Thứ sáu 24/01/2025 00:25

Nén nhịn là tiếp tay cho nạn bạo hành gia đình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 27-8, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bạo hành vợ dã man ngay trước mặt con trai chừng 5-6 tuổi, trong khi chị này đang bế một đứa con nhỏ khác vừa mới sinh khiến nhiều người phẫn nộ. Nhân vật trong clip là vợ chồng chị L, anh V, trú tại quận Long Biên, Hà Nội. Theo đó, ngày 26-8, chị L không muốn con xem ti vi nhiều nên đã thuê thợ chuyển chiếc ti vi từ phòng ngủ ra phòng khách. Vì vậy, anh V liên tục chửi bới, đánh đập vợ vì “tội” không xin phép.

Như gia đình chị L chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên chị L bị chồng đánh. Sau đó, chị L được người thân đưa đi khám và gia đình cũng đã làm đơn trình báo CA phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Nhưng sau đó, chị L rút đơn. Anh V đã viết đơn cam kết với CQCA sẽ không có hành động, lời nói đe dọa khủng bố tinh thần chị L. Trong bản cam kết, V thừa nhận hành vi bạo hành vợ là sai trái và rất ân hận.

Con số thống kế chưa đầy đủ của cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2011 tới 2015, cứ mỗi ngày ở Việt Nam có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo hành gia đình. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng do bạo lực gia đình.

Luận ra, người có hành vi bạo hành vợ (chồng, con...) sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, mức phạt cao nhất là 2 triệu đồng. Thậm chí, nếu mức độ nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (SĐBS năm 2017) nếu có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định, khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù. Ngoài ra, còn có thể phạm vào tội “Hành hạ người khác” hay “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”.

Có thể thấy, bạo lực gia đình hay bạo hành gia đình có thể được nhìn nhận dưới hành vi xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng hoặc danh dự của những người thân trong gia đình. Bạo hành gia đình nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân hoặc chịu rủi ro pháp lý. Trong khi đó, các nạn nhân phần lớn hoặc im lặng chịu đựng, hoặc cần phải mất nhiều năm mới có thể lên tiếng. Để bảo vệ chính mình, hãy lên tiếng sớm và đừng nén nhịn.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động