Thứ năm 23/01/2025 20:11
Thảo luận Luật đấu thầu (sửa đổi):

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến các quy định về đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 27/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo.
Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến các quy định về đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế
Quang cảnh Hội nghị

Cùng dự Hội nghị có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết Luật Đấu thầu số 43 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế thi hành Luật Đấu thầu thời gian qua đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những xung đột trong thi hành pháp luật.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại tổ và hội trường và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).

Trao đổi về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, quá trình rà soát, chỉnh lý thời gian vừa qua, bên cạnh nhiều nội dung đã thống nhất, còn một số vấn đề nổi lên còn ý kiến khác nhau, còn băn khoăn, cần được tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan để thống nhất phương án tối ưu nhất. Trong đó còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; áp dụng Luật và các quy định của Luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; các quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; về đấu thầu qua mạng, lộ trình thực hiện; hợp đồng đối với nhà thầu, nhà đầu tư, điều chỉnh hợp đồng; mua thuốc, vật tư y tế; về đấu thầu trước.

Tại Hội nghị các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc nghiêm túc tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý về dự thảo Luật, vì đây là Dự án Luật khó, phức tạp, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo cùng với đó là tinh thần cầu thị lắng nghe nhiều chiều ý kiến của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà quản lý. Bên cạnh đó, còn một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu năm 2013. Theo đó, theo dự thảo, các dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Trong dự án Luật Chính phủ trình Quốc hội đã bỏ quy định quy định này và chỉ quy định đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành để tránh khoảng trống pháp lý do hoạt động thực hiện đấu thầu chủ yếu diễn ra tại doanh nghiệp con của doanh nghiệp Nhà nước. Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp thu ý kiến này và quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt về mua thuốc, vật tư y tế (quy định tại các Điều 23, 28 và từ Điều 55-59 dự thảo Luật) là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, cơ quan thẩm tra cũng rất chú trọng về nội dung này. Dự thảo Luật cũng đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.

Tại Điều 23 quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”; Điều 28 về Hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với "các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 01 đến 02 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác"; Chương V (từ Điều 55 đến Điều 59) quy định về "mua sắm tập trung, mua thuốc"...Các quy định về mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang diễn ra trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc đưa vào những quy định mới này cần được tiếp tục rà soát kỹ, có ý kiến từ phía các cơ qua thực thi, Bộ, ngành quản lý để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị; đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, cùng tập thể Ủy ban tăng cường phối hợp các cơ quan có liên quan đến nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật có được chất lượng tốt nhất.

Qua trao đổi thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến đều có chung nhận định những khó khăn vướng mắc trong hoạt động đấu thầu của ngành y tế không xuất phát từ Luật Đấu thầu. Song với sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực y tế, mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của ngành y tế, thực hiện sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, các ý kiến cũng cho rằng cần tiếp tục rà soát để nếu có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế trong Luật thì tiếp tục quan tâm tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan cần bám sát mục tiêu sửa đổi Luật đề ra ban đầu để có rà soát, báo cáo những nội dung đã được sửa đổi, những vấn đề còn cần tiếp tục nghiên cứu; đề nghị bổ sung làm rõ kinh nghiệm của quốc tế và của khu vực tư nhân trong đấu thầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôn trọng tất cả các ý kiến góp ý, các ý kiến khác biệt nhưng cần phải được làm rõ với các căn cứ, lí lẽ, lập luận xác đáng. Các nội dung của Luật Đấu thầu có ý nghĩa thực tiễn, cấp bách trong bối cảnh hiện này, các cơ quan cần đổi mới phương pháp, cách làm để kịp thời có những sửa đổi, bổ sung mang tính thuyết phục, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Nên các cơ quan của Quốc hội cũng cần có sự phối hợp tích cực, cho ý kiến tham giá góp ý chính thức.

Đăng Khôi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động