Nâng mức phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường: biện pháp mạnh để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Phá dỡ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội ngày 193. Ảnh: T.A |
Tăng tính răn đe
Mới đây, tại kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 22), HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 1 Điều 33, Luật Thủ đô 2024).
Theo đó, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm là mức áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân...
Trước đó, trình bày Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội (khoản 1 Điều 33, Luật Thủ đô 2024), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật đất đai xảy ra tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong đó, sự tác động và ảnh hưởng của thị thường bất động sản phát triển nóng tại nhiều địa phương là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm phát sinh, đặc biệt là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, như: chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép, thực hiện các hành vi hủy hoại đất nông nghiệp…
“Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, yêu cầu đặt ra cho chính quyền TP phải giải quyết bài toán tăng trưởng phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, cùng với các giải pháp về lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện hành, việc tăng mức xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 33, Luật Thủ đô 2024 để tăng tính răn đe là cần thiết” - ông Nguyễn Xuân Đại nêu rõ.
![]() |
Lực lượng chức năng thị trấn Phú Xuyên đang tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp ngày 65. Ảnh: T.T |
Bước chuyển tích cực trong tư duy quản trị đô thị
Việc tự ý xây dựng nhà ở hoặc công trình trên đất nông nghiệp mà không xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hành vi vi phạm pháp luật phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành Hà Nội. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu xây dựng nhà ở ngày càng gia tăng, kéo theo nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến sử dụng đất sai mục đích.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nếu đất nông nghiệp nằm trong diện quy hoạch hoặc bị Nhà nước thu hồi, công trình xây dựng trái phép sẽ không được bồi thường, dẫn đến thiệt hại tài chính nghiêm trọng. Trong trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 229, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Phân tích rõ hơn các hậu quả pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết: “Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của người dân. Nhiều trường hợp, người dân nghĩ rằng chỉ cần đóng phạt là xong nhưng thực tế, họ còn phải đối mặt với việc tháo dỡ công trình, mất quyền sở hữu tài sản trên đất và không được cấp sổ đỏ. Đặc biệt, tại Hà Nội, với mức phạt gấp đôi theo dự thảo Nghị quyết mới, hậu quả tài chính sẽ càng nặng nề”.
Về giải pháp để phòng, tránh vi phạm, luật sư Nguyễn Hồng Thái khuyến nghị, người dân cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật trước khi xây dựng. Nếu muốn xây nhà trên đất nông nghiệp, phải làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 57, Luật Đất đai 2024. Quy trình này bao gồm nộp đơn xin phép tại UBND cấp huyện, đóng phí chuyển đổi và chờ phê duyệt. Việc tuân thủ đúng quy trình không chỉ giúp tránh rủi ro pháp lý mà còn đảm bảo quyền lợi khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Sở sẽ tham mưu UBND TP xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức trong công tác quản lý đất đai và việc chấp hành các quy định của Luật Đất đai.
Sở cũng sẽ tham mưu UBND TP tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là tại thời điểm chuẩn bị và sau sắp xếp đơn vị hành chính, không còn cấp huyện và Thanh tra Sở; không để khoảng trống trong công tác kiểm tra, theo dõi tình hình chấp hành các quy định pháp luật quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn Hà Nội.
Với mục tiêu phát triển toàn diện và bảo vệ môi trường, Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, và bảo vệ môi trường. Các biện pháp đồng bộ được thực hiện quyết liệt sẽ tiếp tục phát triển Hà Nội thành một Thủ đô hiện đại, văn minh và hội nhập với thế giới.
Việc tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp làm phá vỡ quy hoạch tổng thể, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, cấp nước và xử lý chất thải. Đất nông nghiệp vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất lương thực và điều hòa môi trường. Khi bị lấn chiếm để xây dựng, hệ sinh thái đất bị suy thoái, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. TS Nguyễn Thành Nam - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội |
Hà Nội nâng mức tiền phạt đối với 71 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai | |
Đề xuất phân cấp cho Hà Nội trong lĩnh vực môi trường |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại