Siết chặt quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Phá dỡ công trình lấn chiếm đất nông nghiệp tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Ảnh: Thanh Hồng |
Lập lại trật tự xây dựng từ cơ sở
Những ngày gần đây, hàng loạt địa phương tại Hà Nội như Thanh Trì, Quốc Oai, Hoài Đức, Mê Linh, Chương Mỹ… đồng loạt ra quân xử lý tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đây là động thái cụ thể hóa chỉ đạo tại Công văn số 1601/UBND-ĐT ngày 21/4 của UBND TP Hà Nội về tăng cường quản lý trật tự xây dựng trong giai đoạn sáp nhập đơn vị hành chính.
Tại huyện Thanh Trì, UBND xã Tân Triều đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế 5 công trình vi phạm tại khu ao cá hồ ông Thọ và giáp khu đô thị Văn Quán. Các công trình này đều tự ý san lấp, đổ nền bê tông và dựng khung thép mái tôn trái phép trên đất nông nghiệp khi chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo xã, toàn bộ công trình vi phạm đã bị tháo dỡ hoàn toàn, trả lại nguyên trạng cho khu đất.
Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền khẳng định: “Việc xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích thể hiện quyết tâm của địa phương trong công tác quản lý đất đai. Chúng tôi sẽ không để phát sinh các công trình vi phạm mới, kiên quyết bảo vệ quỹ đất nông nghiệp nhằm phục vụ phát triển bền vững”.
Không riêng Thanh Trì, tại huyện Quốc Oai, tổ công tác liên ngành đã liên tục tổ chức cưỡng chế tại các xã Hưng Đạo, Cấn Hữu, Sài Sơn... Trong ngày 9/5, huyện xử lý dứt điểm 3 hộ tại xã Hưng Đạo, tháo dỡ hơn 650m² công trình vi phạm. Cùng ngày, xã Sài Sơn tiến hành cưỡng chế 11 trường hợp, trong đó có 5 công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích, 5 công trình lấn chiếm đất công và 1 trường hợp vi phạm luật đê điều.
Công tác xử lý tại Quốc Oai không chỉ tập trung vào cưỡng chế mà còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ, đồng thời tăng cường giám sát cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ. Các trường hợp thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý cũng bị xem xét xử lý nghiêm.
Tại huyện Hoài Đức, xã Đông La ghi nhận 63 công trình vi phạm với tổng diện tích hơn 10.000m². Sau khi kiên trì vận động và thực hiện cưỡng chế, đến giữa tháng 5, 100% vi phạm đã được xử lý. Tương tự, huyện Thanh Oai đã hoàn thành xử lý 101/175 trường hợp vi phạm đất đai, các trường hợp còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ.
Đáng chú ý, huyện Mê Linh đã có động thái cứng rắn khi phối hợp cùng Công ty Điện lực ngừng cung cấp điện nước cho các công trình vi phạm, đồng thời tạm dừng điều hành đối với hai Chủ tịch UBND xã Văn Khê và Thanh Lâm để tập trung xử lý vi phạm. Còn tại huyện Chương Mỹ, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 ghi nhận 17 trường hợp vi phạm mới, đều được phát hiện và tháo dỡ ngay lập tức.
Có thể thấy, những hành động quyết liệt, không nể nang của chính quyền các cấp đang góp phần lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Việc không để tình trạng vi phạm kéo dài, không chờ hợp thức hóa đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng: không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm đất đai tại Hà Nội.
![]() |
Lực lượng chức năng tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp trên địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Ảnh: Thanh Hồng |
Quy định pháp luật liên quan người dân cần biết
Theo quy định tại Luật Đất đai 2024, đất nông nghiệp chỉ được sử dụng cho các mục đích như sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối. Việc tự ý chuyển mục đích sử dụng như xây nhà xưởng, đổ nền bê tông, dựng nhà ở… khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính, cưỡng chế tháo dỡ, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật Hình sự 2025, sửa đổi 2017.
Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã quy định cụ thể về mức xử phạt đối với từng loại đất và diện tích vi phạm. Chẳng hạn, hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực xã có thể bị phạt từ 20 triệu đến 200 triệu đồng tùy theo diện tích. Nếu hành vi này xảy ra tại địa bàn phường, thị trấn thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Các trường hợp vi phạm liên quan đến đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất hoặc đất nông nghiệp khác cũng bị xử phạt tương tự, với các mức từ 10 triệu đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và nộp lại số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.
Một trong những hệ lụy nghiêm trọng của việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là các công trình sẽ không được công nhận về mặt pháp lý. Nhà ở hoặc công trình trên đất không phù hợp mục đích sử dụng sẽ không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu. Do đó, người dân cần cảnh giác với các lời mời gọi “bao pháp lý”, “cam kết ra sổ” từ bên bán. Biện pháp bảo vệ tài sản tốt nhất là tự kiểm tra quy hoạch, pháp lý tại cơ quan chức năng trước khi giao dịch.
Luật Đất đai 2024 cũng quy định rõ rằng, sau khi nhận chuyển quyền sử dụng đất, người dân có trách nhiệm đưa đất vào sử dụng đúng mục đích. Trường hợp bỏ hoang, sử dụng sai mục đích sẽ đối diện nguy cơ bị Nhà nước thu hồi. Do đó, trước khi có ý định xây dựng, người dân cần liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng Đăng ký đất đai để kiểm tra thông tin quy hoạch và xác định rõ khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nếu muốn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, người dân phải thực hiện đầy đủ thủ tục xin phép, chờ cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Sau đó, hoàn thành nghĩa vụ tài chính như tiền sử dụng đất và các loại phí liên quan trước khi tiến hành xây dựng hợp pháp.
Do đó, trước khi có ý định chuyển đổi hoặc xây dựng trên đất nông nghiệp, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tham khảo ý kiến cơ quan chức năng và thực hiện đúng quy trình pháp lý. Tránh trường hợp “tiền mất, đất không được dùng”.
Kiểm tra việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai | |
Nền tảng pháp lý vững chắc giúp quản lý đất đai hiệu quả |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại