Nhà thơ Bùi Văn Dung: Tiết lộ điều thú vị sau các giai điệu nổi tiếng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMộng mơ “gửi nắng cho em”…
Tôi gặp nhà thơ Bùi Văn Dung vào một ngày gần cuối năm 2021, mưa phùn gió bấc. Ngoài đời, có lẽ ít ai biết rằng con người với dáng vẻ hiền lành, hay cười, rất nông dân ấy là tác giả của những bài thơ dung dị, giàu cảm xúc. Những bài thơ như: Gửi nắng cho em; Con kênh ta đào; Giá em đừng yêu anh được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc, trở thành những giai điệu trữ tình, đằm thắm, từng là “hiện tượng” ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng công chúng yêu âm nhạc.
Vẻ mặt bình thản, nhẹ nhàng nhà thơ cất lời thủ thỉ, “bài thơ Gửi nắng cho em ra đời năm 1975, khi đất nước vừa thống nhất. Tôi là người lính mới lập gia đình, rời quê nhà xã Thượng Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc lên đường vào Nam nhận nhiệm vụ, với quân hàm Thượng úy, trợ lý cán bộ Quân khu 7. Bấy giờ, lính miền Bắc vào Nam rất đông, chưa được về phép, chúng tôi chung một niềm nhớ quê da diết. Thứ Bảy và Chủ nhật, những đồng đội người miền Nam được phép về thăm gia đình, đơn vị chỉ còn lại những người lính miền Bắc quê nhà xa lơ, xa lắc. Một buổi, vừa ăn cơm trưa xong, thời tiết vô cùng nóng bức, ngột ngạt, cánh lính chúng tôi vẫn quần đùi áo may ô, tôi nghe đài Tiếng nói Việt Nam có bản tin dự báo thời tiết, biết rằng miền Bắc đang rét đậm. Ký ức tôi lạc về quê nhà, nơi đang vào vụ cấy, nơi những người mẹ, người vợ dầm mưa đội rét, một nắng hai sương, với cảm xúc rưng rưng, thương yêu dâng trào. Trong hoàn cảnh ấy, một đồng đội của tôi đùa vui “giá như gửi được nắng ra ngoài kia thì tốt”. Rất nhanh, tôi bắt được ý thơ này, cộng với cảm xúc đang cuồn cuộn trong tim, bật lên thành những câu thơ:
“Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Thương cái rét của thợ cày thợ cấy
Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy
Có tình thương tha thiết ở trong này…”
Công việc bộn bề nhà thơ cũng không nghĩ về bài thơ kia nữa. Đến năm 1976, một hôm đang ngồi uống nước thì bất ngờ nghe thấy trên đài Tiếng nói Việt Nam vang lên giai điệu của bài hát “Gửi nắng cho em” được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc từ chính bài thơ của mình đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, khiến nhà thơ Bùi Văn Dung hết sức bất ngờ.
“Ban đầu, bài hát được công chúng rất thích, dù cũng có ý kiến phê phán rằng bài hát chứa đựng tình cảm ủy mị, lệch lạc, tiểu tư sản. Đến mức, tôi đã tính đến việc sẽ viết một bức thư gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên qua đài giải trình với thính giả rằng, sáng tác ấy đơn thuần là phản ảnh thực tế hoàn cảnh đời sống và tình cảm người dân hai miền Nam-Bắc. Nhưng tôi chưa kịp thực hiện, thì thật may thời gian sau đó, bài hát quay trở lại với công chúng qua trình bày của ca sĩ Ngọc Tân, rồi được yêu mến đón nhận đến tận bây giờ” – nhà thơ Bùi Văn Dung tâm sự.
Nhà thơ Bùi Văn Dung |
Hiện thực “con kênh ta đào”…
Những năm 1976-1977, phong trào thanh niên xây dựng các công trình thủy lợi diễn ra rất sôi nổi. Hiện thực này cũng là “chất liệu” để nhà thơ Bùi Văn Dung cho ra đời tác phẩm “Con kênh ta đào”.
“Bài thơ “Con kênh ta đào” xuất phát từ việc nhạc sĩ Phạm Tuyên gửi thư cho tôi nói rằng ông có hứa với tỉnh Bến Tre sáng tác bài hát về phong trào làm thủy lợi. Nhưng bận công tác, nên nhạc sĩ chưa thực hiện được, ông nhờ tôi lưu ý xem có thể viết được gì không? Nhiều tháng trời, cứ ngày nghỉ tôi lại tranh thủ đạp xe về các khu vực xung quanh Sài Gòn, thời ấy diễn ra phong trào thủy lợi rất sôi nổi. Hình ảnh nam nữ thanh niên xung phong khi ấy đều rất đẹp, trong sáng, bất chấp hoàn cảnh lao động khó khăn vất vả, gian khổ - dùng sức người, công cụ thô sơ, chinh phục thiên nhiên, đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Khiến tôi nảy ra những suy nghĩ rất thực tế giản đơn, rất biện chứng - phải qua gian khổ mới đến thành công, để rồi những câu thơ đã ra đời, nhanh chóng được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên, qua phần trình diễn song ca Ngọc Tân – Thanh Hoa, trở thành một “hiện tượng” âm nhạc thời bấy giờ.
Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua
Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng
Mồ hôi thấm lưng áo em bạc trắng
Con kênh bây giờ chưa là con kênh xanh…” – nhà thơ nhớ lại.
Hồi đó, báo Tuổi trẻ đã in nhạc phẩm kiểu tờ rơi, gửi cho Tổng đội thanh niên xung phong làm “hành trang” cổ vũ, động viên người người lên đường dựng xây đất nước. Giai điệu bài hát “Con kênh ta đào” khi được cất lên, đã gây tác động mãnh liệt, lay động hàng triệu trái tim những chàng trai, cô gái thời ấy vui vẻ lên đường.
Nói hộ nỗi lòng người chinh chiến
Năm 1978, nhà thơ Bùi Văn Dung chuyển công tác từ Nam ra nhận nhiệm vụ tại biên giới phía Bắc. Tròn 1 năm sau, vào thời điểm cuối năm 1979, ông gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên lên biên giới đi thực tế lấy tư liệu sáng tác. Hai tâm hồn đồng điệu một lần nữa gặp nhau và bài thơ “Giá em đừng yêu anh” do Bùi Văn Dung sáng tác, lại được Phạm Tuyên phổ nhạc thành giai điệu nói hộ nỗi lòng những chàng trai cô gái giữa tuổi xuân xanh, mùa yêu đang chín đã gác lại tình riêng, tạm chia tay để chàng trai theo tiếng gọi lên đường bảo vệ biên cương, Tổ quốc.
“Đừng yêu anh làm gì
Chiến chinh dài lắm đấy
Đợi anh nhiều như vậy
Mùa xuân nào chịu yên”
Bài thơ là phản ảnh thực tế tình yêu của người lính trong chiến tranh thời ấy – không có hình ảnh con tàu, sân ga, góc phố, màn chia tay ôm hôn, tặng hoa tiễn biệt… “Thời ấy, tình thế khẩn trương vội vã, chúng tôi nhận nhiệm vụ lên đường đi là đi ngay, đi khẩn trương, không có thời gian dùng dằng lưu luyến chia tay bạn gái, người yêu.” – nhà thơ chia sẻ.
Thực tế khốc liệt, nhưng tâm hồn người lính vẫn hy vọng ngày trở về, bên người yêu thương dựng xây hạnh phúc, thể hiện qua ca từ giai điệu bài hát rất đẹp, rất tinh tế chất chứa hi vọng cùng lời dặn dò tha thiết của chàng trai nơi tuyến đầu nhắn nhủ người thương ở quê nhà, “Hai phương trời đầy nắng. Đợi anh về nghe em”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại