Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà đất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTình trạng mua bán nhà đất “hai giá” phổ biến trong giao dịch bất động sản hiện nay (ảnh minh họa) |
Cần quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng
Đầu năm 2022, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với cục thuế xử lý nghiêm giao dịch bất động sản có dấu hiệu trốn thuế. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cục thuế yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, DN kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản... kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Tại đề án "Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản" đang được xây dựng, Tổng cục Thuế đã đề xuất biện pháp chỉ thanh toán qua ngân hàng và không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Biện pháp này nhằm kiểm soát dòng tiền trong giao dịch bất động sản, làm cơ sở căn cứ tính thuế, thực hiện công tác chống thất thu ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn, minh bạch cho cả người mua lẫn người bán.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, rất cần quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với các giao dịch nhà đất. Việc này sẽ giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền, đồng thời tạo minh bạch cho thị trường. Từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn cho thị trường bất động sản như thời gian qua. Theo ông Đính, cần phải tuyên truyền cho người dân về các lợi ích khi mua bán không dùng tiền mặt và cơ quan quản lý cũng cần phải áp dụng đồng bộ với các quy định liên quan. Từ đó minh bạch thị trường, giúp cơ quan quản lý có cơ sở dữ liệu.
Luật sư Nguyễn Trọng Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, thanh toán tiền thông qua ngân hàng trong giao dịch mua bán nhà đất được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Với Việt Nam, hiện nay việc này cũng không còn xa lạ. Có giao dịch mua bán nhà đất hàng chục tỉ đồng. Nếu nhận thanh toán bằng tiền mặt, bên bán sẽ phải gặp nhiều rủi ro như thiếu tiền, tiền giả, tiền rách, bị cướp giật bất cứ khi nào. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bên bán nên yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua tài khoản của mình.
Cơ quan thuế sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan
Theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế), việc quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiện nay gặp nhiều khó khăn, do liên quan đến rất nhiều Luật cũng như nhiều cơ quan ban ngành và ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao. Theo quy định pháp luật về thuế, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, quy định về thời hạn liên thông giải quyết thủ tục hành chính đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đối với cơ quan thuế là 5 ngày làm việc. Trong khi đó, hồ sơ đến cơ quan thuế thường sát ngày hẹn trả kết quả hoặc chậm dẫn đến áp lực rất lớn về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất. Đặc biệt, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Điều này sẽ tạo khoảng trống pháp lý để các tổ chức cá nhân, kê khai nộp thuế thấp hơn giá trị giao dịch thực tế.
Bà Hương cho biết, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, tham mưu với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập DN. Cùng với đó, cơ quan thuế sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, đề xuất UBND tỉnh, TP xây dựng Đề án chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, TP xây dựng Bảng giá đất sát với giá đất phổ biến trên thị trường.
Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp sẽ chủ động phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, cơ quan thuế thu thập thông tin, rà soát cơ sở dữ liệu để xác định doanh thu, đôn đốc kê khai, nộp thuế theo quy định, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
Theo bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu cơ quan thuế phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải xử lý theo thẩm quyền; những hành vi vi phạm không thuộc phạm vi, chức năng, thẩm quyền xử lý của mình, cơ quan thuế củng cố, hoàn thiện hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, không kê khai, hoặc kê khai giá trên hợp đồng, hóa đơn thấp hơn giá thực tế chuyển để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại