Nghị định 08 tạo hành lang pháp lý chính thức cho các hoạt động Thừa phát lại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Đỗ Hoàng Yến, nguyên Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp thảo luận tại Hội nghị triển khai các quy định của Nghị định 08. |
Tạo hành lang pháp lý chính thức cho hoạt động Thừa phát lại
Với Nghị định 08, các Thừa phát lại, các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động theo thể chế mới, không hoạt động theo Nghị định 161 và 135 nữa.
Tại Hội nghị triển khai các quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại được Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức, bà Đỗ Hoàng Yến, nguyên Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư Pháp cho biết: “Nghị định gồm 6 chương 75 điều quy định các vấn đề chung nhất về các hoạt động của Thừa phát lại.
Đây là một Nghị định rất chi tiết, đầy đủ về các vấn đề của Thừa phát lại. Là một thể chế chính thức để Thừa phát lại hoạt động, thay vì hoạt động theo kiểu thí điểm, phải viện dẫn từ nhiều văn bản mà trước đó vẫn có chữ “thí điểm”.
Thừa phát lại là lĩnh vực mà thể chế còn yếu trong số các vấn đề của Bổ trợ tư pháp khác. Nhưng cũng có rất nhiều những điểm sáng. Và Nghị định 08 đang tạo điều kiện, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động của Thừa phát lại”.
Cũng theo bà Đỗ Hoàng Yến, các điểm mới của Nghị định số 08, là bên cạnh những tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại đã được quy định trước đó tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì khoản 5 Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm một tiêu chuẩn mới là “Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.”
Như vậy, theo quy định mới này thì kể từ ngày 24-2-2020, để được bổ nhiệm làm Thừa phát lại thì công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.
Nghị định 08/2020/NĐ-CP cũng giới hạn độ tuổi được bổ nhiệm Thừa phát lại là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam (Nghị định 61/2009/NĐ-CP trước đây chưa giới hạn độ tuổi nào.
Nghị định quy định các công việc Thừa phát lại được làm là: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Thừa phát lại bảo vệ quyền lợi cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh
Theo khảo sát của PV tại một số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, nhu cầu người dân sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại chủ yếu là lập vi bằng. Đây cũng là thế mạnh của các văn phòng Thừa phát lại.
Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Điều 36, Nghị định 08 như sau: Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác; Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
Nghị định 08 có hiệu lực kể từ ngày 24-2-2020, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 đang là chủ đề rất nóng tại Việt Nam, ảnh hưởng đến mọi hoạt động đời sống xã hội. Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và Hà Nội đã phải thực hiện giãn cách xã hội, trong bối cảnh đó việc tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng của người dân gặp nhiều khó khăn.
Chị Đặng Thị Minh Hạnh – Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Trong thời gian giãn cách xã hội, Văn phòng tiếp nhận yêu cầu lập Vi bằng của người dân đến làm việc tại trụ sở Văn phòng bắt buộc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của Văn phòng theo đúng quy định như: Kiểm tra thân nhiệt, quét mã QR, đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn… Nhằm đảo bảo an toàn và kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Cùng với đó, bản thân các Thừa phát lại trong Văn phòng luôn có ý thức trang bị cho mình các kiến thức về phòng chống dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân, các thư ký nghiệp vụ đồng thời phải đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt và cập nhật thường xuyên các quy định về phòng chống dịch của UBND TP Hà Nội trên các phương tiện truyền thông báo đài, cổng thông tin điện tử TP Hà Nội”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại