Thứ năm 23/01/2025 13:53

Niềm mong mỏi của nhân viên trường học về chính sách tiền lương mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Giữ vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường, kiêm nhiệm nhiều phần việc công tác, hiện nay lương của nhân viên nhà trường còn rất thấp, nhiều so sánh ví von cho rằng, “lương nhân viên trường học không bằng lương công nhân".
Niềm mong mỏi của nhân viên trường học về chính sách tiền lương mới

Nhân viên trường học: văn thư, kế toán, thư viện, thiết bị trường học, thủ quỹ, công nghệ thông tin, y tế… chờ đợi chính sách tiền lương mới. Ảnh: M.A

Những bất cập tiền lương, phụ cấp

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương mới, xếp lương theo vị trí việc làm, cơ cấu tiền lương cơ bản chiếm 70% và 30% gồm các khoản phụ cấp.

Thực hiện cải cách tiền lương mới đang là vấn đề được các giáo viên, nhân viên trường học quan tâm. Trong đó, nhiều giáo viên băn khoăn về việc tăng lương, bỏ phụ cấp thâm niên nghề gây thiệt thòi với những giáo viên công tác lâu năm thì đối với đội ngũ nhân viên trường học, nỗi niềm được tăng lương chưa thực sự trọn vẹn.

Chị Nhã, nhân viên văn thư trường THCS Hoàng Diệu (Gia Lộc, Hải Dương) chia sẻ: “Tôi vào biên chế Nhà nước được 18 năm nhưng hiện nay nhận lương chỉ hơn 5 triệu đồng. Ngoài lương cứng, còn trừ 10-15% các loại bảo hiểm, công đoàn nên số lượng nhận thực tế không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Trước đây được hưởng thêm vài trăm nghìn tiền công tác phí các ngày đi giao dịch, nộp báo cáo thì năm 2023 khoản này cũng cắt giảm. Trong khi tôi vẫn phải hoàn thành công việc báo cáo, tự bỏ tiền chi phí xăng xe đi lại”.

Theo chị Nhã, đợt cải cách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 1/7/2024, tiền lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Như vậy, lương giáo viên sẽ tăng đáng kể so với trước đây.

Trong khi đó, đối với vị trí nhân viên trường học như văn thư, kế toán, thư viện, thiết bị trường học, thủ quỹ, công nghệ thông tin, y tế… thì chính sách cải cách tiền lương mới chưa nêu cụ thể.

“Mòn mỏi đợi tăng lương, chờ cải cách tiền lương mới, nhiều nhân viên trường học chán nản, không muốn nhắc đến cụm từ “tăng lương” nữa, họ bám trụ với nghề, chấp nhận thiệt thòi hơn so với đội ngũ giáo viên khác dù họ cũng từng trải qua giai đoạn học hành, thi cử để có tấm bằng đỏ để đáp ứng yêu cầu công việc”, chị Nhã bày tỏ.

Thực tế, một nhân viên văn thư trường học có thâm niên hơn 10 năm lương khoảng từ 4-5 triệu đồng, thâm niên hơn 20 năm có thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng, không có khoản phụ cấp, thiệt thòi xét thi đua, thi thăng hạng. Nhiều người không ngại so sánh mức lương của nhân viên trường học thấp hơn mức lương của công nhân xưởng máy.

Một bất cập khác là đa số nhân viên trường học hưởng lương trung cấp (hệ số khởi điểm 1,86) hoặc tối đa cao đẳng (hệ số khởi điểm 2,1), nhiều trường hợp nhân văn văn thư rất khó được thăng hạng chuyển xếp lương đại học dù nhiều người đã có trình độ đại học do vướng nhiều quy định, thủ tục.

Niềm mong mỏi của nhân viên trường học về chính sách tiền lương mới
Ngày 18/12/2023 Bộ GD&ĐT có Công văn số 7066/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ về việc đề xuất chế độ chính sách cho nhân viên trường học. Ảnh: M.A

“Gỡ” bài toán tiền lương của nhân viên trường học

Thống kê từ Bộ GD&ĐT, trên cả nước hiện có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học; trong đó có hơn 37.800 nhân viên kế toán; trên 32.100 nhân viên y tế, trên 35.100 nhân viên thư viện, gần 32.300 nhân viên thiết bị thí nghiệm, hơn 13.600 nhân viên công nghệ thông tin, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật.

Mức lương thấp, kiêm nhiệm vị trí, phần việc công tác, bất cập trong việc thi và xét nâng hạng chức danh nghề nghiệp, nhiều người bỏ việc vì không trụ được với nghề.

Qua rà soát, năm học 2021-2022 có 1.378 nhân viên trong biên chế nghỉ việc. Năm học 2022-2023 có hơn 1.413 nhân viên trong biên chế nghỉ việc. Số lượng biên chế nghỉ việc tăng hơn mỗi năm là vấn đề nan giải về chính sách chi trả tiền lương và phụ cấp với nghề.

Đối với nhóm nhân viên kế toán, thủ quỹ hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,1 so với mức lương cơ sở (tương đương 180.000 đồng/tháng), nhân viên thiết bị thí nghiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,2 (tương đương 360.000 đồng/tháng); nhân viên y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi 20% so với mức lương cơ bản, nhân viên văn thư, thư viện, công nghệ thông tin không có phụ cấp.

Đặc biệt, đội ngũ nhân viên tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú, ngoài nhiệm vụ chuyên môn phải có trách nhiệm trực, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh nhưng không được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3 như giáo viên và cán bộ quản lý công tác.

Nhằm “gỡ” bài toán về nâng cao thu nhập của đội ngũ nhân viên trường học, ngày 18/12/2023, Bộ GD&ĐT có Công văn số 7066/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ về việc đề xuất chế độ chính sách cho nhân viên trường học. Bộ GD&ĐT kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét lương của nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Cụ thể, nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%.

Trước bất cập về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với đội ngũ nhân viên trường học, cử tri tỉnh Nam Định đã nêu kiến nghị gửi tới Bộ Nội vụ với nội dung: nghiên cứu, điều chỉnh, nâng mức phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhân viên phụ trách kế toán đang làm việc tại trường học.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri, Bộ Nội vụ trả lời việc sẽ sớm nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét khi xây dựng chế độ tiền lương mới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp đối với đội ngũ nhân viên kế toán tại trường học.

Bộ Nội vụ cũng yêu cầu trước khi chờ bảng lương cụ thể theo chính sách tiền lương mới được áp dụng đối với đội ngũ nhân viên trường học, các cơ quan bộ, các cấp có thẩm quyền cần xem xét việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp để khi cải cách tiền lương sẽ có mức lương tốt hơn.

Hiện nay, việc cải cách tiền lương vẫn còn đang trong quá trình góp ý và xây dựng nên vẫn chưa có bảng lương cụ thể đối với nhân viên trường học.

Nỗi niềm của giáo viên “vui vì được tăng lương, buồn vì bỏ phụ cấp thâm niên” Nỗi niềm của giáo viên “vui vì được tăng lương, buồn vì bỏ phụ cấp thâm niên”
Nhiều điểm mới trong cải cách tiền lương giáo viên năm 2024 Nhiều điểm mới trong cải cách tiền lương giáo viên năm 2024
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động