Thứ năm 23/01/2025 03:00

Những dấu mốc đáng nhớ của giáo dục Việt Nam năm 2024

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2024 đánh dấu một năm quan trọng và đầy ý nghĩa đối với ngành giáo dục Việt Nam, với nhiều thành tựu và hoạt động nổi bật.
Những dấu mốc đáng nhớ của giáo dục Việt Nam năm 2024
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Ảnh: Phạm Hùng

Được sự quan tâm chỉ đạo từ Đảng và Nhà nước, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng nền giáo dục tiên tiến và phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu.

Ngày 10/8/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW, khẳng định những thành tựu quan trọng trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Chương trình hành động triển khai Kết luận số 91-KL/TW, khẳng định cam kết phát triển giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu.

Năm 2024 cũng là thời điểm hoàn tất chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên cả ba cấp học. Các kỳ thi chuyển đổi và đổi mới, trong đó nổi bật là Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 – kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, đã được tổ chức thành công. Đồng thời, phương án thi và cấu trúc định dạng mới cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng đã được công bố, chuyển hướng từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực.

Lực lượng nhà giáo tiếp tục được phát triển thông qua các chính sách mới, trong đó nổi bật là việc trình dự thảo Luật Nhà giáo lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ chuẩn bị. Luật nhận được sự đồng thuận cao từ Quốc hội và xã hội, hứa hẹn mang lại sự tôn vinh và hỗ trợ thiết thực cho người thầy. Bên cạnh đó, năm 2024, Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng 21 Nhà giáo Nhân dân, 1.167 Nhà giáo ưu tú, ghi nhận đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp trồng người.

Về chuyển đổi số, ngành giáo dục đã đạt được những bước tiến quan trọng với việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, tích hợp với hệ thống quốc gia. Việc thí điểm học bạ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo tiền đề cho các dự án chuyển đổi số quy mô lớn hơn.

Năm 2024 cũng chứng kiến thành tích xuất sắc của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế. Các đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế đạt 12 Huy chương Vàng cùng nhiều giải thưởng danh giá, tiếp tục giữ vững vị thế trong top 10 thế giới. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam gia tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế, với những tiến bộ vượt bậc của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong lĩnh vực thể thao học đường, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13, thu hút sự tham gia của các quốc gia trong khu vực. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X cũng được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay, góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện thể chất trong học sinh.

Năm 2024 cũng là năm chứng kiến sự đoàn kết và nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc khắc phục hậu quả thiên tai. Trước những mất mát và thiệt hại nặng nề do bão số 3, toàn ngành đã chung tay, nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng, nhanh chóng ổn định hoạt động dạy và học.

Cuối cùng, phong trào xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời tiếp tục được đẩy mạnh. Với sự công nhận của UNESCO dành cho Thành phố Hồ Chí Minh và Sơn La, Việt Nam hiện có 5 thành phố trong "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu", khẳng định nỗ lực hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của ngành giáo dục.

Bộ Giáo dục& Đào tạo cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các tài năng trẻ
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động