mạnh, cần phải giải quyết được thách thức lớn hiện nay trong thương mại điện tử là thông tin giữa thị trường thực và ảo phải đồng nhất để người tiêu dùng lựa chọn và tạo được lòng tin cho người tiêu dùng. Nhà bán lẻ phải thay đổi chiến lược về giá để bảo đảm giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Ngoài ra, theo chuyên gia của Cty Nielsen, cần lưu ý đến việc cung cấp thông tin để người tiêu dùng có thể phân biệt giữa thông tin thực và ảo, tiến đến dần thay thế thói quen mua sắm truyền thống bằng thương mại điện tử.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, hiện tỷ trọng bán lẻ truyền thống chiếm 80%, còn 20% bán lẻ hiện đại. Số lượng DN tham gia thương mại điện tử chưa nhiều, nhưng với cơ chế chính sách của Chính phủ đối với lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng hoàn thiện thì thương mại điện tử chắc chắn sẽ phát triển trong thời gian tới. Với tốc độ phát triển như hiện nay, dự kiến đến năm 2020, thương mại điện tử sẽ đạt doanh thu 10 tỷ USD và thay thế dần thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng cần chuẩn bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để không bị nhầm lẫn khi giao dịch online và các cơ quan chức năng cần xây dựng đầy đủ các chính sách pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng cũng như tạo thuận lợi cho môi trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh.
Phương Thảo / PL&XH

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại